Hàn Quốc phản ứng thế nào trong tranh chấp biển Đông?

Tác giả phân tích tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu (hơn 50% GDP). Trong năm 2013, TQ đã nhập khẩu hàng hóa chiếm hơn 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Tình hình phụ thuộc vào TQ đã tác động đến quan hệ Trung-Hàn. Hơn thế nữa, Hàn Quốc còn tìm kiếm quan hệ mạnh hơn với TQ để kiềm chế quan ngại từ CHDCND Triều Tiên.

Tác giả nhận định một đất nước TQ không được kiểm soát sẽ dễ dàng áp đảo các nước láng giềng vốn yếu thế hơn về quốc phòng. Tàu Việt Nam bị tàu TQ tấn công gần đây là một minh chứng. Sự cố bạo lực như thế có thể dẫn đến xung đột vũ trang và nhiều khả năng sẽ lôi kéo nhiều nước không liên quan trực tiếp can dự vào. Trong trường hợp này, Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế khó xử.

Nếu Hàn Quốc công khai hỗ trợ TQ, quan hệ Mỹ-Hàn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và viễn cảnh tệ nhất là Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng không thể đứng hẳn về phía Mỹ vì như vậy quan hệ Hàn-Trung có nguy cơ phá sản.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố ủng hộ Nhật giữ vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Liên minh Mỹ - Nhật sẽ tác động đáng kể đến cách Hàn Quốc cư xử với vấn đề biển Đông. Theo tác giả Ann Song, dù không ủng hộ hành động của TQ thì Hàn Quốc sẽ tránh đề cập trực tiếp đến vấn đề tranh chấp để tránh hậu quả bất lợi trong quan hệ với TQ. Thay vào đó, Hàn Quốc đã có một số động thái gián tiếp.

Tháng 10-2013, Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ với Philippines về mở rộng hợp tác quốc phòng song phương. Tháng 3 vừa rồi, Hàn Quốc ký hợp đồng cung cấp 12 máy bay FA-50 cho Philippines. Cuối năm nay Hàn Quốc cũng sẽ chuyển giao cho Philippines một tàu hộ tống. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang ngấm ngầm ủng hộ Philippines.

Với cam kết quân sự với Philippines và phụ thuộc quốc phòng vào Mỹ, Hàn Quốc đã chứng tỏ có góp phần chỉ trích TQ cho dù đóng góp này còn ít ỏi. Bên cạnh đó, nỗ lực gia tăng ảnh hưởng địa-chính trị của TQ cũng phải khiến Hàn Quốc phải thận trọng suy xét TQ có thực sự hợp tác chân thành với các nước láng giềng hay không. Phản ứng rõ nhất là Hàn Quốc đã thông báo mở rộng vùng nhận dạng phòng không hồi tháng 12-2013 nhằm đáp lại tuyên bố của TQ về thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Dù vậy, trong tương lai gần, Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì cân bằng quyền lợi của Hàn Quốc trong khu vực bằng cách giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp biển Đông, ít nhất cho đến khi xung đột bùng nổ.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm