Điều gì xảy ra khi Philippines ngả về Trung Quốc - phần 1

Hai đánh đổi để thành 'anh em' với Trung Quốc

Trong chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc (TQ), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ví von quan hệ Trung-Phi đang bước vào giai đoạn “mùa xuân”. “Mặc dù thời điểm chúng tôi đến Bắc Kinh đã sắp vào mùa đông nhưng thực tế đây là “mùa xuân” trong quan hệ hai nước chúng ta” - ông Duterte khẳng định.

Trong khi đó, để khẳng định lại lời kêu gọi hồi tháng 8 vừa qua cũng như những động thái đầy thiện chí của Manila, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói rằng TQ và Philippines là “anh em”.

Trái lại, ngoại giao Manila với Washington ngày càng trở nên khó khăn hơn khi ông Duterte tuyên bố “chia tay với Mỹ”.

Lý giải phong cách Tổng thống Duterte

Đối với nhiều người thì các động thái của ông Duterte trong điều chỉnh quan hệ với TQ và Mỹ là rất khó lý giải. Tuy nhiên, phân tích kỹ về cá nhân tổng thống của ông Duterte sẽ phần nào làm sáng tỏ sự chuyển biến mạnh trong chính sách đối ngoại của Philippines thời gian gần đây.

Hai chuyên gia Julio C. Teehankee (ĐH De La Salle)và Mark R. Thompson (ĐH Thành thị Hong Kong) bình luận trên East Asia Forum rằng phong cách khoa trương, lời lẽ cứng rắn của ông Duterte vốn điển hình của các “chính trị gia địa phương” nhưng có vẻ khá bất thường đối với các chính trị gia ở cấp độ quốc gia.

Người biểu tình xô xát với cảnh sát trước Đại sứ quán Mỹ tại Manila.

Trước tiên, ông Duterte là ngôi sao sáng của người dân Philippines nhờ vào chính sách dân túy - một điển hình của bầu cử Philippines. Thế mạnh của “dân túy” là để những người yếu thế, tức giận lên tiếng và đề xuất chính sách làm thỏa mãn nguyện vọng của họ bất kể tính phù hợp với quy luật thị trường, thượng tôn pháp luật hay tính nhân văn.

Chiến dịch tranh cử của ông Duterteđã đánh trúng vào “sự giận dữ” của người Philippines về tình trạng suy thoái an ninh trật tự công cộng và sự hoành hành của tệ nạn ma túy. Ông Duterte hứa với cử tri rằng ông sẽ “dọn dẹp sạch sẽ đất nước” trong vòng sáu tháng. Và ông đang làm điều đó bất chấp tranh cãi và phản đối từ phương Tây hay Liên Hiệp Quốc về quyền con người.

Lời nói mạnh mẽ và hình ảnh cứng rắn đã đưa Duterte trở thành tổng thống với số phiếu áp đảo 39,1% và tỉ lệ tín nhiệm liên tục tăng trong thời gian qua. Đây là động lực lớn để ông Duterte tiếp tục quyết đoán, thậm chí là loại bỏ Quốc hội hoặc “dạy dỗ” tòa án nếu cản trở chính sách (như ông đã tuyên bố khi tranh cử).

Thứ hai, ông Duterte là người đầu tiên của Philippines đắc cử tổng thống khi đang làm thị trưởng địa phương (mà không phải là một nhà ngoại giao hay có kinh nghiệm về ngoại giao). Ấn tượng lớn nhất về vị tổng thống 71 tuổi này (cũng là tổng thống lớn tuổi nhất) chính là việc “dọn dẹp” các tệ nạn về cưỡng hiếp và giết người ở Davao trong suốt gần ba thập kỷ ông làm thị trưởng.

Hai đánh đổi để thành "anh em"

Kinh nghiệm ngoại giao của ông Duterte dường như là số 0, nên các di sản ngoại giao của người tiền nhiệm hay các đánh giá mang tính chiến lược dài hạn trong quan hệ với các nước đối với ông Duterte không có nhiều ý nghĩa.

“Kim chỉ nam”quan trọng nhất của ông Duterte trong chính sách đối ngoại đến lúc này có thể cũng ảnh hưởng nhiều bởi chính sách dân túy trong nước: ưu tiên về kinh tế và thương mại nhằm mục tiêu đảm bảo tăng trưởng. Chiến thắng trước TQ tại Tòa Trọng tài đưa vị thế đàm phán của Philippines lên tầm cao hơn trước TQ nhưng đẩy ông Duterte đứng trước một cuộc chiến khác: cuộc chiến kinh tế với cường quốc kinh tế thứ hai thế giới nhưng đứng nhất khu vực.

Năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước đạt mức 17,646 tỉ USD chiếm 13,6% tổng kim ngạch thương mại của Philippines. Lời kêu gọi tẩy chay nhập khẩu xoài Philippines vào TQ là lời nhắc nhở với chính quyền ông Duterte nhớ tới “chiến tranh chuối” trước đó.

Chính ông khẳng định “phát triển kinh tế Philippines quan trọng hơn là việc gia tăng căng thẳng với TQ”.

Ông Duterte chọn cách “phá băng” quan hệ với TQ bằng cách đánh đổi hai tài sản quan trọng của Philippines.

Ông Duterte chọn cách “phá băng” quan hệ với TQ bằng cách đánh đổi hai tài sản quan trọng. Một là quan hệ đồng minh với Mỹ có nguy cơ tan vỡ trước những tuyên bố ngoại giao quá trớn và vô tiền khoáng hậu.

Thứ hai là phán quyết Tòa Trọng tài vốn có tầm quan trọng lịch sử trên mặt trận pháp lý trong tranh chấp biển với TQ. Trước cuộc gặp với người đồng cấp TQ, ông Duterte nói rằng ông sẵn sàng bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài -một thắng lợi ngoại giao to lớn đối với Bắc Kinh.

Nói với báo chí TQ, người đứng đầu Manila ví von phán quyết của tòa cũng “chỉ là một mảnh giấy”. Vị này còn khẳng định “biển cả không thể nuôi sống tất cả chúng ta, cá của anh hay của tôi cũng vậy”, hàm ý sẵn sàng bắt tay với Bắc Kinh để khai thác nguồn lợi tại các vùng tranh chấp.

(Còn nữa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm