Nga có được lợi sau Brexit?

Kết quả trưng cầu dân ý Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit dấy lên làn sóng lo ngại bao trùm tương lai của Anh và EU, tuy nhiên Tổng thống Putin hoan nghênh quyết định này của Anh.

Dù tuyên bố ủng hộ Brexit, cho rằng đây là kết quả của sự mệt mỏi của người Anh với các bổn phận với EU, trong đó có choàng gánh kinh tế với các nước nghèo nhưng Tổng thống Putin khẳng định Nga không hề tác động gì đến kết quả trưng cầu Brexit.

“Nga không hề can thiệp và trong tương lai cũng sẽ không can thiệp vào lựa chọn của nước Anh. Nga không hề mong muốn Brexit dẫn tới một thảm họa toàn cầu”, Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Trung Quốc ngày 27-6.

ổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không hề can thiệp vào kết quả trưng cầu Brexit.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không hề can thiệp vào kết quả trưng cầu Brexit. Ảnh: BLOOMBERG

Thành phần phản đối Brexit cho rằng Brexit sẽ làm yếu đi sự thống nhất của EU đồng thời kích thích Nga mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo báo Huffington Post (Mỹ), nếu xem xét kỹ về đặc điểm địa chính trị châu Âu thì sẽ thấy nhận định này không chính xác. Brexit rõ ràng là một thắng lợi lớn với Tổng thống Putin nhưng chỉ về mặt biểu tượng, về thực tế nó không có khả năng làm tăng sức mạnh địa chính trị của Nga tại châu Âu. Brexit cũng không có khả năng làm ấm hơn quan hệ giữa Nga với Anh và với EU, ít nhất trong ngắn hạn.

Brexit sẽ không làm Nga mạnh hơn

Những năm gần đây các nhà hoạch định chính sách của Nga lớn tiếng chỉ trích các thể chế châu Âu và việc EU mở rộng thành viên. Vì thế, hầu hết các nhà hoạch định chính sách Anh cho rằng Nga rất hài lòng kết quả Anh rời EU. Thật ra kết luận này chủ yếu dựa vào giả thuyết là việc Anh rời EU sẽ làm mạnh hơn quyền lực của Đức trong EU, từ đó sẽ làm trầm trọng thêm bất hòa trong tổ chức này.

Cách truyền thông Nga đưa tin về Brexit mấy ngày qua phần nào khẳng định lập luận này khi báo Russia Today (Nga) ngày 24-6 viết rằng hệ lụy Brexit là Áo, Pháp, Hà Lan có thể sẽ theo chân Anh rời EU.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạch định chính sách Nga, chỉ cần các lãnh đạo châu Âu có thể cải tổ được EU theo những gì mà Thủ tướng Anh David Cameron nhận xét và đề nghị thì EU có thể vượt qua được giai đoạn lung lay này, đảm bảo sự thống nhất và đủ sức mạnh đối mặt với Nga. Mà theo họ, EU  hoàn toàn có khả năng này. Trong số này có cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, vốn dự đoán sự mất ổn định trên thị trường tài chính sau Brexit sẽ chỉ trong thời gian ngắn.

Vì thế lo ngại về nguy cơ sự mất ổn định, thiếu thống nhất của EU sau Brexit không có nghĩa là sức mạnh địa chính trị của Nga tại châu Âu chắc chắn sẽ tăng.

Quan hệ Nga-EU sẽ không ấm hơn sau Brexit

Nhiều nhà phân tích đoán rằng sau Brexit thái độ quyết liệt của EU trong trừng phạt Nga quanh vấn đề Ukraine sẽ giảm bớt. Brexit sẽ làm yếu đi quan hệ của EU với Mỹ, đẩy EU đến gần Nga như một đối tác thay thế để hạn chế các cú sốc kinh tế hậu Brexit.

Ngoài ra, cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và sự căng thẳng bất hòa quanh thái độ bá chủ của Đức ở EU có thể khiến EU phát triển quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, nếu cân nhắc kỹ đến chính sách đối ngoại ở mỗi thành viên EU thì điều này khó có thể xảy ra.

Đức vốn có lịch sử hòa giải với Nga hơn nhiều nước châu Âu khác. Đức có quan hệ kinh doanh lâu dài với Nga. Nhiều chính trị gia cấp cao Đức như Ngoại trưởng Franz Walter Steinmeier ủng hộ bỏ trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cương định với quan điểm sẽ chỉ dỡ bỏ trừng phạt một khi Nga tuân thủ toàn toàn thỏa thuận hòa bình Minsk chấm dứt xung đột Ukraine.

Ngày 21-6 vừa rồi 28 nước EU đã thống nhất kéo dài trừng phạt Nga thêm sáu tháng. Theo Huffington Post, sự đồng lòng cô lập Nga của EU sẽ không suy suyển chỉ vì thiếu đi ảnh hưởng của Anh.

Quan hệ Nga-Anh sẽ không tốt đẹp hơn

Về quan hệ Nga-Anh, nhiều nhà hoạch định chính sách Nga lạc quan rằng quan hệ sẽ tốt hơn sau Brexit. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Thủ tướng David Cameron được biết đến với chủ trương hòa giải với Nga. Hồi tháng 5, ông Johnson chỉ trích EU có phần lỗi trong việc Nga sáp nhập Crime, đồng thời kêu gọi Anh tăng hợp tác với Nga giải quyết xung đột Syria.

Ngoài ra, lãnh đạo đảng UKIP Nigel Farage dẫn đầu vận động Brexit cũng có quan điểm hòa giải với Nga.

Tuy nhiên, Huffington Post cho rằng khó có khả năng quan hệ Nga-Anh sẽ tốt đẹp hơn sau Brexit.

Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Cameron bắt đầu với việc chỉnh sửa chính sách ngoại giao của Anh với Nga, từ chính trị đến kinh tế. Năm 2014, ông Cameron dẫn đầu nỗ lực của châu Âu trong trừng phạt Nga vì sáp nhập Crime và nghi ngờ bắn hạ máy bay dân sự MH17 của Malaysia.

Về lịch sử, Anh vốn có nhiều mâu thuẫn với Nga nhiều hơn bất kỳ nước phương Tây nào khác. Năm 2003, Anh cho phép phần tử ly khai Chechen Akhmed Zakayev và doanh nhân Boris Berezovsky có quan điểm chống đối ông Putin tị nạn chính trị, bỏ qua áp lực của Nga đòi dẫn độ họ về.

Tóm lại, Brexit có thể là một đe dọa với sự thống nhất của EU và là một chiến thắng biểu tượng của chính sách đối ngoại chống phương Tây của Nga. Tuy nhiên, tác động của Brexit lên chính sách của EU đối với Nga, đối với quan hệ Nga-Anh và đối với sức mạnh Nga sẽ chỉ rất hạn chế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm