Mỹ sẽ làm gì với 'ngoại giao mới' của Philippines?

Nhà Trắng hôm thứ Sáu đã ra thông báo cho rằng tuyên bố “chia tay với nước Mỹ” của tổng thống Rodrigo Duterte mang tính công kích gây mất lòng.Tuy nhiên ngay khi trở về Philippines sau chuyến thăm TQ, ông Duterte đăng đàn giải thích lại những phát ngôn của mình ở Bắc Kinh để “trấn an” lo ngại từ phía Nhà Trắng.

Phát ngôn “trước sau bất nhất”

Nhiều chuyên gia nhận định các phát biểu tại Bắc Kinh của ông Duterte không chỉ làm rạn nứt quan hệ giữa Philippines và Mỹ, mà còn đe dọa vị thế của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt trọng tâm chính sách đối ngoại.

Ngay sau khi Duterte rời Bắc Kinh, CNN dẫn lại lời giải thích của ông trước báo chí: “Đó không phải là chấm dứt quan hệ. Các bạn nói chấm dứt hay cắt đứt quan hệ ngoại giao. Tôi không thể làm như vậy được. Điều tôi muốn nói là tách bạch (giữa Philippines và Mỹ - TG) trong chính sách đối ngoại mà thôi”.

Các phát biểu tại Bắc Kinh của ông Duterte không chỉ làm rạn nứt quan hệ giữa Philippines và Mỹ

Tương tự, Bộ trưởng Thương mại Philippines nói với CNN rằng Philippines sẽ không dừng giao thương và đầu tư với Mỹ. “Tuyên bố của tổng thống Duterte có ý nghĩa là vẫn duy trì quan hệ với phương Tây. Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là sẽ ít phụ thuộc hơn vào một phía nào đó của thế giới”. Tuy không nói rõ “một phía” là ai, nhưng có thể thấy hàm ý của Lopez chính là giảm phụ thuộc của Manila về phía Mỹ.

Ngoài sự thiếu chuyên nghiệp, Manila đang lúng túng trong ứng xử với hai cường quốc. Một bên là Mỹ - cường quốc toàn cầu có quan hệ đồng minh lâu năm, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống an ninh quốc gia của Philippines. Một bên là TQ - cường quốc khu vực có những liên kết thương mại-đầu tư chặt chẽ với các cam kết thương mại song phương (nhưng cũng là mối đe dọa an ninh trên biển).

Những phát ngôn vừa qua của ông Duterte chưa khẳng định được chính sách đối ngoại Philippines. Sự mập mờ này có thể sẽ kéo dài cho đến khi Philippines xác định được lợi ích cốt yếu và lâu bền của nước này là gì và liên đới mạnh mẽ đến ai; hoặc đến khi Mỹ và TQ định hình rõ hơn độ tin cậy trong mắt Manila về lợi ích.

Cần thêm thời gian quan sát

Ông Duterte đe dọa vị thế của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt trọng tâm chính sách đối ngoại.

Sau những giải thích về phát ngôn của Tổng thống Duterte, Bộ trưởng Thương mại Philippines Lopez đã bị phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đặt cho cái tên “Mike Pence của Philippines”, hàm ý so sánh vớiMike Pence - người chuyên nói giảm nói tránh, “dọn dẹp” những phát ngôn gây sốc của Donald Trump. Sự ví von này cho thấy sự lo ngại của Mỹ trước quan điểm mập mờ của Manila trong đường lối đối ngoại.

TS. Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage, viết trên Tạp chí National Interest rằng, những phát ngôn của ông Duterte không nhất thiết khẳng định đường lối của Manila tới đây. Mỹ cần thêm thời gian để quan sát xem mọi thứ sẽ phát triển ra sao trước khi phản ứng cụ thể.

Đúng như Walter nhận định, sẽ rất nguy hiểm nếu Mỹ muốn “xoa dịu” hay tăng cường niềm tin với Philippines bằng cách tiếp tục mở rộng những quan hệ về mặt an ninh thời gian gần đây với Philippines, khi ông Duterte liên tục có những hành động thiếu thiện chí, thậm chí là chống đối lại Mỹ.

Trái lại, nếu phản ứng cứng rắn với sự khiêu khích bất thường của ông Duterte bằng cách hủy hoại sự bình đẳng dài hạn trong mối quan hệ với Manila, Mỹ sẽ cho thấy tầm lãnh đạo của mình ở khu vực là thiếu bền vững, thiếu thực tế và nhiều khả năng chỉ mang tính chất tạm thời.

Philippines không dễ “chia tay” Mỹ

Mỹ có thể được xem là “người bảo vệ” trực tiếp cho an ninh Philippines.

Hai chữ “đồng minh” chưa mô tả hết quan hệ giữa Mỹ và Philippines. Hai bên ký Hiệp định Căn cứ Quân sự vào năm 1947, cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở Philippines. Washington thiết lập hai căn cứ ở Clark và Subic.Cả hai đã ký hiệp ước an ninh tương hỗ từ năm 1951cho phép cả hai cùng phản ứng trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công.

Sự kết thúc của Hiệp định 1947 lại mở ra Hiệp định Thăm viếng giữa các lực lượng được Manila và Washignton, ký năm 1999 (và được mở rộng vào năm 2014), cho phép quân đội Mỹ có quyền tiếp cận đầy đủ các căn cứ của Philippines.Giai đoạn 2002-2005, Mỹ duy trì 500-600 lực lượng hoạt động đặc biệt tại miền nam Philippines, giúp nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Hiện nay vẫn còn một lực lượng nhỏ của Mỹ được duy trì với mục đích này.

Mỹ có thể được xem là “người bảo vệ” trực tiếp cho an ninh Philippines, trong bối cảnh nước này đối mặt nhiều bất ổn bên trong lẫn ngoài (điển hình tại Biển Đông), đồng thời cũng là nguồncung cấp vũ khí và các chương trình nâng cao năng lực quốc phòng đặc biệt cho quân đội Philippines. Mỹ tham gia hỗ trợ sâu rộng việc tư vấn tái cơ cấu, cải cách quốc phòng và cung cấp các lực lượng vũ trang cho Philippines ít nhất từ năm 1999... Đồng thời duy trì Nhóm liên quân cố vấn quân sự Mỹ (gọi tắt là JUSMAG) đảm bảo tương tác trong liên minh quân sự hai bên.

Những ràng buộc về an ninh kể trên đưa bao gồm những vấn đề mang tính lịch sử và con người. Philippines từng là thuộc địa kiểu mới đầu tiên của Mỹvà là “trụ sở” của nhiều căn cứ quân sự Mỹ trong suốt chiến tranh lạnh. Thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, có đến hơn 4 triệu người Mỹ gốc Philippines và hơn 300 ngàn người Mỹ ở Philippines. Philippines được xem là nước “thân Mỹ” nhất tại khu vực châu Á.

Philippines có quyền đưa ra những quyết định mang tính thay đổi trong chính sách đối ngoại, nhưng cần có thời gian. Quá nôn nóng, tổng thống Duterte sẽ gây bất ổn cho Philippines và gánh phiền phức vào mình.

Khó đạt niềm tin từ TQ

TQ cũng đang tìm kiếm mối quan hệ song phương tốt hơn với Manila 

TQ cũng đang tìm kiếm mối quan hệ song phương tốt hơn với Manila và chắc chắn rất hài lòng khi ông Duterte gác tranh chấp Biển Đông, lờ đi phán quyết tòa trọng tài để cải thiện quan hệ với TQ. Việc tuyên bố Philippines là “người anh em”, cùng ký 13 thỏa thuận song phương với số tiền 13,5 tỷ USD cho thấy thiện chí từ TQ.

Nhưng như vậy, theo TS. Walter Lohman, không có nghĩa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy thoải mái hay an tâm trước việc tiếp cận mối quan hệ Mỹ-Philippines-TQ theo kiểu “người thắng – kẻ thua”. Tờ Time ngay sau chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh đã dẫn lại các ý kiến của nhiều người TQ cho rằng những phát ngôn của ông Duterte là thiếu tin cậy, hàm ý ông Duterte tận dụng đối đầu Mỹ-Trung để tìm kiếm những lợi ích kinh tế. Tất nhiên, Bắc Kinh không để Manila kéo vào cuộc chơi đối đầu theo kiểu Chiến tranh Lạnh với Mỹ, bởi hai nước không đơn thuần là đối đầu về vị thế, mà còn đan xen rất nhiều sự phụ thuộc về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh bình luận trước báo chí về phát ngôn của ông Duterte đã khéo léo nhắc nhở các nước không nên tiếp cận cục diện theo kiểu người thắng – kẻ thua hay có những suy nghĩ theo kiểu Chiến tranh Lạnh, vì đó là trò chơi có tổng bằng không. Điều đó cho thấy một giới hạn nhất định trong khoảng cách mà cả TQ và Philippines gọi là “tình anh em”.

Với sự lập lờ khó đoán trong quan điểm, phát ngôn gây sốc và thái độ ngoại giao thiếu tôn trọng, ông Duterte khó trở thành mẫu hình lãnh đạo mà Bắc Kinh đón nhận một cách tích cực.

______________________

* Bài viết tham khảo và dịch từ Tạp chí National Interest, Time, Reuters và CNN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm