Hồi ức 4 ngày trong vòng vây cá mập của cựu binh Mỹ

Hồi ức 4 ngày trong vòng vây cá mập của cựu binh Mỹ ảnh 1

Tuần dương hạm USS Indianapolis. Ảnh: BBC

Cuối tháng 7/1945, tàu USS Indianapolis phải thực hiện một nhiệm vụ tối mật, đó là chở các bộ phận của quả bom nguyên tử đầu tiên đến đảo Tinian trên biển Thái Bình Dương. Đây chính là nơi máy bay ném bom B-29 của Mỹ được bố trí. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tuần dương hạm này tiến thẳng đến vịnh Leyte, Philippines, nhưng con tàu và 1.197 thủy thủ đã bị ngư lôi của Nhật Bản tấn công trên đường đi.

Theo lời kể của thủy thủ Loel Dean Cox, năm nay đã 87 tuổi, nửa đêm ngày 30/7/1945, khi chiếc ngư lôi đầu tiên tấn công, không ai nhận được tín hiệu cảnh báo nào. "Bùm. Tôi bị hất tung lên không trung. Nước, các mảnh vỡ, lửa, tất cả mọi thứ bị hất lên độ cao 25m so với mặt biển. Đó là một vụ nổ rất lớn. Một vụ nổ khác diễn ra ngay sau đó. Bùm", Cox nhớ lại.

Ngư lôi thứ hai được bắn ra từ tàu ngầm của Nhật gần như đã xé đôi USS Indianapolis. Khi lửa bốc lên ở phía dưới, con tàu khổng lồ bắt đầu nghiêng. Lệnh bỏ tàu được đưa ra. Cox trèo lên phía đầu tàu và cố gắng nhảy xuống biển. Ông bị va vào vỏ tàu và rơi xuống nước.

"Tôi quay lưng nhìn lại. Con tàu đang chìm và nhiều người vẫn cố nhảy xuống biển từ phía đuôi tàu. 4 chân vịt thậm chí vẫn quay", Cox kể. "12 phút. Bạn có thể tưởng tượng được một chiếc tàu dài gần 200m, bằng chiều dài của hai sân bóng, chìm nghỉm trong 12 phút không? Nó chỉ đơn giản là bị lật rồi chìm xuống"

USS Indianapolis không có hệ thống định vị phát hiện tàu ngầm. Thuyền trưởng Charles McVay cũng đã yêu cầu một đội hộ tống nhưng không được chấp nhận. Hải quân Mỹ cũng không hề nhận được thông tin về việc tàu ngầm Nhật vẫn hoạt động trong khu vực đó. USS Indianapolis hoàn toàn cô độc trên Thái Bình Dương.

Hàng trăm người đã nhảy xuống nước để thoát khỏi con tàu đang bốc cháy, nhưng họ lại rơi vào vòng vây của cá mập. Cox nói: "Tôi không thấy thuyền cứu hộ. Sau đó, tôi  nghe thấy một số tiếng rên rỉ và la hét, tôi bơi qua đó và thấy khoảng 30 người và tôi đã ở chung với họ. Chúng tôi không biết liệu mình còn có thể bám trụ thêm vài ngày để đợi đội cứu hộ hay không".

Mặc dù Indianapolis đã kịp gửi đi một vài tín hiệu cấp cứu trước khi bị chìm, nhưng không ai đến giải cứu. Vì một lẽ gì đó, hải quân Mỹ đã không để tâm đến những tín hiệu SOS và họ cũng không hề bận tâm khi chiếc tàu không đến đúng giờ.

Trong vòng vây của cá mập

Khoảng 900 người còn sống sót sau vụ tấn công ngư lôi đầu tiên. Họ bị trôi dạt theo sóng biển Thái Bình Dương. Bên dưới những con sóng, nguy hiểm rình rập khi những con cá mập bị thu hút bởi các mảnh vỡ của chiếc tàu đã đổ về phía họ.

Hồi ức 4 ngày trong vòng vây cá mập của cựu binh Mỹ ảnh 2

Cựu binh Cox. Ảnh: BBC

"Tàu của chúng tôi bị chìm lúc nửa đêm. Tôi nhìn thấy một con cá mập ngay trong buổi sáng đầu tiên khi mặt trời lên. Chúng rất to. Tôi thề là vài con trong số chúng dài tới gần 5 m", Cox nói. "Chúng cứ quanh quẩn ở đó, hầu như chỉ ăn những xác chết. Ơn Chúa vì có nhiều thi thể nổi khắp khu vực".

Nhưng rồi lũ cá mập cũng quay sang những người còn sống. "Chúng tôi mất ba hay bốn người mỗi ngày đêm", Cox kể. "Bạn sẽ luôn sống trong sợ hãi vì bạn nhìn thấy chúng mọi lúc. Cứ vài phút, bạn lại thấy những cái vây của chúng, có cả tá những cái vây nhô lên mặt biển".

Vài người tìm cách đập vào mặt nước, đá và la hét khi những con cá mập tấn công. Hầu hết những người gặp nạn quyết định tụ thành một nhóm, bởi đó là cách tốt nhất để đối phó. Nhưng, cứ sau mỗi lần tấn công của cá mập, máu lại loang ra mặt biển. Tiếng la hét và tiếng đập nước càng nhiều thì cá mập lại càng kéo tới đông hơn.

"Trong nước biển trong, bạn có thể nhìn thấy những con cá mập bơi vòng quanh. Thế rồi, nhanh như chớp, một con sẽ lao thẳng lên rồi kéo một thủy thủ xuống. Một thủy thủ ngay cạnh tôi đã bị kéo đi như thế. Tất cả chỉ là việc một người có thể la hét, gào thét hay bị cắn mà thôi", cựu binh Cox hồi tưởng.

Tuy nhiên, bầy cá mập không phải kẻ giết người duy nhất. Dưới ánh mặt trời thiêu đốt, ngày qua ngày, không thức ăn, không nước uống, những người gặp nạn chết dần vì kiệt sức hoặc mất nước. Những chiếc áo phao của họ dần trở nên sũng nước, khiến nhiều người kiệt sức và chết đuối.

"Bạn chỉ có thể giữ mặt không bị dính nước. Cái áo phao đã làm phồng rộp hết vai tôi. Trời quá nóng nên chúng tôi cứ cầu nguyện đêm xuống, nhưng khi trời tối thì chúng tôi lại mong mau tới bình minh, vì khi trời lạnh, răng của chúng tôi va vào nhau lập cập", Cox, người may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác, nói.

Đấu tranh để tồn tại, thèm khát nước ngọt và bị khủng bố bởi những con cá mập, một vài người sống sót bắt đầu bị mê sảng. Nhiều người đã bị ảo giác, họ tưởng tượng ra những hòn đảo bí mật ở đường chân trời, hoặc họ đã liên lạc được với những tàu ngầm cứu hộ. Một thủy thủ còn tin rằng tàu USS Indianapolis không bị chìm mà vẫn nổi ở đâu đó.

"Nước uống được giữ ở tầng thứ hai trên con tàu của chúng tôi", Cox giải thích. "Một người bạn của tôi đã bị ảo giác và anh ta quyết định đi xuống tầng thứ hai để uống nước. Chiếc áo phao của anh ta vẫn nổi trên mặt nước, nhưng không thấy anh ta đâu nữa. Thế rồi, anh ta bất ngờ nhô lên và nói nước ngọt sạch và ngon thế nào, lại còn khuyên chúng tôi nên uống thử".

Tất nhiên, người này thực ra đã uống nước biển. Anh ta qua đời không lâu sau đó. Cứ mỗi ngày đêm qua đi, lại có thêm những người thiệt mạng. Thế rồi, một cách tình cờ, vào ngày thứ tư sau khi tàu chìm, một máy bay hải quân đang bay phía trên đã phát hiện ra vài người ở dưới nước. Chỉ còn không đến 10 người trong nhóm của Cox còn sống.

Ban đầu, họ tưởng rằng đã không được chiếc máy bay phát hiện. Sau đó, ngay trước hoàng hôn, chiếc thủy phi cơ lớn xuất hiện, đổi hướng và bay ngay phía trên cả nhóm.

"Người ngồi trên máy bay đã đứng dậy và vẫy tay với chúng tôi. Đó chính là lúc nước mắt rơi, tóc tai dựng đứng, và bạn biết rằng mình đã được cứu, ít nhất là bạn đã được tìm thấy. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi", Cox kể.

Các tàu hải quân đã tới khu vực này và bắt đầu tìm kiếm những nhóm người sống sót. Suốt thời gian đó, Cox chỉ đơn giản là chờ đợi, lo sợ, bị sốc, hết mê lại tỉnh.

"Trời tối tăm và rồi một ánh chớp chói lòa đến từ thiên đường, rẽ đám mây, đi xuống và tôi đã nghĩ rằng đó là lúc những thiên thần xuất hiện. Nhưng thực ra đó là chiếc tàu cứu hộ đang quét đèn pha lên bầu trời để mang lại hy vọng cho các thủy thủy, để họ biết rằng ai đó vẫn đang tìm kiếm họ. Đôi lúc vào ban đêm, tôi lại nhớ những cánh tay rắn chắc kéo tôi lên một cái thuyền nhỏ. Chỉ cần biết rằng mình được cứu thì đó đã là cảm xúc tuyệt vời nhất mà bạn có thể trải nghiệm", Cox chia sẻ.

Trong số gần 1.200 thủy thủ, chỉ có 317 người sống sót sau thảm họa.

Tìm kiếm một người để đổ trách nhiệm, hải quân Mỹ đã trút tội lỗi trong thảm họa này lên thuyền trưởng McVay, người nằm trong số còn sống. Trong nhiều năm trời, ông đã nhận được những bức thư chỉ trích, để rồi cuối cùng tự vẫn vào năm 1968. Những thủy thủ còn sống khác, trong đó có Cox, đã vận động trong suốt nhiều thập kỷ để thuyền trưởng của họ được xá tội

Cox phải nằm viện nhiều tuần sau khi được giải cứu. Tóc, móng tay và móng chân của ông đều rụng hết. Ông nói rằng mình đã bị say nắng và cả nước biển. Người cựu binh còn phải chịu cả những vết sẹo tinh thần.

"Tôi gặp ác mộng mỗi đêm. Có thể là không ở dưới nước, nhưng ... tôi cố gắng điên cuồng để tìm các đồng đội. Đó là một phần của câu chuyện. Tôi lo âu mỗi ngày, đặc biệt là khi đêm về, nhưng tôi phải sống với nó, phải ngủ với nó và đang dần chấp nhận", Cox tâm sự.

Theo Thúy Quỳnh (VNE / BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm