Đảng Cộng hòa phản đối dự thảo ngân sách của ông Trump

Dự thảo mang tên “Nước Mỹ trên hết: Kế hoạch ngân sách để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (ảnh) chỉ 53 trang thay vì hơn 130 trang như những năm trước. Trong dự thảo có năm điểm đáng chú ý:

Tăng chi quốc phòng: Bộ Quốc phòng sẽ nhận được mức tăng ngân sách cao nhất đến 52 tỉ USD (tăng 10%). Mức tăng này nhằm đấu tranh chống IS hiệu quả hơn, tăng thêm quân số, đồng thời sản xuất thêm tàu chiến mới và máy bay chiến đấu F-35.

Nước Mỹ trên hết: Ngân sách dành cho Bộ An ninh nội địa tăng 7% lên đến 44,1 tỉ USD, trong đó dự chi 2,6 tỉ USD cho dự án xây tường dọc biên giới Mexico. Ngược lại, ngân sách Bộ Ngoại giao bị cắt đến 29% bao gồm ngân sách viện trợ phát triển, mức đóng góp của Mỹ vào các quỹ của LHQ và hoạt động gìn giữ hòa bình.

Chú trọng đầu tư cho trường tự chủ (trường công tự quản về quy chế và tài chính có nhận ngân sách) và séc giáo dục cấp cho cha mẹ. Dù vậy, nhiều chương trình như chương trình Trung tâm học tập cộng đồng thế kỷ 21 sẽ bị hủy bỏ.

Cắt giảm ngân sách môi trường: Ngân sách cấp cho Cơ quan Bảo vệ môi trường sẽ giảm 31%, mức thấp nhất trong 40 năm qua. 1/5 số nhân viên (3.200 người) của cơ quan này sẽ bị tinh giản. 50 chương trình sẽ bị hủy bỏ.

Hủy bỏ trợ cấp dành cho 19 cơ quan nhỏ.

Nhìn chung dự thảo ngân sách năm 2018 chú trọng đầu tư cho quốc phòng và an ninh, bù lại sẽ cắt giảm ngân sách dành cho môi trường và ngoại giao. Tại Mỹ, ngay cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đều đánh giá dự thảo ngân sách năm 2018 quá cực đoan. Chưa bao giờ kể từ thời Ronald Reagan lại có một tổng thống đảng Cộng hòa nào dám đề xuất cắt giảm ngân sách của các cơ quan liên bang mạnh tay như thế.

Ngân sách về môi trường bị chỉ trích mạnh mẽ nhất. Nghị sĩ Rob Portman tuyên bố sẽ đấu tranh bảo vệ dự án trùng tu vùng Hồ Lớn. Nghị sĩ Lisa Murkowski, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thượng viện, lo ngại về các khoản cắt giảm ngân sách trợ cấp cho địa phương xử lý nước và trợ cấp năng lượng cho các hộ nghèo.

Tổ chức Human Rights Watch chỉ trích Tổng thống Donald Trump muốn làm suy yếu hoạt động của các cơ quan chính phủ phụ trách về nhân quyền. Tổ chức Climate Action Network khẳng định Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ những người bị hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng. Tổ chức Greenpeace tố chính quyền của ông Trump rõ ràng đã đánh giá cao các tập đoàn công nghiệp hơn người dân.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo hậu quả đối với công tác chống khủng bố nếu các quỹ của Mỹ dành cho LHQ bị cắt giảm. Đại sứ Pháp tại LHQ François Delattre ghi nhận tình hình bất ổn có thể xảy ra một khi Mỹ cắt giảm hoạt động quốc tế.

Giải thích với báo chí về dự thảo ngân sách năm 2018, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Mick Mulvaney khẳng định đây là ngân sách của “quyền lực cứng” sau giai đoạn tập trung cho “quyền lực mềm” dưới thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, báo chí quốc tế đánh giá ít có cơ hội dự thảo ngân sách nêu trên được Quốc hội Mỹ thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.