Mỹ không chấp thuận 'cuộc chơi' của Trung Quốc

Sau chuyến tuần tra được đánh giá là “mạnh tay nhất trong thời gian qua” - cho chiến hạm USS Lassen vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đá Subi và Vành Khăn ở Trường Sa, nơi Trung Quốc (TQ) bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp - Nhà Trắng vẫn tỏ ra khá thận trọng khi chỉ thị Lầu Năm Góc không phát biểu “rùm beng” trước báo chí về vụ việc. Sự tính toán thiệt hơn, cùng hành động rất cân nhắc của Mỹ đặt ra câu hỏi liệu hành động “tuần tra” thoáng qua lần này có đủ sức đe với các tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh trong suốt nhiều năm. 

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, GS Mỹ Jonathan London, ĐH Thành thị Hong Kong (TQ), nhận định để điều chỉnh hành động của TQ hay mong muốn nước này ngừng các hành động trái phép ở biển Đông, các nước sẽ cần thêm sự gắn kết và quyết tâm trong một thời gian dài.

GS Mỹ Jonathan London, ĐH Thành thị Hong Kong (TQ). Ảnh: HUỲNH TÂM/WIKI

Mỹ không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò”

. Phóng viên: Mỹ đã đưa chiến hạm USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể nhân tạo do TQ đơn phương chiếm giữ và xây dựng trái với luật pháp quốc tế, động thái cứng rắn. Theo quan điểm của ông, ý nghĩa của động thái quyết liệt lần này của Washington nói lên điều gì?

+ GS Mỹ Jonathan London: Chính phủ Mỹ muốn chứng minh quyền tự do hàng hải của các quốc gia, trong đó có Mỹ, dựa theo luật pháp quốc tế. Cụ thể, các con tàu của bất kỳ quốc gia nào đều có quyền tự do đi lại ở các vùng biển quốc tế được luật pháp quốc tế cho phép. Hành động lần này được Nhà Trắng đồng ý, điều này gửi một thông điệp rất rõ ràng đến Bắc Kinh, đó là yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ là vô nghĩa, nói cách khác là không được (Mỹ) công nhận. 

Đồng thời, việc Bắc Kinh ra sức bồi đắp, xây dựng các thực thể (là các bãi ngầm, như đá Subi, Vành Khăn và nhiều thực thể khác - PV) thành các đảo nhân tạo cũng không thể giúp các tuyên bố chủ quyền mà TQ đưa ra tại biển Đông được Mỹ chấp thuận.

. Việc khẳng định quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã nhiều lần được Nhà Trắng, Lầu Năm Góc nhắc đến trước và trong thời gian USS Lassen vào biển Đông. Liệu còn ý nghĩa gì khác của “cuộc tuần tra tự do hàng hải” lần này đặt trong bối cảnh xung đột biển Đông hiện rất phức tạp?

+ Theo quan điểm của cá nhân tôi, Mỹ và các đồng minh, các đối tác ở Đông Á, Đông Nam Á đều muốn bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên biển, không chấp thuận bất kỳ mối đe dọa nào từ bất kỳ ai. Chúng ta thấy rằng 40% các tuyến đường biển thương mại đi qua biển Đông, cùng với đó là một tỉ lệ rất cao các hoạt động thương mại của thế giới diễn ra tại khu vực này hằng năm, đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Mỹ, Nhật mà có cả Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia,…

Với vai trò một nước lớn như Mỹ thì không nên xem xét hoạt động tuần tra lần này của Washington đơn thuần là một sự kiện. Mà quan trọng hơn cả, USS Lassen vào biển Đông là sự bắt đầu cho một sự hiện diện lâu dài của Mỹ trước các hành động với ý định “không rõ ràng” của TQ. Sự hiện diện đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ (dù có được nói ra hay không) sẽ được đại đa số quốc gia trong khu vực ủng hộ.

“Khuyên bảo” TQ phải tốn thời gian

Hải quân Mỹ trên chiến hạm USS Lassen cùng Phó Đô đốc John M. Bird (giữa), Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ. USS Lassen là chiến hạm vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biển Đông. Ảnh: US NAVY

. Đúng như ông nhận xét, một số quốc gia trong khu vực đã lên tiếng ủng hộ hoạt động lần này của Mỹ dù Mỹ gọi đó là một “động thái bình thường” mà nước này làm suốt nhiều năm qua. Thậm chí nhiều người bình luận rằng một số quốc gia khác dù không lên tiếng nhưng im lặng cũng có ý nghĩa là họ ủng hộ hoạt động tự do hàng hải. Có người kỳ vọng (như ông) rằng “hành động lần này chỉ là mới bắt đầu cho sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực”. Nhưng liệu các cuộc tuần tra như vậy về lâu dài có còn tác dụng trước một Bắc Kinh đang hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, quân sự trên các thực thể nhân tạo tại nhiều địa điểm ở biển Đông và có thể sẵn sàng “chơi rắn” hơn hiện nay? Liệu có hy vọng nào về việc thay đổi quan điểm Bắc Kinh trong dài hạn?

+ Dù Mỹ đã “nói và làm”, tiến hành tuần tra khu vực 12 hải lý quanh một số thực thể Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông nhưng tôi tin rằng Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục (các hoạt động phi pháp của mình tại đây - PV). Bản thân tôi nghĩ để có thể “khuyên bảo” hay yêu cầu Bắc Kinh ngừng các hành động sai trái sẽ cần đến một quá trình lâu dài. Quá trình đó yêu cầu sự đoàn kết vững chắc giữa các quốc gia trên cơ sở hình thành một trật tự tại khu vực với tôn chỉ luật pháp quốc tế là trên hết.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì tôi thấy rằng cho đến thời điểm hiện tại không có nhiều cơ sở, lý do để chúng ta có thể lạc quan rằng sẽ có sự thay đổi lớn (mang ý nghĩa tích cực - PV) trong chủ trương của Bắc Kinh về vấn đề yêu sách ở biển Đông. Tuy nhiên, cũng sẽ khó có chuyện Mỹ và các nước trong khu vực chấp nhận hoặc bằng lòng một “cuộc chơi” mà TQ đã và đang dựng lên, duy trì như thời gian qua, vốn không dựa vào các quy tắc của luật pháp quốc tế.

 

Việt Nam lên tiếng việc tàu Mỹ tuần tra biển Đông

Ngày 29-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã có phát biểu về việc Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (VN). Ông Lê Hải Bình nêu rõ là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và là thành viên của UNCLOS, VN tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của UNCLOS và phù hợp với các quy định của nước ven biển. “VN kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” - ông Bình nói.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm