Đằng sau kế hoạch tái thống nhất bán đảo Triều Tiên

Dư luận cho rằng kế hoạch của Hàn Quốc nhằm hướng tới một mục tiêu khác.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm lần thứ 65 Ngày Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Nhật Bản diễn ra tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đề xuất kế hoạch tái thống nhất hai miền Triều Tiên gồm ba giai đoạn: trước hết, hai bên xây dựng “cộng đồng hòa bình” để bảo đảm an ninh hòa giải với điều kiện phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tiếp theo là thúc đẩy giao lưu và hợp tác toàn diện trên bán đảo Triều Tiên để thực hiện một “cộng đồng kinh tế” và cùng thịnh vượng. Cuối cùng, hai bên có thể dỡ bỏ bức tường ngăn cách hai chế độ khác biệt, thành lập “cộng đồng dân tộc”.

Ông Lee Myung-bak đưa ra thí dụ áp dụng “thuế thống nhất”, cho rằng “đây là một trong những biện pháp chuẩn bị cho gánh nặng tài chính khổng lồ trong trường hợp bán đảo Triều Tiên tái thống nhất”. Ông cũng nhấn mạnh, các cuộc trưng cầu ý dân gần đây cho thấy, hơn 60% người Hàn Quốc muốn tái hợp với Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngày 17-8, trong cuộc họp với các cố vấn, Tổng thống Lee Myung-bak cho biết, hiện chưa đến lúc thiết lập “thuế thống nhất” hai miền, rằng đề xuất lập thuế này “nhằm thức tỉnh ý thức thống nhất trong toàn dân và kêu gọi sẵn sàng chuẩn bị tâm lý về vấn đề này”. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Hee-jung cũng giải thích việc ông Lee Myung-bak đề cập vấn đề “thuế thống nhất” là nhằm lắng nghe ý kiến của người dân Hàn Quốc về việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Ngày 18-8, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) bác bỏ kế hoạch tái thống nhất bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc và rằng, phát biểu ý kiến của ông Lee Myung-bak tiếp tục thể hiện “chính sách đối đầu nhằm làm sụp đổ hệ thống chính trị của Triều Tiên”. CPRK nhấn mạnh, kế hoạch tái thống nhất bán đảo Triều Tiên kèm điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân “chỉ là một âm mưu để Triều Tiên tự giải giáp”.

CPRK nhất mạnh, Seoul đưa ra đề xuất ba bước trong khi tổ chức diễn tập quân sự gần như hằng ngày, cắt các cuộc trao đổi kinh tế, thương mại liên Triều và phủ nhận các tuyên bố chung đã ký giữa hai miền Triều Tiên, là “cố ý trốn tránh lời buộc tội làm đổ vỡ quan hệ liên Triều” và “đẩy tình hình đến mức cực đoan”.

Dư luận đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch tái thống nhất bán đảo Triều Tiên mà Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra và nguyên nhân Seoul lại công bố kế hoạch nói trên vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Báo Thái Dương của Hồng Công cho rằng, kế hoạch xây dựng “cộng đồng hòa bình” kèm điều kiện phi hạt nhân trong khi Hàn Quốc và Mỹ liên tiếp tập trận khiến Bình Nhưỡng khó yên tâm để xóa bỏ chương trình hạt nhân của mình. Như vậy, về cơ bản kế hoạch này ngay từ đầu đã không thể thực hiện được.

Lâu nay, ngoài khu công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương gần biên giới chung liên Triều, Bình Nhưỡng và Seoul chưa mở rộng được phạm vi hợp tác. Không chỉ vậy, tại hai khu vực này, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch cũng liên tục gặp trở ngại, bế tắc. Do đó, vào thời điểm hiện nay, tính khả thi trong việc xây dựng “cộng đồng kinh tế”, mở rộng toàn diện hợp tác giữa hai miền Triều Tiên là rất thấp. Bước một là “cộng đồng hòa bình” và bước hai là “cộng đồng kinh tế” đều thiếu tính khả thi thì khó thực hiện được bước ba “cộng đồng dân tộc”.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Lee Myung-bak đề xuất kế hoạch tái thống nhất bán đảo Triều Tiên vào thời điểm này là muốn tạo ra điều kiện thuận lợi khi tranh cử nhiệm kỳ hai, dự kiến vào năm 2012. Đây đơn giản là “cuộc thăm dò dư luận” do gần đây tỷ lệ ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với Chính quyền của ông Lee Myung-bak giảm mạnh so với hơn 70% khi ông mới nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.

Theo Minh Quang (NDĐT-THỜI NAY)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm