Lập trình “ngày chết” cho sản phẩm điện tử

Pin sạc ĐTDĐ bị “chai” một năm sau khi mua, dây điện của chiếc máy hút bụi bị hỏng và chiếc máy giặt của bạn bỗng hư chỉ vài hôm sau khi hết thời gian bảo hành… Đây không phải ngẫu nhiên mà là những “sự cố” đã được lập trình trước của nhà sản xuất nhằm cố ý giới hạn vòng đời của sản phẩm được làm ra.

Tại Pháp, một dự luật đã được các thượng nghị sĩ thuộc nhóm bảo vệ môi trường, đứng đầu là thượng nghị sĩ Jean-Vincent Placé, đệ trình trước Thượng viện vào ngày 23-4 vừa qua, nhằm quy định những điều luật cấm đối với hành vi của các nhà sản xuất trên sản phẩm mà họ làm ra và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng. Nếu dự luật được thông qua thì liệu trong tương lai, sản phẩm tiêu dùng hằng ngày của chúng ta, nhất là các thiết bị điện gia dụng sẽ được chế tạo tốt và có độ bền lâu hơn, tức tuổi thọ của chúng sẽ được kéo dài ra chứ chúng không bị “bức tử” khi vẫn còn có thể chạy tốt? Những ai cố tình sản xuất ra những sản phẩm có “cái chết đã được báo trước này” sẽ là đối tượng vi phạm pháp luật và bị phạt nặng?

Sản phẩm bền hơn thì doanh nghiệp bị giảm doanh thu

Dự luật mới này hẳn nhiên đả phá hành vi nói trên với lập luận rằng “toàn bộ kỹ thuật mà một nhà sản xuất hoặc một nhà nhập khẩu sản phẩm nhắm đến, đặc biệt là về mặt thiết kế kỹ thuật, nhằm rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm hoặc giảm thiểu tính năng sử dụng của sản phẩm đó với mục đích làm gia tăng tỉ lệ sản phẩm được thay bằng thế hệ mới”. Đây quả là một đòn mạnh trực tiếp đánh vào các nhà công nghiệp bị cáo buộc là nhằm thu lợi nhuận tối đa qua việc ép người tiêu dùng phải mua nhiều hơn và kích thích quá trình thay thế sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, các nhà công nghiệp luôn cho đây là một lời vu khống và là một chuyện hoang đường.

Lập trình “ngày chết” cho sản phẩm điện tử ảnh 1

Người ta đã đưa ra một ví dụ so sánh khá thú vị và đặt câu hỏi: Có đặc điểm chung nào giữa một đôi vớ liền quần của nữ và một chiếc iPhone 5? Thoạt nhìn, giữa hai sản phẩm này chẳng có điểm chung nào cả! Song, đây là dẫn chứng minh họa cho hiện tượng “thoái trào” của sản phẩm do được lập trình sẵn. Bởi theo giới chuyên môn, hiện tượng sản phẩm bị hỏng hóc do lập trình sẵn chính là một mưu kế của nhà sản xuất, theo đó một sản phẩm sẽ có một tuổi thọ chuẩn đã được định trước một cách cố ý từ khâu thiết kế, nhằm giới hạn thời gian sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng vì các lý do thương mại. Vì thế, đôi vớ có lẽ đã được sản xuất ra sao cho dễ rách hơn nhằm tăng sức mua của người tiêu dùng, bởi vì vào năm 1940, khi vớ nylon ra đời, bền hơn thì ngành kinh doanh mặt hàng này bị giảm sút nghiêm trọng. Tương tự vậy, việc thay đổi thiết kế của chiếc iPhone mới khiến những linh kiện đã được sản xuất trước đó sẽ không tương thích với sản phẩm thế hệ mới và bắt buộc khách hàng phải mua bộ biến điện hoặc các linh kiện thay thế phù hợp, đó là một ví dụ về hiện tượng “sản phẩm quá thời do được lập trình sẵn”.

“Hỏng hóc do được lập trình sẵn” là phạm pháp?

Định nghĩa được nêu ra từ dự luật trên tại Pháp mới đây nhấn mạnh đến cái gọi là một “thủ thuật bất chính”, nhắm vào việc thu lợi nhuận tối đa của nhà sản xuất, khiến vi phạm các nguyên tắc về bảo vệ môi trường do phải khai thác nhiều hơn tài nguyên thiên nhiên để chế tạo sản phẩm, kéo theo là việc tích tụ ngày càng nhiều lượng “rác thải gia dụng” kia và kế đến là xâm hại đến sức mua và quyền mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, thượng nghị sĩ Jean-Vincent Placé đề nghị đưa vấn đề này vào Bộ luật tiêu dùng và định danh đó là một hành vi vi phạm pháp luật, với mức án đề nghị là hai năm tù và mức phạt tối đa là 37.500 euro cho những đối tượng nào cố tình thực hiện hành vi nói trên. Đồng thời, dự luật cũng đề nghị tăng thời gian bảo hành sản phẩm theo luật định từ hai năm như hiện nay lên năm năm.

Song tiếc thay, theo như nhận định của luật sư Lydie Toilemer thuộc Trung tâm Tiêu dùng châu Âu, nhiều vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ. Cụ thể, làm sao để chứng minh được rằng một doanh nghiệp vi phạm điều luật cấm về lập trình hỏng hóc cho sản phẩm một khi không tiếp cận được tài liệu để buộc tội họ? Mặt khác, một khi bắt buộc các sản phẩm phải có chất lượng tốt hơn sẽ có nguy cơ khiến giá bán sản phẩm sẽ được đẩy lên cao và đối tượng bị thiệt lại chính là người tiêu dùng. Có thể nói là tiền nào của nấy nhưng liệu người tiêu dùng có sẵn lòng chấp nhận điều đó để tham gia vào việc bảo vệ môi trường hay không?

Có thể chỉ như là một câu chuyện giả tưởng?

Đi sâu vào vấn đề hơn, báo Le Figaro đã có bài phỏng vấn GS kinh tế học Alexandre Delaigue. Theo giáo sư, vấn đề đặt ra ở đây là không ai có thể chứng minh được tính xác thực về việc một doanh nghiệp thực hiện hành vi “gian lận”. Nói gì thì nói, các nhà công nghiệp cũng chẳng hưởng được lợi lộc gì từ việc này.

. Giáo sư giải thích thế nào về việc thành công của hiện tượng cố ý lập trình hỏng hóc cho sản phẩm?

+ GS Alexandre Delaigue: Đúng là người tiêu dùng có những bức xúc này nọ trước việc xuống cấp nhanh chóng của một sản phẩm mà họ đã bỏ tiền ra mua và chính vì lý do đó, khách hàng đã suy đoán ra rằng những hỏng hóc kia của sản phẩm chính là do tính toán cố ý từ nhà sản xuất. Suy nghĩ này lại càng được củng cố thêm khi hiện nay nhiều người trong chúng ta có cảm giác rằng đây là một âm mưu mới chứ từ xưa đến nay không hề có. Khách hàng lại thích thú khi buộc tội các nhà sản xuất, họ cũng nghĩ rằng các sản phẩm “trước đây” thì bền tốt hơn các sản phẩm thế hệ mới sau này. Đây là một ảo giác từ sự cảm nhận, vì trong số những sản phẩm cũ, người ta chỉ chú ý đến những sản phẩm còn hoạt động mà lại quên đi tất cả sản phẩm đã bị hỏng hoàn toàn do đã hết tuổi thọ. Một nghiên cứu mới đây cũng đã chứng minh rằng trên thực tế, tuổi thọ của các sản phẩm gia dụng đã không hề tăng từ thập niên 1980 đến nay.

. Giả sử khi cố tình làm ra những sản phẩm “chết sớm” để kích thích tiêu dùng, phải chăng các nhà sản xuất cũng chẳng thu được lợi nhuận gì nhiều thêm?

+ Tính về mặt kinh tế thì “chiến lược” này cũng không có ý nghĩa tích cực nào cả. Hãy dẫn chứng ra một ví dụ mang tính châm biếm một chút: Nếu bán với giá 50 euro một đôi vớ sử dụng được một năm còn hơn là bán được 50 đôi với giá chỉ 2 euro nhưng chỉ sử dụng được một tuần là rách toẹt ra. Nhưng nếu tất cả nhà sản xuất không quan tâm đến sự chọn lựa này, đó là vì tuổi thọ sản phẩm mới chỉ là một trong nhiều chi tiết cấu thành nên toàn bộ khung chất lượng của sản phẩm đó mà thôi. Các máy giặt đã được trang bị thêm nhiều linh kiện điện tử và các động cơ phức tạp hơn để giúp chúng tiết kiệm điện và nước hơn khi hoạt động. Do đó, chính các thiết bị điện tử đã gây nên một ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian vận hành, tức tuổi thọ của máy giặt. Chuyện này không là một mưu đồ toan tính của nhà sản xuất mà từ việc nghiên cứu liên kết giữa giá thành, tính hiệu quả của sản phẩm và tuổi thọ sản phẩm. Do đó, nếu nói nhà sản xuất đã lập trình trước để sản phẩm tự hỏng sau một thời gian sử dụng nhất định thì đó chỉ là chuyện hoang đường.

. Trong một thước phim tài liệu có tựa đề là Mua về để bỏ, tác giả đã nêu ra một ví dụ về trường hợp chiếc máy in vi tính đã được trang bị thêm một “đồng hồ đếm giờ” để thiết bị này sẽ tự động “dừng” máy in sau khi người sử dụng đã in được một số lượng trang in nhất định nào đó…

+ Đây là một dẫn chứng khá thú vị đấy. Nhà sản xuất này đã nhắm vào việc bán được ra càng nhiều các sản phẩm kèm theo là ống nạp mực đắt tiền nhưng ngược lại, họ chỉ bán máy in với giá gần như là “cho không”. Họ tính kiếm lời ở chỗ khách hàng sẽ luôn giữ lại chiếc máy in, vì nó quá rẻ và sẽ tiếp tục thay ống nạp mực nhiều lần. Tôi nghĩ rằng các kỹ sư đã cần có thêm một đồng hồ đếm giờ trên máy in vì một lý do nào đó và việc “khóa” máy in này chỉ là một sai sót không cố ý trong khâu thiết kế. Cần phải hiểu rằng nhà sản xuất sẽ hoàn toàn không được lợi lộc gì khi làm như vậy. Ngược lại, họ còn đứng trước nguy cơ là bị khách hàng tẩy chay và quay sang mua máy in hiệu khác của các đối thủ cạnh tranh của họ.

(Theo Le Figaro)

TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Expansion)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm