Không có hạnh phúc nào nằm ngoài nhân phẩm

Hầu hết mọi người trên thế giới đều dành nhiều sự quan tâm đến nước Mỹ hơn trong hai thời điểm đặc biệt: các cuộc khủng hoảng và các kỳ bầu cử. Dường như đó là lúc người Mỹ thể hiện được mình nhiều nhất, cũng như là cơ hội tốt để thế giới quan sát về họ.

Đã có nhiều giải thích khác nhau về giấc mơ Mỹ, về nước Mỹ như một miền đất hứa cho những khát vọng vật chất lẫn tự do của con người. Ngày 4-9 vừa qua, tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã đưa ra một cách giải thích của riêng mình: “Chúng tôi học được về nhân phẩm và sự tử tế, rằng việc bạn cần cù làm việc quan trọng hơn số tiền bạn kiếm được, rằng giúp đỡ người khác có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ chăm chăm vượt lên trước. Chúng tôi học được về sự trung thực và liêm chính, rằng sự thật rất có ý nghĩa, bạn không đi đường tắt hay chơi theo luật riêng của mình và thành công chỉ được tính nếu bạn giành được một cách công bằng và chính trực”.

Nước Mỹ sẽ còn phải làm nhiều điều để những giá trị của sự nhân phẩm, tử tế, sự trung thực, liêm chính và lẽ công bằng trở thành hiện thực với mọi công dân của họ. Nhưng lịch sử của đất nước phía tây bán cầu này đã luôn truyền đến cho các thế hệ sau một thông điệp rằng, bạn luôn có cơ hội để thực hiện những điều đó, miễn là bạn nỗ lực.

Tinh thần của giấc mơ Mỹ nói lên một giá trị rất nhân văn: Con người chỉ có thể hạnh phúc nếu điều đó không chà đạp lên cơ hội kiếm tìm hạnh phúc của người khác.

Một thời gian dài, người dân ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Mỹ, đã được nuôi dưỡng trong khát vọng cạnh tranh và vươn lên phía trước bằng mọi giá, bất chấp điều đó có thể gây ra những hậu quả gì cho người khác. Hậu quả của nó là những băng nhóm tội phạm, cách làm ăn chụp giật, ô nhiễm môi trường và những cuộc chiến tranh. Tự bên trong xã hội, khát vọng kiếm tìm hạnh phúc về mặt vật chất bằng mọi giá bào mòn các giá trị đạo đức và tạo ra sự đổ vỡ khó cứu vãn về văn hóa.

Người Mỹ và người dân ở nhiều nước khác đã nhận ra điều đó từ lâu và họ đang cố để sửa chữa sai lầm của quá khứ. Hệ thống pháp luật trở nên chặt chẽ hơn để ngăn chặn tội phạm, thói cạnh tranh không lành mạnh và nạn ô nhiễm môi trường. Ở Phần Lan, giáo dục phổ thông đã từ bỏ hệ thống đánh giá dựa trên thang điểm để hạn chế bản năng cạnh tranh vốn đã quá lớn trong mỗi con người. Kết quả là họ tạo ra một xã hội hài hòa hơn, nên con người tìm thấy được hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của cả cộng đồng.

Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác đang phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa sự tử tế và khát vọng kiếm tiền. Xã hội Việt Nam cũng đang tràn ngập ví dụ về những con người kiếm tìm hạnh phúc và tiền bạc bất chấp phẩm giá của mình và cơ hội của người khác. Nhưng nhận thức sớm hơn về vai trò của mình trong hạnh phúc của người khác cũng là con đường tốt nhất mà con người có thể có để tìm được hạnh phúc của chính mình.        

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm