Khai thác dầu khí tại Bắc Cực: Mạo hiểm!

Các mỏ dầu và khí đốt tại Bắc Cực thường nằm sâu dưới lòng biển, cách xa các cơ sở hạ tầng trên đất liền. Nơi đây, thời tiết khắc nghiệt nhất hành tinh, bão tố và các khối băng khổng lồ trôi dạt - mùa đông lẫn mùa hè - luôn chực chờ làm gián đoạn bất cứ một công trình thăm dò hay khai thác dầu khí nào.

Hàng loạt dự án đã được triển khai, đi kèm với nó là… tương lai vô định.

Kulluk, cú thất bại tồi tệ của Shell

Vào năm 2010, hậu quả từ tai nạn tràn dầu của BP trong vịnh Mexico đã khiến cho Tập đoàn Dầu khí Shell bị vạ lây. Nhà Trắng ra lệnh Shell cũng phải tạm ngừng công việc thăm dò. Một năm sau, Shell được yêu cầu phải rà soát lại các dàn khoan sau khi cơ quan bảo vệ môi trường đưa ra đánh giá mức độ gây ô nhiễm vượt quá mức cho phép.

“Họa vô đơn chí”, vào cuối tháng 12-2012, dàn khoan nổi Kulluk của Shell bị bão làm đứt dây kéo và dạt vào một hòn đảo. Dàn khoan bị hư hỏng nặng, được kéo về Seattle. Rất may là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra: 18 người trên tàu được cứu sống, bồn nhiên liệu chứa đến 530.000 lít dầu diesel không bị bể nhưng phần mạn tàu và hệ thống cung cấp điện bị hư hỏng. Trong khi đó, một dàn khoan khác là Noble Discoverer cũng bị sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật dẫn đến cháy nổ, lực lượng tuần duyên sau đó đã phát hiện ra hệ thống kiểm soát ô nhiễm trên công trình này bị hỏng.

Chính quyền Obama đã cho tiến hành hai cuộc điều tra về tai nạn dàn khoan Kulluk và các phương pháp an toàn. Nhiều nghị sĩ khuyến cáo nên gia hạn lệnh cấm khiến cho các dự án của Shell khó tránh khỏi bị chậm trễ so với dự định.

Hãng Shell đã chuẩn bị cho việc khoan thăm dò tại vùng biển Bắc Cực từ bảy năm nay với tổng dự toán khoảng 5 tỉ USD nhưng nay phải hoãn lại. Shell phải lai dắt hai dàn khoan của mình sang châu Á để sửa chữa, điều đó có nghĩa là hoạt động thăm dò của họ vốn được được dự tính sẽ khởi động vào mùa hè năm 2013 tại khu vực phía bắc bang Alaska bị dời lại.

Khai thác dầu khí tại Bắc Cực: Mạo hiểm! ảnh 1

Khai thác dầu khí tại Bắc Cực: Mạo hiểm! ảnh 2

Những dòng chữ “Bảo vệ Bắc Cực”, chống lại sự khai thác của hãng Shell do tổ chức Hòa bình xanh phát động.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu như Kulluk bị đứt dây ở ngoài khơi xa xôi mịt mù? Tổn thất lẽ ra được giảm thiểu nếu sử dụng một chiếc tàu khoan tự hành, thay vì một dàn khoan di động phụ thuộc vào tàu kéo như hiện hành? Liệu Shell đã thật sự dự trù đầy đủ những điều kiện khó khăn khi thăm dò, khai thác dầu khí nơi Bắc Cực? Hay… phải chăng việc khai thác dầu khí tại Bắc Cực là chuyện bất khả, đâm đầu vào đá?

Mạo hiểm và nguy hiểm

Sự hoài nghi không chỉ bắt nguồn từ một trường hợp đơn lẻ của Shell. Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga) cùng các đối tác Total (Pháp) và Statoil (Na Uy) đã không tìm ra được phương pháp chung trong khai thác sau 25 năm phát hiện ra khu mỏ khí đốt khổng lồ Shtokman trên vùng biển Barents - theo ước tính có thể chứa đến 3.900 tỉ m3 khí, tương đương với nhu cầu tiêu thụ trong một năm của thế giới.

Ngay cả những công ty dù đã tìm được các khu mỏ có trữ lượng lớn, trong lúc này cũng tạm ngưng dự án. Dự án khai thác dầu khí đầu tiên của nước Nga tại Bắc Cực, do Tập đoàn Gazprom thực hiện tại khu mỏ Prirazlomnoye, bị đình lại do gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và do kinh phí phát sinh quá cao.

Hãng Exxon Mobil (Mỹ) và Rosneft (Nga), với dự án khai thác trên biển Kara miền Bắc nước Nga, cũng đang đặt lại vấn đề về kinh phí do bị đội lên quá nhiều trong khi khu vực này chỉ có thể đi lại được trong một khoảng thời gian rất ngắn trong năm, từ tháng 7 đến tháng 10.

Tập đoàn Dầu khí Statoil (Na Uy) dự định bắt đầu khoan vào năm 2014, mới đây đưa ra thông báo cho biết họ sẽ hoãn lại kế hoạch vô thời hạn. Royal Dutch Shell vẫn chưa quyết định là họ sẽ khởi động lại dự án khoan thăm dò vào mùa hè năm 2013 hay không.

Tổng giám đốc hãng Total tuyên bố vào tháng 9-2012: Việc khoan dầu trên vùng biển Bắc Cực không hứa hẹn thuận lợi, thậm chí là quá mạo hiểm.

Lời kêu cứu môi trường xanh

Tập đoàn Shell đã phải đối mặt với những phản đối mạnh mẽ từ các nhà sinh thái học với lý do Bắc Cực là nơi có hệ sinh thái rất mỏng manh và trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu, công tác cứu hộ sẽ không thể thực hiện được.

Hàng loạt các dự án khoan thăm dò bị chậm trễ do gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ cư dân địa phương, từ một số tổ chức phi chính phủ và giới khoa học. Họ cho rằng việc chinh phục Bắc Cực vì mục đích thương mại sẽ phá hoại môi trường sống vẫn còn nguyên sơ của hành tinh, cộng với những rủi ro về an toàn và khó khăn cứu hộ trong thời tiết khắc nghiệt.

Vào cuối tháng 8-2012, một thành viên của tổ chức Hòa bình xanh đã phát biểu khi tìm cách ngăn chặn dàn khoan của Gazprom trên vùng biển Bắc Cực: “Cách duy nhất để tránh một thảm họa tràn dầu nơi đây là cấm vĩnh viễn mọi hoạt động khoan dầu, ngay từ bây giờ!”.

Tai nạn chìm tàu Exxon Valdez vào năm 1989 tại khu vực phía Nam Alaska vẫn luôn ám ảnh mọi người. Ngoài ra, việc khai thác dầu ở Bắc Cực sẽ làm đảo lộn đời sống hoang dã của hải cẩu và tập tính di cư của cá voi. Lý do bảo tồn hệ sinh thái động vật thường được viện dẫn để chặn ngay ngưỡng cửa vào Bắc Cực đối với các công ty khai thác dầu khí.

Cộng đồng người Inuit tại Barrow, bang Alaska, sống cách khu vực các giếng khoan thăm dò chưa đầy 160 km tỏ ra lo ngại. Họ cảnh báo các giếng khoan sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và làm tổn hại đến các loài hải cẩu, cá voi vốn là nguồn cung cấp lương thực chính của họ từ bao đời nay.

Khai thác thôi “đóng băng” nhờ… băng tan

Ở một khía cạnh khác, người Inuit thừa nhận cuộc sống của họ được cải thiện rất nhiều nhờ… thu nhập từ dầu mỏ. Cách đây nửa thế kỷ, Barrow là một ngôi làng nhỏ không có điện, người dân đi lại bằng xe trượt thì nay đã có được một bệnh viện, trường học và cả một hệ thống ngầm xử lý nước thải trị giá lên đến 400 triệu USD. Do đó, người Inuit đề nghị một giải pháp trung dung: Thay vì khai thác các giếng dầu dưới mặt biển, các công ty nên lấy dầu tại khu vực Arctic National Wildlife Refuge (ANWR), nơi đó có rất nhiều dầu dưới lòng đất, dễ khoan hơn và nhất là dễ xử lý nếu gặp sự cố tràn dầu. Hẳn nhiên việc khai thác tại đây sẽ gặp sự chống đối từ phía chính quyền liên bang với lý do ANWR thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên, việc khai thác sẽ làm tổn hại đến đời sống của hàng ngàn loài chim quý hiếm và động vật hoang dã.

Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tại Bắc Cực khá hấp dẫn, do đó những trường hợp bất trắc trong thăm dò, khai thác nêu trên vẫn không đủ để làm chùn tay các công ty, tập đoàn. Phần lớn họ chỉ trì hoãn chứ không bỏ cuộc.

Nhất là gần đây hiện tượng băng tan chảy tại vùng cực do khí hậu Trái đất ấm lên khiến cho nhiều quốc gia và các tập đoàn dầu mỏ ngày càng ráo riết nghiên cứu các khả năng tiến về phương Bắc. Băng tan giúp cho việc đi lại, vận chuyển dễ dàng hơn.

Theo nhiều dự đoán, nhu cầu năng lượng của toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong một thông cáo báo chí, hãng Shell cho thấy họ sẽ không tính đến chuyện khép lại dự án khai thác dầu tại Bắc Cực: “Về lâu dài, Alaska vẫn luôn là một vùng đất đầy tiềm năng. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng một tiến độ triển khai thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn, đặc biệt là trong khâu khoan thăm dò, sẽ mở ra những giải pháp thích hợp nhất đối với vùng đất xa xôi này”.

Trữ lượng dầu khí tại Bắc Cực

Khai thác dầu khí tại Bắc Cực: Mạo hiểm! ảnh 3

Tàu phá băng, một công cụ không thể thiếu trong việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.

Theo một nghiên cứu của Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, dầu mỏ và khí đốt trên Bắc Cực chủ yếu nằm tại vùng Siberia (Nga) và Alaska (Mỹ). Bắc Cực có thể chứa 13% nguồn tài nguyên dầu mỏ chưa khai thác trên toàn thế giới, tức 90 tỉ thùng, tương đương với lượng nhiên liệu tiêu thụ trong ba năm của toàn thế giới. Ngoài ra, Bắc Cực còn chiếm 30% trữ lượng khí đốt thiên nhiên (47.000 tỉ m3, tương đương với lượng tiêu thụ trong sáu năm của thế giới).

TƯỜNG NGUYỄN (Tổng hợp từ Le Monde và Le Point)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm