Châu Âu nóng ruột với thỏa thuận hạt nhân Iran, có cứu được?

Châu Âu đang rất nóng ruột với thỏa thuận hạt nhân Iran, sau khi Tehran đầu tuần này tuyên bố chấm dứt tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, sau vụ Mỹ không kích tiêu diệt Thiếu tướng Qasem Soleimani. 

Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) vào năm 2015. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Và theo một nhà ngoại giao châu Âu, với tuyên bố mới nhất, có thể hiểu Iran đã từ bỏ thỏa thuận.

Châu Âu nóng ruột vào cuộc

Theo hãng tin Reuters ngày 7-1, trước động thái đáng ngại từ Iran, ba nước Đức, Anh và Pháp đang rất nỗ lực cứu vãn thỏa thuận.

Sau tuyên bố mới nhất của Iran, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra tuyên bố chung rằng ngăn chặn căng thẳng leo thang là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay. 

Trong tuyên bố, ba lãnh đạo châu Âu kêu gọi Iran kiềm chế hành động bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực. Ba lãnh đạo đề nghị Iran rút lại các hành động không phù hợp với thỏa thuận. 

Tướng  Qassem Soleimani bị Mỹ không kích. Ảnh: AP

Trước khi xảy ra diễn biến căng thẳng mới này, Anh-Pháp-Đức đã bận rộn với vai trò hòa giải giữa Iran và Mỹ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận.

Sau khi bị Mỹ tái áp đặt trừng phạt, Iran tuyên bố sẽ không tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận, trừ khi các nước châu Âu có biện pháp bảo vệ quyền lợi của Iran. Thời gian qua các nước châu Âu đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được Iran và Mỹ quay lại tuân thủ thỏa thuận. 

Iran vẫn chừa đường lui

Cái chết của Tướng Soleimani đã đẩy căng thẳng trong khu vực lên đến mức cao nhất trong hơn một thập niên qua, khiến việc hòa giải trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng khả năng đưa Iran trở lại với thỏa thuận vẫn còn. Phân tích tuyên bố của Iran, nhiều chuyên gia hạt nhân nhận xét nước này vẫn sẵn lòng đàm phán.

Trong tuyên bố mới nhất, Iran đe dọa sẽ bỏ tất cả giới hạn làm giàu uranium được quy định trong thỏa thuận.

Theo các quan chức Liên minh châu Âu (EU), Iran dù tuyên bố cứng thế nhưng vẫn khả năng giảm bớt căng thẳng khi Iran không nói rõ sẽ làm giàu uranium trong bao lâu. Mặt khác Iran vẫn hợp tác với các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong việc kiểm tra hoạt động hạt nhân của mình. Đây là một tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, một chi tiết nữa để lạc quan là Iran không đe dọa làm giàu uranium với độ tinh khiết 20%, yếu tố quan trọng trong chế tạo bom nguyên tử. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vẫn được Iran cho phép tiếp tục giám sát chuyện này. 

Thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015. Ảnh: ABC NEWS 

Vì thế, ông Mark Fitzpatrick - chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ) lạc quan rằng tình hình không đến nỗi căng thẳng như các nước tưởng tượng. 

Một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định các nước sẽ làm mọi cách để làm chậm quá trình làm giàu uranium của Iran. Điều lo ngại hàng đầu hiện nay là nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực và yếu tố nguy cơ là tính khó lường của chính phủ Trump.

Phía châu Âu thất vọng vì họ không nhận được cảnh báo nào của Tổng thống Trump về quyết định hạ sát tướng Iran, mặc dù quyết định này có khả năng gây bất ổn khu vực. Những gì ông Trump làm khiến chuyện thuyết phục Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vốn đã khó ngày càng khó hơn.

Pháp trước đây cam kết giúp Tehran giảm bớt áp lực trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, Anh, Pháp và Đức đã tạo ra một cơ chế thanh toán về thương mại nhân đạo và thực phẩm cho Iran nhưng cơ chế này vẫn chưa hoạt động được một năm.

Nhìn chung, các nước châu Âu đã không đáp ứng được điều mà Iran muốn trong thỏa thuận - chấm dứt các lệnh trừng phạt và tự do buôn bán dầu. Và cái chết của Tướng Soleimani dường như đã khiến các cam kết trên khó thực hiện hơn. 

Iran tuyên bố phá bỏ giới hạn làm giàu uranium. Ảnh: AP 

Một điểm khó khác, dù nỗ lực xoa dịu Iran nhưng nếu buộc phải quyết định, ba nước Đức, Anh, Pháp không có nhiều lựa chọn ngoài đứng về phía ông Trump. Có thể thấy điều này trong tuyên bố chung của ba nước châu Âu, đề cập đến "vai trò tiêu cực" của Iran trong khu vực nhưng không đề cập vụ không kích do Mỹ gây ra. 

Đồng tình điều này, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng cách ba cường quốc châu Âu thể hiện cho thấy họ đang nghiêng về phía Mỹ. Châu Âu vẫn tiếp tục đàm phán với Iran nhưng việc đứng về phía Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Cây gậy và cà rốt

Song song với việc thuyết phục, các nước châu Âu cũng đang tìm cách kiểm soát Iran. Các ngoại trưởng EU sẽ họp khẩn cấp tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 10-1 bàn biện pháp gây áp lực nhằm cứu vãn thỏa thuận nếu cần thiết.  Việc gây áp lực này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp. Theo đó, nếu được kích hoạt, cơ chế này sẽ gây áp lực lên Iran. Nước này có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của LHQ vốn đã bị hủy bỏ năm 2015 theo thỏa thuận. 

Các quan chức cho biết quyết định thi hành lệnh trừng phạt có thể xảy ra sau khi các bộ trưởng ngoại giao EU bàn bạc. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây ra phản ứng gì từ Iran hay Mỹ vẫn còn là một câu hỏi. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.