Chuyên gia: Để mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ trả giá đắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đối mặt nhiều thách thức trong năm qua. Trong khi Mỹ vẫn còn lo ngại về quyết định mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara muốn Washington dừng ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận nạn diệt chủng Armenia cũng đã trở thành mấu chốt của sự tranh cãi.

Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên dùng lời lẽ gay gắt với Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây tuyên bố Mỹ cần rút quân khỏi Syria và Iraq.

“Tất nhiên, nếu tôi có lựa chọn tôi sẽ muốn họ (lực lượng Mỹ) rút khỏi Syria và Iraq như cách mà họ đã rút quân khỏi Afghanistan. Bởi vì nếu chúng ta phục vụ hòa bình trên thế giới thì việc ở lại những khu vực này không còn ý nghĩa nữa” – ông Erdogan nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ tháng 6-2021. Ảnh: Olivier Matthys/AP

Ông Erdogan còn chỉ ra “một khởi đầu không tốt” trong các cuộc tiếp xúc giữa ông với Tổng thống Biden.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik gần đây, khi bình luận về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đây là lần đầu tiên ông Erdogan dùng những lời lẽ gay gắt như vậy đối với chính quyền Mỹ, đồng thời chỉ ra tình hình đang thay đổi trong khu vực.

Theo ông Abdullah Agar, cựu sĩ quan hoạt động đặc biệt của Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, có quá nhiều yếu tố làm suy yếu niềm tin giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, ví dụ như sự ủng hộ của Mỹ dành cho lực lượng người Kurd tại Syria và tình hình liên quan tới thương vụ S-400.

“Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng hai bên cuối cùng cũng tìm thấy điểm chung, trong khi trường hợp với Mỹ chẳng có gì hiệu quả cả. Mỹ đang cố gắng áp các điều kiện bất lợi với Thổ Nhĩ Kỳ. Các chính sách và chiến lược gần đây của Mỹ, chủ yếu là về vấn đề các lực lượng người Kurd hay Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã có tác động rất tiêu cực đối với mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Agar nói.

Thổ Nhĩ Kỳ khiến NATO tức giận vì mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Ảnh: Mehmet Ali Ozcan/Anadolu Agency/Getty Images

“Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mối quan hệ này xấu đi, song những hành động của Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn, vì chấp nhận các điều khoản của Washington thực tế chính là đòn tấn công vào chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ, việc mua S-400 không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề quân sự. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cần một hệ thống phòng không là rõ ràng. Trong khi đó, các đồng minh từ chối bán tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ lại không muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa từ nước khác. Tình hình này phá hủy mối quan hệ song phương. Có rất nhiều khoảnh khắc hủy hoại niềm tin như vậy giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ” – ông Agar nói.

Theo ông Agar, Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu hy vọng có thể giải quyết những lo ngại này trong các cuộc tiếp xúc với Mỹ.

"Thổ Nhĩ Kỳ muốn theo đuổi một chính sách cân bằng về tình hình nhưng về phần mình, Mỹ chẳng làm gì để ủng hộ ý định đó. Trong thời gian ông Donald Trump còn làm tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã rất không ổn định. Tuy nhiên, sau khi ông Biden lên nắm quyền, một giai đoạn thậm chí nhiều khó khăn và thách thức hơn đã bắt đầu. Tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ chính sách cân bằng với Mỹ song tôi tin Ankara sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ thậm chí chặt chẽ hơn với Nga” – ông Agar nhấn mạnh.

Để mất Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ trả giá đắt

Ông Agar chỉ ra tầm quan trọng của việc Tổng thống Erdogan kêu gọi Mỹ rời khỏi Syria và Iraq.

“Với những lời lẽ như vậy, ông Erdogan muốn nhấn mạnh rằng Mỹ là nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong khu vực. Thật vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang những lời lẽ gay gắt hơn với Mỹ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ngài ấy gay gắt và quyết tâm như vậy, ngài ấy đã cho thấy sự linh hoạt hơn trong quá khứ. Lý do cho điều này là lập trường quá tham vọng và chính trị hóa mà ông Biden đang thể hiện. Để mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ sẽ trả giá rất đắt. Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là cái cánh phía đông nam của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bây giờ thực tế là Mỹ đang chia cắt cái cánh này khỏi NATO” – ông Agar kết luận.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện cảnh sát Afghanistan ở Kabul năm 2018. Ảnh: Murat Kaynak/Anadolu Agency/Getty Images

Nhà khoa học chính trị Mehmet Sahin cũng đã bình luận về tuyên bố của ông Erdogan như sau: “Chúng tôi nhìn thấy điều kiện sống đang xuống cấp trên diện rộng tại tất cả vùng lãnh thổ nơi Mỹ xâm lược. Tình hình ở Afghanistan hay ở Iraq không những không được cải thiện từ khi Mỹ can thiệp mà còn trở nên tồi tệ hơn”.

“Chúng tôi thấy Mỹ tại Syria đang ủng hộ một tổ chức khủng bố. Tuyên bố của ông Erdogan cho thấy sự hiện diện của Mỹ không giải quyết vấn đề mà chỉ làm tình hình thêm khó khăn. Vì thế, lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt sau khi có thông tin hơn 176 triệu USD được phân bổ trong ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm 2022 để ủng hộ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Rõ ràng với ông Erdogan sẽ tốt hơn nhiều nếu Mỹ rút lực lượng khỏi khu vực, thay vì tiếp tục gây bất ổn tình hình khi ủng hộ các tổ chức khủng bố” – ông Sahin nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.