Đổi USD lấy hòa bình!

Xì-căng-đan hối lộ phiến quân Taliban để được yên thân bùng nổ vào ngày 15-10-2009. Kẻ khởi xướng là The Times, một tờ nhật báo Anh có tiếng là nghiêm túc.

Nhắc lại sự kiện 10 lính Pháp bị phiến quân Taliban mai phục giết chết ngày 18-8-2008 trong vùng Sarobi, phía Đông thủ đô Kabul, phóng viên Tom Coghlan của tờ báo này tiết lộ nguyên nhân gây ra thảm kịch này là một chuyện khó tin nhưng có thật.

Tình báo Mỹ kinh ngạc

Tờ báo cho biết trước khi quân đội Pháp được Bộ Chỉ huy NATO phái đến khu vực Sarobi thuộc phía Đông thủ đô Kabul thay thế quân đội Ý làm nhiệm vụ “bình định nông thôn” vào giữa tháng 7-2008, tình báo Ý đã hối lộ hàng chục ngàn USD cho các thủ lĩnh Taliban và lãnh chúa ở địa phương để đổi lấy sự yên bình. Nhưng trước khi rút đi, người Ý lại quên thông báo chuyện bí mật này cho đồng minh người Pháp.

Nhật báo Pháp Le Figaro cho biết thêm Bộ Chỉ huy quân sự Pháp – do không biết đồng minh Ý “đổi USD lấy hòa bình” - đánh giá rằng khu vực núi non Sarobi không quá nguy hiểm. Bằng chứng là suốt năm 2008, quân Ý chỉ tổn thất có một người.

Do đó, ngày 18-8-2008, họ đã phái hai trung đội trinh sát trang bị vũ khí nhẹ, mang theo một ít đạn (mỗi người chỉ được cấp 100 viên đạn) và không được máy bay hay pháo binh yểm trợ, đi tuần tra vùng thung lũng Uzbeen, cách thị trấn Sarobi 16 km.
Khoảng 170 quân Taliban trang bị vũ khí hạng nặng mai phục sẵn đánh úp quân Pháp. Một sĩ quan cao cấp Pháp sau này thú nhận họ hoàn toàn bị bất ngờ. Kết quả 10 lính Pháp tử trận, 21 người bị thương. Một số xác chết bị lột hết quần áo. Đây là tổn thất nặng nề nhất của Pháp trong 25 năm qua trên mọi chiến trường.

The Times còn khẳng định “các quan chức tình báo Mỹ hết sức kinh ngạc khi họ phát hiện, thông qua những cuộc nghe lén điện đàm, người Ý cũng đã bỏ tiền ra mua các quan chức Taliban ở tỉnh Herat. Tháng 6-2008, đại sứ Mỹ ở Rome đã gửi công hàm cho Chính phủ Ý chính thức than phiền về chuyện hối lộ Taliban”.

Phủ nhận

The Times phát hành được vài giờ thì Chính phủ Ý và Pháp lập tức phủ nhận nguồn tin của tờ báo Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ignazio La Russa phân trần với báo chí: “Tôi có thể khẳng định rằng không chỉ có chúng tôi mà không có bất cứ cơ quan chính phủ nào làm theo cách mà tờ Times miêu tả.
Tờ báo này không ngừng tuyên truyền chống Ý, sử dụng mọi nguồn tin rác rưởi không cần kiểm chứng”. Sau cùng, ông đe dọa Chính phủ Ý sẽ khởi kiện The Times.

Tại Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin tuyên bố: “Chính quyền Ý đã trả lời rồi. Vậy là đủ. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được một thông tin tương tự liên quan đến người Ý”. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Pháp không hài lòng. Nghị sĩ Jean-Marc Ayrault, lãnh tụ nhóm nghị sĩ đối lập thuộc Đảng Xã hội, yêu cầu ông Morin tường trình sự việc trước Ủy ban Quốc phòng Hạ viện chứ không thể lên tiếng phủ nhận rồi thôi.

Đổi USD lấy hòa bình! ảnh 1
Quân phục và súng của lính Pháp chết bị Taliban chiếm đoạt.
Trong ảnh: Một phiến quân Taliban khoe chiến lợi phẩm là sắc phục và súng của lính Pháp. Ảnh: THE TIMES


Trong khi đó, thân nhân những người tử trận yêu cầu mở cuộc điều tra vụ việc. Ông Jean-Francois Buil có con trai Damien, 31 tuổi, chết trong trận đó, bức xúc: “Từ trước tới nay, chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng quân đội không bao giờ nói hết sự thật về những gì xảy ra”.

Lời đe dọa kiện cáo của bộ trưởng quốc phòng Ý không làm cho The Times run tay. Ngày 16-10, tờ báo này tiếp tục khẳng định sự việc. Trích dẫn lời Mohammed Ishmayel, một tư lệnh cấp trung của Taliban, phóng viên Coghlan cho biết lực lượng của Ishmayel nhận được lệnh cấp trên không được tấn công lực lượng NATO ở Sarobi.

Nhưng sau khi quân đội Ý rút đi, lực lượng NATO (Pháp) bắt đầu tăng cường các hoạt động gây hấn. Ishmayel nói: “Lúc đầu chúng tôi không biết đó là quân Pháp, cứ tưởng quân Ý lật kèo. Sau này chúng tôi mới biết họ là người Pháp. Thế là chúng tôi bắt đầu tấn công họ”.


Một thông lệ của NATO


Một quan chức cao cấp của Chính phủ Afghanistan (yêu cầu không nêu tên) cũng cho phóng viên Coghlan biết biệt kích Mỹ đã giết được Ghulam Yahya Akhbari, một thủ lĩnh Taliban ở tỉnh Herat, miềnTây Afghanistan. Thủ lĩnh này là một trong những người trực tiếp nhận tiền của “Chính phủ Ý”.


Quan chức nói trên cho biết thêm ngoài tiền bạc “y còn được người Ý chữa bệnh. Chính phủ Ý thường xuyên liên lạc với y thông qua nhân viên tình báo Ý”. Lorenzo Delesgues, Giám đốc IWA, một tổ chức phi chính phủ, xác nhận “những báo cáo đó hoàn toàn đáng tin.

Người Ý không phải là người đầu tiên”. Delesgues khẳng định: “Tất cả các nước trong khối NATO đều trả tiền cho Taliban. Họ chung tiền để được bình yên”.


Ngày 17-10, The Times tiếp tục khẳng định: “Hai ngày sau khi The Times đưa tin chính quyền Ý hối lộ Taliban, một viên chức cao cấp Mỹ đã xác nhận rằng vấn đề (hối lộ) đã được phía Mỹ đặt ra với người Ý”. Tuy nhiên, viên chức này không xác nhận cũng không phủ nhận hình thức đặt vấn đề với chính phủ ông Berlusconi là một cuộc vận động hay một công hàm phản đối.


The Times cũng dẫn lời ông Bruce Riedel, từng phụ trách bộ phận xét duyệt chính sách về Afghanistan của Tổng thống Barack Obama, cho biết ông từng nghe chuyện Chính phủ Ý hối lộ Taliban trong một chuyến thăm Paris vào tuần lễ cuối tháng 9 vừa qua. Một doanh nhân có quan hệ mật thiết với Chính phủ Pháp nói với ông rằng người Ý hối lộ Taliban nhưng “quên báo cho chúng tôi (người Pháp) biết”.

--------------------------------------------------------

Kỳ tới: Nhiệm vụ bất khả thi của NATO

Theo VĂN ANH (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm