Đất hiếm và môi trường - Bài 2: Buôn lậu và khai thác trộm

Từ năm 2006, Trung Quốc đã tăng cường quản lý chặt lĩnh vực xuất khẩu đất hiếm, dẫn đến số lượng đất hiếm xuất khẩu giảm mạnh. Năm 2010, Bộ Thương mại khống chế số lượng xuất khẩu đất hiếm là 30.258 tấn, giảm 39,52% so với năm 2009. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới về đất hiếm ngày một tăng. Do đó ở Trung Quốc đã hình thành nhiều đường tắt xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài.

Đủ kiểu buôn lậu đất hiếm

Đất hiếm của Trung Quốc chiếm ba cái nhất trên thế giới: trữ lượng nhiều nhất, quy mô sản xuất lớn nhất và xuất khẩu nhiều nhất. Năm 2009, Trung Quốc xuất khẩu hơn 50.000 tấn đất hiếm nhưng lượng đất hiếm bị buôn lậu ra nước ngoài vượt quá 20.000 tấn, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu theo con đường chính quy. So với năm 2008, lượng đất hiếm bị buôn lậu đã tăng 10%.

Có nhiều cách buôn lậu đất hiếm, ví dụ như khai man đất hiếm dưới tên gạch lát sàn, đá cẩm thạch… Các sản phẩm này không bị hạn chế số lượng xuất khẩu, mức thuế thấp hoặc không phải nộp thuế, thậm chí còn được hoàn thuế xuất khẩu. Tuy vậy, cách buôn lậu được ưa chuộng nhất hiện nay là xuất khẩu đất hiếm dưới dạng hợp kim đất hiếm.

Đất hiếm và môi trường - Bài 2: Buôn lậu và khai thác trộm ảnh 1

Hồ chứa chất thải hóa học từ quá trình sản xuất đất hiếm ở TP Bao Đầu (Trung Quốc) nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Earth

Kỹ thuật luyện hợp kim đất hiếm không phức tạp, thường là luyện từ sắt với các nguyên tố kim loại có trong đất hiếm như hợp kim sắt dysprosium (Dy). Hợp kim đất hiếm-sắt không bị hạn chế xuất khẩu. Các hợp kim này sẽ được tách ra để thu lại nguyên tố đất hiếm tại các nước nhập khẩu.

Trung Quốc sở hữu chín nguyên tố đất hiếm nặng mà nhiều nước thèm muốn, gồm gadolinium (Gd), terbium (Tb), dysprosium (Dy), holmium (Ho), erbium (Er), thulium (Tm), ytterbium (Yb), lutecium (Lu) và yttrium (Y). Do đó dù chi phí để tách các nguyên tố đất hiếm từ hợp kim có cao thì vẫn không bằng nguồn lợi thu lại. Mục đích sử dụng sẽ quyết định hàm lượng nguyên tố đất hiếm trong hợp kim đất hiếm. Hơn nữa, các nhà nhập khẩu đều lựa chọn hợp kim đất hiếm có độ thuần chất cao.

Ví dụ như hợp kim sắt dysprosium (Dy), sắt gadolinium (Gd) đều là chất phụ gia trong chế tạo nam châm. Hàm lượng chất Dy chiếm tới 80% trong hợp kim sắt dysprosium. Do đó rất nhiều công ty nhập khẩu nam châm có chất lượng kém từ Trung Quốc, sau đó cho thêm hợp kim sắt dysprosium và xuất khẩu sang các nước khác để sản xuất các sản phẩm cao cấp.

Đất hiếm và môi trường - Bài 2: Buôn lậu và khai thác trộm ảnh 2

Môi trường bị tàn phá tại Bao Đầu. Ảnh: New York Times

Từ đâu có buôn lậu?

Mặc dù nạn buôn lậu đất hiếm ngày một tăng nhưng cơ chế giám sát hải quan của Trung Quốc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân vì hợp kim đất hiếm có nhiều loại, song hải quan không phân biệt rạch ròi giữa hợp kim sắt đất hiếm với các loại hợp kim sắt khác. Chẳng hạn tại TP Bao Đầu thuộc khu tự trị Nội Mông (khu vực chiếm 85% tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc), phần lớn các công ty xuất khẩu đất hiếm dùng tờ khai giả mạo tìm đường xuất khẩu tại các cơ quan hải quan ở địa phương khác.

Ngoài ra, các quy định liên quan như biểu thuế xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu đều không có quy định rõ ràng về hợp kim đất hiếm. Trung Quốc dựa vào ứng dụng để phân loại đất hiếm. Đất hiếm phải gia công mới sử dụng sẽ được xếp vào loại sản phẩm tài nguyên, ví dụ như oxide đất hiếm. Còn đất hiếm có thể sử dụng trực tiếp để sản xuất các linh kiện, phụ tùng được xếp vào loại sản phẩm nguyên liệu.

Sản phẩm tài nguyên bị hạn chế số lượng xuất khẩu còn sản phẩm nguyên liệu không bị hạn chế. Bởi vậy rất nhiều công ty đã lách luật để né tránh hải quan. Điều đáng nói là các hợp kim đất hiếm chưa được định nghĩa rõ ràng trong các quy định thì lại là hàng xuất khẩu chủ yếu và không bị hạn chế hạn ngạch xuất khẩu.

Hồi tháng 5, Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc ban hành thông báo quản lý chặt chẽ khai thác đất hiếm. Mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã 13 lần ra chỉ thị yêu cầu 15 thành phố thuộc năm tỉnh và khu tự trị ở miền Nam phối hợp giám sát, quản lý chặt chẽ đất hiếm. Tuy vậy, tình hình vẫn không khả quan hơn.

Nhìn tình trạng khai thác các nguyên tố đất hiếm vô tội vạ ở TP Cám Châu (tỉnh Giang Tây) mới thấy cơ chế kiểm soát của cơ quan chức năng ra sao. Nghịch lý ở chỗ dù TP Cám Châu là nơi cung cấp chủ yếu các nguyên tố đất hiếm nặng nhưng giá lại rẻ như rau.

Đất hiếm và môi trường - Bài 2: Buôn lậu và khai thác trộm ảnh 3

Mỏ Mountain Pass ở California (Mỹ) đang chờ được khai thác trở lại. Ảnh: technewsdaily.com

Bà Tào Hiểu Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế TP Cám Châu, cho biết: “Có ngày khách đến trả 10.000 nhân dân tệ (28,6 triệu đồng VN)/tấn. Các mỏ tranh nhau bán, thậm chí có nơi còn bán rẻ hơn giá người mua trả”. Hệ quả nảy sinh cái ung là giao dịch tiền-quyền. Nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ không có chỉ tiêu thụ đất hiếm nhưng đã hối lộ cán bộ địa phương để được phép tiêu thụ.

Đất hiếm rồi sẽ cạn kiệt

Từ năm 2007, Trung Quốc đã ngưng cấp phép khai thác đất hiếm. Năm 2010, Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đưa ra chỉ tiêu khống chế tổng sản lượng khai thác đất hiếm là 89.200 tấn/năm. Trong khi đó, năng lực luyện kim và phân tách hợp kim của Trung Quốc có thể đạt hơn 200.000 tấn/năm.

Chẳng hạn, tổng sản lượng ngành luyện kim, phân tách hợp kim của TP Cám Châu hiện nay đạt 40.000 tấn trong khi chỉ tiêu khai thác đất hiếm được chính phủ giao chỉ có 8.500 tấn. Vậy các doanh nghiệp ngành luyện kim tại Cám Châu nhập từ đâu hơn 30.000 tấn đất hiếm còn lại để sản xuất? Cung không đủ cầu, tất nhiên nạn khai thác trộm đất hiếm tái diễn.

Chỉ từ tháng 5 đến nay, các tỉnh miền Nam của Trung Quốc đóng cửa gần 100 điểm khai thác trái phép. Ngoài ra rất nhiều doanh nghiệp còn khai thác vượt định mức. Tổng sản lượng thực tế thường vượt xa mức chỉ tiêu của chính phủ. Năm 2009, chỉ tiêu khống chế tổng sản lượng khai thác đất hiếm của Trung Quốc là 82.320 tấn nhưng trên thực tế sản lượng khai thác đạt gần 130.000 tấn đất hiếm.

Theo Viện Nghiên cứu đất hiếm ở TP Bao Đầu, các mỏ đất hiếm sẽ gần như cạn kiệt trong vòng 15 năm. Nhiều công ty nước ngoài đang hy vọng mở rộng khai thác đất hiếm ra khỏi phạm vi Trung Quốc. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã bắt đầu quan tâm tới tình hình phụ thuộc vào đất hiếm và đang xem xét liệu có thể có giải pháp nào thay thế nguyên liệu đất hiếm hoặc giảm bớt lượng đất hiếm trong sản phẩm.

Nhu cầu toàn cầu dự kiến đạt mức 140.000 tấn đất hiếm vào năm tới. Do đó, các nhà đầu tư và phát triển đã lên kế hoạch mở lại mỏ cũ và tìm kiếm mỏ mới ở nhiều nước có trữ lượng đất hiếm nhưng chưa khai thác hết, trong đó có Canada, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, Việt Nam và Úc.

Tổng Công ty Khoáng sản Molycorp ở Mỹ dự định sẽ khai thác lại mỏ Mountain Pass ở bang California vào cuối năm 2011. Nhà sản xuất xe chạy bằng pin lớn nhất thế giới Toyota Motor cho biết sẽ thành lập một liên doanh để mở một nhà máy sản xuất đất hiếm tại Việt Nam vào tháng 5-2011. Công ty Sumitomo của Nhật cũng có kế hoạch sẽ tìm kiếm nhà cung cấp ở Kazakhstan.

CHAN TING FONG - KHÁNH UYÊN - HOÀNG HẠNH
(Theo Sunday Times, New York Times, BBC, Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm