Nga đắc lợi sau vụ Mỹ giết Tướng Soleimani

Vào ngày 7-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Syria lần thứ hai trong ba năm. Trong chuyến thăm Syria lần đầu hồi tháng 12-2017, ông Putin đã đến căn cứ không quân Khmeimim của Nga vì lý do an ninh.

Lần thứ hai, ông Putin thực hiện bước đi mạo hiểm hơn khi chuyên cơ chở ông đáp xuống sân bay quốc tế Damascus - nơi trước đó là mục tiêu của những cuộc tấn công, trong đó có những cuộc tấn công do Israel tiến hành nhằm vào lực lượng dân quân thân Iran.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Syria Bashar Al-Assad tại Damascus hôm 7-1. Ảnh: kremlin.ru

Lần đến Syria năm 2017, truyền thông Nga đã không đưa tin về chuyến đi của ông cho tới sau khi ông trở về nước. Nhưng lần đi hôm 7-1 vừa qua thì không như vậy.

Theo kênh Al Jazeera, việc ông Putin lựa chọn thời điểm và nơi đến trong hai chuyến thăm Syria khó có thể nói là vô tình. Điều này cho thấy ông không có gì phải lo sợ khi đến thăm một đồng minh khu vực quan trọng.

Động thái này thậm chí có ý nghĩa thâm sâu khi xem xét vụ ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimami của Iran gần đây tại sân bay Baghdad.

Ông Soleimani là chỉ huy lực lượng Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ông bị Mỹ không kích sáng 8-1 tại Baghdad (Iraq).

Cái chết của tướng Iran có thể gây ra nhiều bất ổn nữa cho khu vực nhưng đối với Nga, diễn biến này đem lại nhiều cơ hội để tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông.

Quyền lực của Iran

Ông Soleimani đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ Nga-Iran. Có tin đồn rằng chính ông Soleimani đã thuyết phục điện Kremlin can thiệp quân sự vào cuộc chiến tranh Syria để ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong chuyến thăm không chính thức tới Moscow hồi tháng 7-2015.

Tuy nhiên, đối với các nhà phân tích an ninh Nga, tin đồn này có vẻ không hợp lý. Tháng 6-2015, có thông tin nói rằng các chuyên gia quân sự Nga đã đến Syria và xác định một địa điểm làm căn cứ quân sự Nga gần sân bay quốc tế Bassel al-Assad ở tỉnh Latakia.

Đến cuối tháng 7, các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Nga được điều tới để giải phóng mặt bằng xung quanh sân bay này nhằm thiết lập căn cứ Khmeimim.

Nói cách khác, Nga rõ ràng đã có ý định can thiệp quân sự vào Syria trước khi ông Soleimani đến Nga.

Quân nhân Nga tham gia lễ tưởng niệm vị tướng Iran Qassem Soleimani tại đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria). Ảnh: REUTERS

Mức độ ảnh hưởng của ông Soleimani tuy có phần thổi phồng nhưng như vậy không có nghĩa là không đáng kể. Điện Kremlin nhận thấy vị tướng Iran là một đối tác đáng tin cậy, đặc biệt trong giai đoạn đầu Nga triển khai quân tới Syria.

Mặc dù chính thức duy trì thái độ thân thiện với nhau, song Nga và Iran không có cùng quan điểm về một số khía cạnh của cuộc xung đột Syria. Trong khi Moscow cam kết tăng cường các thể chế an ninh quân sự và chính thức của Syria, Tehran đã cố gắng xây dựng các thể chế thay thế.

Đặc biệt, ông Soleimani đã cố đẩy mạnh vị trí của các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn trong cấu trúc nhà nước Syria khiến người Nga không hài lòng.

Cơ hội mới cho Nga

Ngay sau khi tin tức về vụ ám sát ông Soleimani bùng nổ, các quan chức quốc phòng và ngoại giao của Nga đã lên án vụ việc. Tổng thống Nga kiềm chế bình luận trực tiếp vấn đề.

Chỉ có hình ảnh một phái đoàn nhỏ của Nga gửi lời chia buồn tới các quan chức Iran tại đại sứ quán Iran ở Damascus được đăng tải trên mạng xã hội mà không thấy có bất kỳ hãng thông tấn nhà nước nào của Nga công bố.

Trong khi cái chết của ông Soleimani có thể làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ, đồng thời làm trầm trọng thêm sự bất ổn, thì đối với Nga, điều này có thể đem lại một số cơ hội mới.

Cho tới khi bị ám sát, Tướng Soleimani đã hành động như một người bảo hộ thực sự cho mối quan hệ ổn định giữa chính phủ Iran và các lực lượng ủy nhiệm, trong đó có lực lượng dân quân Syria.

Sau cái chết của ông Soleimani, vẫn chưa rõ liệu Iran sẽ có thể duy trì mức độ phối hợp chặt chẽ như vậy với những lực lượng này hay quản lý các hoạt động của họ ở Syria và các nước khác hay không.

Nếu sự phối hợp giữa Iran và những lực lượng này suy yếu, Nga có thể tận dụng điều này để tăng cường ảnh hưởng của họ ở Damascus. Với những đồng minh Iran đang tranh giành kiểm soát tình hình sau cái chết của ông Soleimani, ông Al-Assad có thể ngày càng độc lập hơn khỏi sự ủng hộ của Nga.

Quân đội Nga treo cờ trong một cuộc tuần tra chung với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria hồi tháng 11-2019. Ảnh: GETTY

Trong bối cảnh này, chuyến thăm Damascus của ông Putin càng được nhắc tới. Chuyến thăm nhằm chứng tỏ sự thống trị của Nga ở Syria và sự tự tin trong cách tiếp cận khu vực của Nga.

Quyết định của ông Putin sử dụng sân bay Damascus có thể cho thấy Nga đang đẩy mạnh vai trò kinh tế lớn hơn ở Syria. Năm ngoái, nhiều hãng hàng không, trong đó có hãng Gulf Air của Bahrain và Etihad của UAE, cân nhắc nối lại chuyến tay tới Damascus.

Giới doanh nhân Nga cũng bày tỏ quan tâm tài trợ cho việc mở rộng sân bay với một nhà ga mới. Theo một số báo cáo, Nga thậm chí đã yêu cầu Israel ngừng tấn công sân bay Damascus, đổi lại Nga có thể giúp giảm số lượng nguồn tiếp tế của Iran thông qua Damascus. Đây là tuyến đường tiếp tế được lực lượng Quds của ông Soleimani giám sát cho tới gần đây.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế của Nga ở Syria đã tụt hậu so với Iran về quy mô và phạm vi. Tham gia hàng loạt các lĩnh vực từ xây dựng, bất động sản cho tới các ngành công nghiệp sản xuất, Tehran đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Syria sau năm 2011.

Mặc dù có nhiều cơ hội kinh doanh mở ra cho các công ty Nga, đặc biệt khi chính phủ ông Al-Assad hứa dành cho họ chế độ ưu đãi, song nhiều người vẫn không muốn tham gia do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự bất ổn về lợi tức nếu đầu tư.

Đến nay, người chơi chính của Nga ở Syria là Stroytransgaz, chủ yếu tham gia phát triển dầu mỏ và phốt phát.

Cái chết của ông Soleimani cũng mở cửa cho Nga vào Iraq - nước đang tính trục xuất quân đội Mỹ khỏi lãnh thổ mình.

Những năm gần đây, Nga đã chứng tỏ năng lực của mình trong việc biến những khủng hoảng như vậy ở Iraq thành cơ hội. Chẳng hạn năm 2017, gã khổng lồ năng lượng của Nga Rosneft đã mở rộng chiến dịch tại địa bàn của người Kurd ở Iraq trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền Erbil và chính phủ trung ương về cuộc trưng cầu dân ý độc lập.

Sự bất ổn sau cái chết của ông Soleimani có thể thúc đẩy Iraq mua những hệ thống phòng không của Nga, có thể là hệ thống S-400 hoặc hệ thống khác. Baghdad cũng đã bày tỏ hứng thú mua các hệ thống của Nga. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu hồi tháng 8 năm ngoái sau cuộc vây ráp trên không của Israel nhằm vào lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq.

Gần đây, ông Qais al-Khazali  - Chỉ huy Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq được Iran hậu thuẫn gợi ý Nga và Trung Quốc có thể thay thế sự ủng hộ và cố vấn của quân đội Mỹ ở Iraq - một đề nghị chắc chắn sẽ làm hài lòng Kremlin.

Điều mấu chốt là Moscow tiếp tục chứng tỏ năng lực của mình trong việc biến những bước đi sai lầm của Mỹ trong khu vực thành những lợi thế về mặt ngoại giao và chính trị cho mình. Vì thế, việc Mỹ giết chết Tướng Soleimani đem lại cho Nga một loạt cơ hội mới ở Syria, Iraq và nhiều nơi khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm