Máy bay chiến đấu TQ, động cơ phản lực nước ngoài

Phải chăng đây lại chính là “gót chân Achilles” của sức mạnh quân sự và nền công nghiệp quốc phòng của người khổng lồ này?

Máy bay chiến đấu TQ, động cơ phản lực nước ngoài ảnh 1

Một mẫu động cơ phản lực Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2008 - Ảnh: sinodefence

Đề cập sức mạnh quân sự của Trung Quốc, báo Wall Street Journal ngày 24-8 cho rằng “không quân Trung Quốc có thể ngày nào đó thách thức sự hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương với hơn 1.600 chiến đấu cơ, chưa kể gần 300 chiến đấu cơ khác của hải quân”. Và do vậy, “Mỹ chớ nên xem nhẹ” xu thế phát triển không ngừng của sức mạnh quân sự này.

Thế nhưng, ít người có thể hình dung rằng “cường quốc không gian” này với những “Thần Châu” đưa người lên quỹ đạo Trái đất đến nay vẫn chưa thể chế tạo nổi động cơ phản lực cho máy bay quân sự lẫn thương mại.

Chuyện cái động cơ

Trong bài viết trên ChinaSignPost ngày 26-6, Gabe Collins, chuyên gia về Trung Quốc, và tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư đại học chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định: nếu kỹ sư hàng không Trung Quốc có thể đạt được trình độ và khả năng kỹ thuật như Mỹ cách đây 20 năm thì may ra Trung Quốc mới có thể chế tạo được động cơ phản lực cho chiến đấu cơ thế hệ thứ tư và thứ năm!

Trả lời phỏng vấn tháng 4-2011, ông Lâm Tả Minh, tổng giám đốc Cơ quan Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), thừa nhận dù Trung Quốc đã phát triển cực nhanh về sức mạnh không gian, nhưng khả năng sản xuất động cơ phản lực vẫn “còn rất yếu”. Phải nói là Trung Quốc còn yếu về kỹ thuật động cơ phản lực, một cỗ máy cực kỳ phức tạp với hàng chục ngàn chi tiết - bộ phận được chế tạo bằng những vật liệu siêu bền có mức chính xác được đo bằng micron (0,001mm).

Ông cũng cho biết AVIC đã đưa việc chế tạo động cơ phản lực lên thành mục tiêu chiến lược trong năm năm tới với ngân sách 10 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,53 tỉ USD).

Không chỉ nhập động cơ phản lực cho chiến đấu cơ, Trung Quốc còn lệ thuộc bên ngoài đối với nhiều loại vũ khí khác. Con rồng “Tiêm Thập” (J-10) và người anh em J-11A/B của nó hiện sử dụng động cơ AL-31FN mua của Hãng NPO Saturn (Nga). Tương tự là chiến đấu cơ J-15 hiện đang được chế tạo cho nhiệm vụ tác chiến từ tàu sân bay. Bên trong chiếc “Thần Sấm” JF-17 (còn gọi là “Kiêu Long” FC-1) là động cơ RD-93 của Hãng Klimov (Nga). Động cơ của trực thăng chiến đấu Z-11 do Tập đoàn công nghiệp máy bay Xương Hà sản xuất là của Pháp. Còn nữa, tàu ngầm Type 039 (“Song class”) mà năm 2007 Trung Quốc từng chào bán cho Thái Lan lại sử dụng động cơ diesel của Hãng MTU Aero Engines GmbH (Đức) và hệ thống điện của Pháp, trong khi khu trục hạm Type 051B thuộc cấp Lữ Hải (“Luhai class”) cũng sử dụng tuôcbin khí của Ukraine và động cơ diesel của Đức.

Trên đất liền, “bộ binh chiến xa” ZBL-09 8x8, được mệnh danh là “Báo tuyết”, được lắp động cơ Đức; trong khi xe tăng Type 88 do kỹ sư Phương Ủy Tiên thiết kế và được hãng “Nội Mông đệ nhất cơ giới chế tạo” lại sử dụng “động cơ Đức, súng đại bác NATO và hệ thống chữa cháy của Anh”.

Về kỹ thuật, công nghiệp Trung Quốc hiện chưa thể tạo được loại hợp kim để chế tạo động cơ phản lực, dù nước này đang sở hữu nhiều nguồn nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất loại hợp kim này.

Về lý thuyết, nếu chỉ cần một nhà khai thác lớn như Tập đoàn Kim Xuyên cung cấp 5% sản lượng cobalt hằng năm của họ cho các nhà sản xuất động cơ phản lực trong nước thì Trung Quốc đã có thể sản xuất được hơn 3.000 động cơ phản lực mỗi năm. Nhân lực của Trung Quốc cũng chẳng thiếu. AVIC có đến 10 chi nhánh với 400.000 công nhân.

Thử so sánh: với 15.000 công nhân mà năm 2010 Hãng UMPO của Nga đã có thể sản xuất 109 động cơ AL-31 và AL-41. Tương tự, chỉ với số công nhân chưa bằng 1/10 của AVIC mà Hãng GE Aviation của Mỹ đã có thể sản xuất mỗi năm 200 động cơ cánh quạt cùng 800 động cơ phản lực và động cơ trực thăng!

Ngoài trình độ kỹ thuật, theo Gabe Collins và Andrew Erickson, ở đây còn có yếu tố về cấu trúc tổ chức. Việc sản xuất động cơ phản lực quân sự hiện thuộc độc quyền của AVIC, với những nhà máy tại Thẩm Dương, Tây An và Quý Châu. Do không có đối thủ cạnh tranh giống như ở Mỹ với những hãng sản xuất như GE Aviation (phân nhánh của General Electric), P&W..., công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc dễ rơi vào tình trạng ì ạch.

Sự thiếu vắng cạnh tranh không chỉ làm trì trệ, xói mòn sức sáng tạo của kỹ sư Trung Quốc mà còn tạo điều kiện cho tham nhũng. Ngân sách khổng lồ Trung Quốc dành cho quốc phòng, như Lầu Năm Góc công bố, là hơn 160 tỉ USD, không khỏi trở thành miếng bánh để cấu véo!

Không tự chủ, sao có thực lực?

Do vậy, đến nay Trung Quốc mới chỉ có thể sản xuất “xác” máy bay, còn vẫn phải nhập động cơ phản lực của nước ngoài. Sự lệ thuộc này không khỏi là nguy cơ khiến Trung Quốc bị rơi vào thế bị động chẳng đặng đừng. Động cơ phản lực không là cỗ máy hoạt động đơn giản theo kiểu “đổ xăng là chạy” mà được điều khiển bởi phần mềm.

Trong khi đó, mã nguồn của nó lại luôn là bí mật mà nhà xuất khẩu vũ khí không bao giờ cung cấp cho khách hàng. Ngay cả với một đồng minh thân tín của mình như Israel chẳng hạn, Mỹ cũng chẳng bao giờ hé răng tiết lộ mã nguồn này!

Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Teal Group (Mỹ), nhận định Trung Quốc còn có “một khoảng cách rất xa so với cấp độ kỹ thuật của những (động cơ phản lực) F119/F135/F136” và họ còn cần “phải có những bước sải thật dài về nghiên cứu vật liệu, thiết kế và sản xuất. Nhưng đến khi Trung Quốc thu hẹp được khoảng cánh này thì phương Tây lại đã có những bước sải xa hơn nữa rồi!”.

Richard Aboulafia cho rằng “Trung Quốc đang có những bước tiến về kỹ thuật động cơ phản lực và có thể đạt được trình độ sản xuất độc lập trong 5-10 năm tới. Dù sao, đó cũng vẫn chỉ là những mẫu sao chép của Nga và phương Tây từ các phiên bản đã ra đời từ thập niên 1980”.

Theo M. Kim (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm