Chính sách thiếu nhất quán của Trung Quốc làm nóng biển Đông

Báo cáo được soạn dựa trên kết quả phỏng vấn các quan chức, học giả, nhà ngoại giao, nhà báo, các chuyên gia trong ngành du lịch, dầu khí và ngư nghiệp ở Trung Quốc, Đông Nam Á, lãnh thổ Đài Loan, Nhật và Mỹ.

Báo cáo ghi nhận ở Trung Quốc hiện nay có tối thiểu 11 cơ quan cấp bộ và năm cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc 11 cơ quan nêu trên đang tham gia công tác quản lý biển Đông. Trong đó, một số cơ quan đua nhau tranh giành miếng bánh ngân sách lớn hơn, còn một số cơ quan khác tìm cách mở rộng hoạt động kinh tế trên biển Đông. Để cạnh tranh quyền lực, các cơ quan này đưa nhiều tàu (tàu hải giám, tàu ngư chính…) đến biển Đông khiến tình hình biển Đông thêm căng thẳng.

Báo cáo nhận định một khi số lượng và vai trò của các tàu bán quân sự và thực thi pháp luật của Trung Quốc gia tăng ở biển Đông thì tình trạng mập mờ về pháp lý cũng tăng lên, thúc đẩy nguy cơ xung đột gia tăng.

Báo cáo ghi nhận tình trạng thiếu phối hợp xuất phát từ thực trạng hầu hết các cơ quan nêu trên của Trung Quốc được thành lập nhằm thực hiện chính sách nội địa nhưng giờ đây lại tham gia chính sách đối ngoại. Ngoài ra, chính quyền các tỉnh duyên hải cũng góp phần thúc đẩy căng thẳng do tìm mọi cách phát triển du lịch ở biển Đông.

Theo báo cáo, một khi vấn đề thiếu phối hợp giữa các cơ quan của Trung Quốc vẫn còn thì về lâu dài biển Đông vẫn sẽ còn biến động.

Trong khi đó, Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 22-4 đã đăng bài xã luận sặc mùi kích động chiến tranh. Bài xã luận nhận định thế đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough có thể sẽ còn kéo dài, do đó Trung Quốc nên chuẩn bị một cuộc chiến quy mô nhỏ ở biển Đông với Philippines.

Bài xã luận nhấn mạnh song song theo đó, Trung Quốc cũng cần thực thi mọi biện pháp đáp trả về kinh tế và chính trị đối với Philippines. Bài viết còn kêu gọi một khi chiến tranh nổ ra, Trung Quốc phải hành động kiên quyết và đưa ra thông điệp cho thế giới biết rằng Trung Quốc không muốn nhưng cũng không e ngại chiến tranh.

Hãng tin AP đưa tin ngày 23-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao quát cả biển Đông có thể đe dọa tự do hàng hải trong khu vực. Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines tuyên bố chiều 22-4, Trung Quốc đã rút tàu ngư chính 310 và một tàu hải giám khỏi bãi cạn Scarborough. Hiện chỉ còn một tàu hải giám Trung Quốc ở đây.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm