Lãnh thổ càng bị thu hẹp tham vọng của IS càng lớn

Số người chết trong vụ đánh bom tự sát bằng xe tải ở Baghdad (Iraq) tối 2-7 mà IS nhận trách nhiệm đã tăng lên 125 người, 147 người bị thương, theo hãng tin CNN (Mỹ).

Vụ đánh bom này xảy ra chỉ vài ngày sau các vụ bắt cóc và giết hại con tin tại nhà hàng cà phê ở Dhaka (Bangladesh) làm 20 người nước ngoài thiệt mạng, đánh bom ở sân bay quốc tế Ataturk ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là 45 người chết, cũng như nhiều mục tiêu an ninh ở Yemen. Ngoài ra, IS còn thực hiện tấn công tự sát ở Jordan, Lebanon.

Cuối tuần rồi, Bộ Nội vụ Kuwait vừa thông báo bắt năm nghi can IS có kế hoạch đánh bom tự sát tại một đền thờ của người Hồi giáo Shiite vào những ngày cuối cùng của tháng ăn chay Ramadan. Năm ngoái cũng xảy ra một vụ đánh bom tương tự ở Kuwait làm 27 người chết.

Tháng trước xảy ra thảm sát ở TP Orlando (bang Florida, Mỹ) làm 49 người chết, thủ phạm trước đó tuyên bố trung thành với IS. Kế đó lại là vụ giết cảnh sát ở Pháp, mà IS cũng bị nghi ngờ có liên quan.

Trước đó nữa là các vụ đánh bom ở Paris (Pháp) tháng 11-2015 làm 130 người chết và ở Brussels (Bỉ) tháng 3 vừa rồi giết chết hơn 30 người.

Trong vụ bắt cóc con tin ở Bangladesh, mặc dù chính phủ nước này bác bỏ thông tin IS là thủ phạm - trong khi nhóm này đã tuyên bố nhận trách nhiệm nhưng các nhà phân tích khủng bố quốc tế vẫn khẳng định thủ phạm chính là IS. Sở dĩ chính phủ Bangladesh bác bỏ vì lo ngại các nhà đầu tư sẽ rời Bangladesh. Báo Daily Star (Bangladesh) dẫn nhận định của nhà phân tích Shadedul rằng chính phủ Bangladesh phải thừa nhận IS đã hiện diện ở nước này.

Tưởng niệm nạn nhân bị giết tại nhà hàng café Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dkata (Bangladesh).

Tưởng niệm nạn nhân bị giết tại nhà hàng cà phê Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dkata (Bangladesh). Ảnh: AFP

Những vụ việc trên cho thấy IS đã hiện diện và ra tay khủng bố ở khắp bốn châu lục cho thấy tham vọng và sức thuyết phục của hệ tư tưởng IS vẫn ngày càng tăng thậm chí lãnh thổ ở Iraq và Syria có bị thu hẹp, báo Washington Post (Mỹ) dẫn nhận định nhiều chuyên gia.

Tham vọng và sức thuyết phục của hệ tư tưởng IS đang tăng

Mục tiêu của IS rõ ràng ưu tiên xây dựng và bảo vệ lãnh thổ của mình, tuy nhiên IS từ lâu cũng đã thể hiện tham vọng tấn công các mục tiêu bên ngoài Trung Đông. Tạp chí cực đoan Dabiq gần đây có bài viết bàn về kế hoạch chiếm thủ đô Rome của Ý cũng như một số TP khác có ý nghĩa biểu tượng, bên cạnh chiếm lại lãnh thổ Hồi giáo.

Dù lãnh thổ ở Iraq và Syria đang bị thu hẹp dần do liên quân tăng cường không kích truy quét nhưng sự hiện diện của IS ở Trung Đông không hề giảm mà còn tăng. Hàng loạt vụ tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nigeria, Afghanistan, Libya, Tunisia, Saudi Arabia, Ai Cập, Kuwait và một số nước châu Âu, Mỹ đã chứng minh điều này và cho thấy sức thuyết phục của hệ tư tưởng IS đang phát triển mạnh.

Tuần rồi là đúng hai năm thành lập IS. Kỷ niệm sự kiện này, IS lên kế hoạch phô trương ảnh hưởng của mình ở 15 nước trên toàn cầu. Từ mở rộng khả năng kiểm soát ở Philippines tới tăng hiện diện ở Pháp. Những nước không nằm trong danh sách này cũng rất lo sợ. Chính phủ Ấn Độ cho biết đang giám sát chặt hàng chục người Ấn Độ theo đạo Hồi sau khi số người này nhận huấn luyện của IS, đồng thời thừa nhận con số thực sự có thể cao hơn.

Theo nghị sĩ Adam B. Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, IS đang thực hiện một chiến dịch khủng bố toàn cầu nhằm duy trì ảnh hưởng trên mặt trận khủng bố toàn cầu. Điều này đã được Giám đốc CIA John Brennan dự báo trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ tháng trước.

Nhiều quan chức tình báo Mỹ cho rằng việc mất lãnh thổ ở Iraq và Syria có lẽ đã lái các thủ lĩnh IS đẩy nhanh và mạnh tấn công toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia khủng bố, các vụ khủng bố, nổi bật nhất là các vụ khủng bố ở Paris, Brussels, Istanbul, Dhaka đã thể hiện điều này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đồng ý nhận định này.

Từ sói đơn độc trở thành một bầy sói

Từ những gì đã xảy ra có thể thấy hoạt động khủng bố của IS ngày càng thường xuyên hơn và đã vượt quá biên giới Hồi giáo. Báo động hơn, bên cạnh số vụ khủng bố ngày càng tăng lại xuất hiện hiện tượng thành phần thực hiện khủng bố không phải là một cá nhân riêng lẻ hay còn gọi là sói đơn độc như trước đây mà là một nhóm tay súng - một bầy sói.

“Điều làm tôi chú ý là thủ phạm tấn công ở Istanbul hay Dhaka đều không phải là các con sói đơn độc mà là cả một nhóm khủng bố với kế hoạch rất hoàn hảo. Điều này rất nhanh đã trở thành một tín hiệu của IS” - Washington Post dẫn lời nhà phân tích khủng bố Bruce Riedel tại Viện Brookings. Ông Bruce Riedel từng là quan chức chống khủng bố của CIA.

Theo ông Riedel, điều này nguy hiểm hơn rất nhiều và thách thức đối với an ninh các nước cũng lớn hơn rất nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm