Mạng sống Obama trong tay một phụ nữ

Nói đến Cơ quan Mật vụ Mỹ, người ta nhớ đến các nhân viên đặc vụ cao to hớt tóc sát da đầu, mang kính đen, đeo tai nghe, mặc quần áo sậm với gương mặt lạnh như tiền vây quanh các nguyên thủ quốc gia. Hình ảnh tiêu biểu như diễn viên gạo cội Clint Eastwood trong vai đặc vụ bảo vệ tổng thống trong bộ phim Trong tầm lửa đạn.

Đặc vụ quan hệ với gái điếm

Cơ quan Mật vụ Mỹ trực thuộc Bộ An ninh nội địa gồm khoảng 5.000 người, trong đó có 2.100 nhân viên đặc vụ, 1.200 nhân viên mặc đồng phục và 1.700 nhân viên hành chính và kỹ thuật. Cơ quan Mật vụ hưởng ngân sách hằng năm 1,5 tỉ USD.

Báo New York Times ghi nhận từ ngày ra đời đến nay, có lẽ vụ gái điếm ở Colombia là vụ tai tiếng làm ô danh Cơ quan Mật vụ Mỹ nặng nề nhất.

Ngày 14-4-2012, Colombia tổ chức hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ ở thành phố biển Cartagena trong hai ngày. Ngay trước đó, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã khẩn cấp triệu hồi về nước 12 nhân viên đặc vụ Mỹ đang ở Colombia làm công tác chuẩn bị cho Tổng thống Obama tham dự hội nghị. Một toán đặc vụ mới được điều động sang Colombia thay thế.

Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Peter King thông báo các nhân viên đặc vụ nêu trên đã đưa gái điếm về phòng khách sạn. Cuối cùng có tám nhân viên đặc vụ bị sa thải. Trong vụ này có thêm năm binh sĩ phải ra tòa án binh.

Vụ gái điếm ở Colombia bị đổ bể từ một yếu tố rất ngẫu nhiên. Khách sạn nơi các nhân viên đặc vụ Mỹ lưu trú ở Cartagena (Colombia) quy định khách đến thăm phải rời khách sạn trước 7 giờ sáng.

Mạng sống Obama trong tay một phụ nữ ảnh 1

Bà Julia Pierson tuyên thệ nhậm chức tại Nhà Trắng hôm 27-3. Ảnh: AP

Sau khi kiểm tra thấy có một phụ nữ là khách đến thăm chưa rời khách sạn như quy định, nhân viên khách sạn lên phòng kiểm tra. Các đặc vụ Mỹ không chịu mở cửa. Nhân viên khách sạn thông báo cho cảnh sát. Vụ ăn chơi đổ bể. Cô gái ăn sương còn ở lại khách sạn đã tố nhân viên đặc vụ Mỹ không chịu trả tiền. Không lâu sau đó, báo cáo của cảnh sát Colombia đã nằm trên bàn đại sứ Mỹ ở Colombia.

Cái sảy nẩy cái ung

Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Janet Napoletano khăng khăng cho rằng vụ gái điếm ở Colombia chỉ là hành vi cá biệt. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế.

Hai tuần sau vụ gái điếm ở Colombia vỡ lở, một kênh truyền hình ở Seattle dẫn nguồn tin giấu tên đã tố cáo các nhân viên đặc vụ cũng đã từng quan hệ với gái làm tiền trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama ở Salvador hồi tháng 3-2011.

Kênh truyền hình này cho biết một số đặc vụ và binh sĩ chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống đã thường xuyên vào một quán bar có múa thoát y ở thủ đô San Salvador. Truyền hình khẳng định vài người đã đưa gái điếm về phòng riêng và đây là sinh hoạt thường xuyên của các nhà ngoại giao Mỹ tại Salvador.

Sau đó Quốc hội đã phải mở cuộc điều tra. Nhân dịp này, báo Washington Post đã nhắc đến chuyện các nhân viên đặc vụ bảo vệ cựu Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Buenos Aires (Argentina) năm 2009 cũng đã dẫn gái ăn sương về phòng.

Chuyện ăn ngủ với gái làm tiền là hợp pháp ở Colombia và Salvador, tuy nhiên đối với nhân viên đặc vụ Mỹ thì là điều cấm kỵ bởi nhân viên đặc vụ có thể bị tống tiền, bị gài bẫy làm gián điệp hay sơ hở để đối phương xâm nhập hàng rào an ninh bảo vệ yếu nhân. Đơn giản hơn hết, quan hệ với gái làm tiền trong khi thi hành nhiệm vụ có thể làm đặc vụ mất tập trung.

Tại sao lại là một phụ nữ?

Từ khi được bầu lại nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama bị chỉ trích rằng ông chỉ bổ nhiệm cánh nam giới nắm giữ các trọng trách, ví dụ như ông John Kerry giữ chức ngoại trưởng, ông Chuck Hagel làm chủ Lầu Năm Góc, ông John Brennan phụ trách CIA hay ông Jacob Lew trở thành bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các phóng viên đã từng chất vấn người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney rằng chừng nào tổng thống mới bổ nhiệm phụ nữ vào vị trí then chốt.

Ngày 26-3, Tổng thống Obama đã trả lời câu hỏi này bằng thông báo bổ nhiệm bà Julia Pierson giữ chức giám đốc Cơ quan Mật vụ, giám đốc thứ 23 của cơ quan này. Quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực ngay, không cần Thượng viện thông qua.

Lần này, những người cổ súy cho nguyên tắc bình đẳng giới đã thực sự hài lòng vì Tổng thống Obama không chỉ bổ nhiệm một phụ nữ mà còn giao cho bà Julia Pierson đứng đầu một cơ quan trực thuộc chính phủ, một cơ quan quyền lực mạnh và một cơ quan có truyền thống lâu đời.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) nhận định nguyên nhân lớn nhất để Tổng thống Obama bổ nhiệm bà Julia Pierson vì uy tín của Cơ quan Mật vụ đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau hàng loạt tai tiếng. Tổng thống Obama mong muốn cải tổ mạnh mẽ trong nội bộ Cơ quan Mật vụ sau vụ tai tiếng ở Colombia.

Tổng thống Obama tin tưởng bà Julia Pierson có đầy đủ kinh nghiệm để làm được điều này bởi bà đã kinh qua hơn 30 năm trong nghề. Ngoài ra, bà cũng sẽ phải tìm cách thay đổi xu hướng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong bộ máy Cơ quan Mật vụ. Hiện thời cơ quan này chỉ có 10% là nữ. Trong tất cả các cơ quan an ninh chính phủ, đây là cơ quan có tỉ lệ nữ thấp nhất.

Từ bàn giấy bước ra thực địa

Bà Julia Pierson sinh năm 1960 tại Orlando (bang Florida), tốt nghiệp ĐH Trung Florida. Ban đầu bà làm cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát Orlando, sau đó đến năm 1983 chuyển sang làm đặc vụ ở bang Florida. Bảng thành tích của bà ghi nhận trong bốn năm (từ năm 1988 đến 1992), bà có tên trong đội bảo vệ của Tổng thống George W. Bush (cha).

Đồng nghiệp của bà vẫn còn nhớ một lần tổng thống đến thăm khu vui chơi giải trí Disney World, đặc vụ Julia Pierson đã mặc bộ quần áo nhân vật Disney để cải trang trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Cơ quan Mật vụ, bà phụ trách chánh văn phòng Cơ quan Mật vụ, phó giám đốc Văn phòng các chiến dịch bảo vệ, phó giám đốc phụ trách về nguồn nhân lực và huấn luyện.

Bởi lẽ công việc của bà Julia Pierson đều thuộc công việc bàn giấy nên nhiều ý kiến cho rằng bà thiếu kinh nghiệm về tổ chức bảo vệ yếu nhân.

Báo Washington Post dẫn lời một số sĩ quan đặc vụ cấp cao nhận xét chê bai bà Julia Pierson: "Bà ấy chỉ ngồi văn phòng chứ đâu có thì giờ ra thực địa!". Họ ghi nhận thành tích của bà Julia Pierson chẳng là gì so với ông David O’Connor, một gương mặt sáng giá cho chức vụ giám đốc Cơ quan Mật vụ.

David O’Connor đã từng bảo vệ cho nhiều nhân vật lớn như con gái của Tổng thống Bill Clinton, ứng cử viên Al Gore trong bầu cử tổng thống năm 2000 hay Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong chuyến thăm Mỹ.

Dù vậy tại Cơ quan Mật vụ, người tiền nhiệm Mark Sullivan (ra đi hồi tháng 2 sau bảy năm làm giám đốc) hết lời khen ngợi bà Julia Pierson: "Đây là thời khắc lịch sử và lý thú đối với Cơ quan Mật vụ. Tôi biết rõ chị Julia làm việc rất xuất sắc".

Trả lời báo New York Times, nghị sĩ Charles E. Grassley nhận định: "Bà Pierson còn nhiều việc phải làm… Bà phải nỗ lực lấy lại niềm tin đã mất đối với cơ quan mật vụ".

Cơ quan Mật vụ Mỹ được thành lập ngày 5-7-1865 sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát. Ban đầu cơ quan này trực thuộc Bộ Tài chính với nhiệm vụ đấu tranh chống tiền giả. Sau sự kiện Tổng thống William McKinley bị ám sát ngày 6-9-1901, Quốc hội giao thêm cho Cơ quan Mật vụ nhiệm vụ bảo vệ tổng thống. Ngoài ra, Cơ quan Mật vụ còn phụ trách bảo vệ phó tổng thống cùng gia đình.

Sau khi ứng cử viên tổng thống Robert Francis Kennedy bị ám sát ngày 5-6-1968, Quốc hội tiếp tục giao thêm cho Cơ quan Mật vụ nhiệm vụ bảo vệ các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống trong thời gian 120 ngày trước bầu cử, bảo vệ các cựu tổng thống 10 năm sau khi nhiệm kỳ kết thúc và bảo vệ con cái các cựu tổng thống đến năm 16 tuổi.

Cơ quan Mật vụ cũng được giao phối hợp với cơ quan an ninh của Bộ Ngoại giao bảo vệ các nguyên thủ quốc gia và các yếu nhân nước ngoài đến thăm Mỹ hoặc hiện diện trên lãnh thổ Mỹ. Sau khi Luật Yêu nước được thông qua ngày 26-10-2001, Cơ quan Mật vụ đã sát cánh với FBI cùng đấu tranh chống tội phạm tin học. Đến tháng 3-2003, Cơ quan Mật vụ được chuyển sang trực thuộc Bộ An ninh nội địa.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.