Chuyên gia Mỹ: 'Nhật nên lo về kịch bản ông Trump tái đắc cử'

Ngày 26-8, báo The Japan Times đăng bài phân tích về những khó khăn Nhật Bản có thể đối mặt nếu đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.

Dẫn ý kiến của ông Daniel Russel, Phó Viện trưởng Viện Chính sách xã hội châu Á và ông James Schoff, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie (cùng có trụ sở ở Mỹ), The Japan Times cho rằng Nhật Bản có thể phải tìm kiếm đối tác khác (ngoài Mỹ) nếu ông Trump tái đắc cử và tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa biệt lập.

Ông Russel cho rằng Tổng thống Trump có thể tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận an ninh và kinh tế "không bền vững" và "gây ra khó khăn lớn cho Nhật Bản".

Còn ông Schoff lo ngại rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ tạo ra "một nước Mỹ mất đoàn kết hơn" và "thúc đẩy Nhật Bản đa dạng hóa quan hệ an ninh và kinh tế với các quốc gia khác". 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (Pháp) năm 2019. Ảnh: NYT

Dự đoán một cách tổng quát, ông Schoff cho rằng "nếu ông Trump tái đắc cử, điều này sẽ tác động đến Nhật Bản theo hai hướng khác nhau. Đầu tiên là ở cấp độ vĩ mô, tức là sức khỏe của nền kinh tế và chính trị Mỹ. Và hướng còn lại, ở cấp độ vi mô hơn, là các lựa chọn chính sách mà Nhật Bản quan tâm".

Các cuộc đàm phán về khoản đóng góp của Tokyo cho lực lượng Mỹ đóng quân ở Nhật Bản và sự căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh là hai trong số các vấn đề chính sách mà ông Trump (nếu tái đắc cử) có thể khiến Tokyo đau đầu.

Riêng về quan hệ kinh tế, ông Russel cho rằng Tokyo sẽ đối mặt với "một chặng đường rất khó khăn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump" (nếu ông tái đắc cử). Đó là sức ép ngày càng gia tăng từ Washington về việc Nhật Bản phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực để lôi kéo Nhật Bản tham gia các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc. Đến hiện tại, Tokyo vẫn đang nỗ lực duy trì sự cân bằng vừa phải.

Trong một nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc nhưng cũng là để thuận lòng Mỹ, Nhật Bản đã cấp ít nhất 243,5 tỉ yen (2,3 tỉ USD) để hỗ trợ 87 doanh nghiệp nước này dời nhà máy khỏi Trung Quốc.

Còn về lĩnh vực an ninh, hai chuyên gia Mỹ cho rằng Nhật Bản phải đối mặt với lựa chọn tăng đóng góp từ ngân sách phòng vệ quốc gia hoặc chấp nhận việc Mỹ mức độ bảo vệ an ninh.

Thỏa thuận an ninh hiện tại giữa Washington và Tokyo sẽ hết hạn vào tháng 3-2021. Theo đó, mỗi năm Nhật Bản đóng góp 200 tỉ yen (khoảng 1,9 tỉ USD) với danh nghĩa "hỗ trợ của nước nhận quân". Những đóng góp này phục vụ chi phí nhân lực, tiện ích và các chi phí khác liên quan tới căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.

Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, chi trả nhiều hơn để được quân đội Mỹ bảo vệ. 

Ngoại trưởng ba nước Mỹ (giữa), Hàn Quốc (trái) và Nhật Bản (phải) tại hội nghị ba bên ở Munich (Đức) hồi tháng 2-2020. Ảnh: REUTERS

Nếu ông Trump tái đắc cử, Nhật Bản có thể phải đối mặt với áp lực tăng cường đóng góp tài chính giống như cách Hàn Quốc - một đồng minh quan trọng của Washington ở châu Á - đang chật vật đàm phán với Mỹ.

Theo hồi ký của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (xuất bản mà không được Washington cấp phép), Mỹ đang thuyết phục Nhật Bản tăng mức đóng góp hằng năm lên thành 8 tỉ USD và đe dọa rút quân nếu Tokyo không đáp ứng yêu cầu này.

Ông Schoff cho rằng "đơn giản là Tokyo không thể chấp thuận các yêu cầu của ông Trump và điều này có thể dẫn đến một số hình thức trả đũa thương mại từ Mỹ hoặc việc hạ cấp quan hệ hợp tác an ninh trong liên minh".

Còn ông Russel lưu ý rằng Tổng thống Trump nhiều lần thể hiện rõ rằng "quan hệ liên minh như một hợp đồng đánh thuê và mục tiêu của ông ấy có vẻ là đàm phán lại hợp đồng để thu lợi nhuận".

Do đó, ông Russel nhận định rằng việc ông Trump tiếp tục nắm quyền ở Nhà Trắng "có nghĩa là Nhật Bản sẽ bị đẩy vào vòng xoáy chi ra nhiều tiền nhất có thể" cho việc duy trì lực lượng Mỹ.

Trong những năm gần đây, Tokyo đang đều đặn tăng ngân sách quốc phòng, nhập khẩu nhiều vũ khí tiên tiến từ Mỹ và tăng cường huấn luyện chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, Nhật Bản đưa ra quyết định bất ngờ về việc hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore với lý do về chi phí và các vấn đề kỹ thuật.

Trong nhiệm kỳ thứ hai (nếu có thể), ông Trump được cho là sẽ nỗ lực đảo ngược quyết định trên của Tokyo và thúc đẩy đồng minh chi tiền nhiều hơn.

* Ông Daniel Russel từng là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Còn ông James Schoff từng là chuyên viên cấp cao về Đông Á, làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Nhật muốn cứu vãn hệ thống Aegis Ashore
Nhật muốn cứu vãn hệ thống Aegis Ashore
(PLO)- Mặc dù tuyên bố hệ thống Aegis Ashore quá tốn kém và gặp nhiều rủi ro khi sử dụng, Tokyo chưa hoàn toàn từ bỏ kế hoạch triển khai hai khẩu đội phòng thủ tên lửa này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm