Ngoại giao rúng động vì Wikileaks

Năm tờ báo công bố tài liệu mật ngoại giao của Wikileaks gồm báo Le Monde của Pháp, New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh, El Pais của Tây Ban Nha và Der Spiegel của Đức.

251.287 bức điện ngoại giao mật của Mỹ ở vào thời kỳ từ năm 1966 đến tháng 2-2010. 90% là tài liệu từ năm 2004 đến 2010, trong đó có 16.652 tài liệu được xếp vào loại mật và 101.748 là tài liệu ở mức độ mật thấp hơn. Các tài liệu được xếp hàng tuyệt mật chưa được công bố.

Trung Quốc, tin tặc và tên lửa

Các bức điện ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh khẳng định Bộ Chính trị Trung Quốc có liên quan đến vụ trang tìm kiếm Google và nhiều công ty Mỹ bị tin tặc tấn công (phát hiện đầu năm 2010).

Theo người chỉ điểm Trung Quốc cung cấp tin, chiến dịch này được tiến hành từ năm 2002 nhắm vào máy tính của các doanh nghiệp và chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước đồng minh của Mỹ. Cơ quan tình báo Trung Quốc thực hiện chiến dịch phối hợp bao gồm các viên chức chính phủ, các chuyên gia an ninh và tin tặc ở Trung Quốc.

Ngoại giao rúng động vì Wikileaks ảnh 1

Và lần thứ hai về cuộc chiến Iraq. Chữ trong ảnh: New punches = Những cú đấm mới; Wikileaks: New secret Iraq documents = Wikileaks: Tài liệu bí mật mới về Iraq. Ảnh: Biếm họa của OLLE JOHANSSON (Thụy Điển)

Ngoài ra, một bức điện ngoại giao năm 2007 cũng cho biết Mỹ đã cung cấp cho Trung Quốc thông tin chi tiết về danh sách 11 phi vụ vận chuyển linh kiện có thể dùng để lắp ráp tên lửa từ CHDCND Triều Tiên sang Iran bằng máy bay dân dụng của CHDCND Triều Tiên và Iran. Các chuyến hàng quá cảnh ở sân bay quốc tế Bắc Kinh nên Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc ngăn chặn. Tuy nhiên, sau đó yêu cầu của Mỹ không được Trung Quốc đáp ứng.

Nhà ngoại giao Mỹ làm gián điệp

Theo tài liệu mật công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi cho các đại sứ quán Mỹ một số chỉ thị yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ cung cấp thông tin của các đối tượng sau đây: Các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài, các nhà lãnh đạo LHQ và các nhà đấu tranh của các tổ chức phi chính phủ. Mục đích nhằm phục vụ cho công tác tình báo.

Một bị vong lục (một văn bản ngoại giao) gửi cho đại sứ Mỹ tại LHQ ở New York yêu cầu cung cấp danh sách thư điện tử, mật khẩu Internet và mật khẩu mạng nội bộ, số thẻ tín dụng, số thẻ khách hàng thân thiết của các hãng hàng không và lịch làm việc. Nhiều bị vong lục cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ cung cấp mọi thông tin về lý lịch và sinh trắc của đồng nghiệp các nước thành viên Hội đồng Bảo an, cụ thể là dấu vân tay, ảnh chân dung, ADN và ảnh quét võng mạc.

Đồng minh của Iran chơi khăm

Các tài liệu ngoại giao mật nhận định Mỹ lo ngại Iran sử dụng linh kiện của CHDCND Triều Tiên để cải tiến và lắp ráp tên lửa với tầm bắn xa đến Tây Âu. Tháng 12-2009, Israel đã thúc ép Mỹ cứng rắn hơn đối với Iran và nhận xét chính sách đàm phán với Iran không hiệu quả. Tài liệu cho biết vũ khí hiện đại của Mỹ có khả năng xuyên phá hầm ngầm đã được giao cho Israel vào tháng 5-2010.

Ngoại giao rúng động vì Wikileaks ảnh 2

Wikileaks công bố tài liệu lần đầu về cuộc chiến Afghanistan. Ảnh: Biếm họa của SHLOMO COHEN (Israel)

Trong tài liệu mật năm 2007, cơ quan tình báo Israel (Mossad) và Giám đốc Meir Dagan đã trình bày nhiều giải pháp chống Iran, trong đó có tổ chức lật đổ chính quyền Iran với sự giúp sức của các phong trào sinh viên và các cộng đồng sắc tộc người Azari (gốc Azerbaijan), người Kurds, người Baluchi chống chế độ tại Iran.

Tài liệu cũng cho thấy trong lần gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Hervé Morin vào tháng 2-2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhận định tấn công quân sự chống Iran chỉ có thể làm chương trình vũ khí hạt nhân của Iran chậm lại 1-3 năm.

Điều lạ là Saudi Arabia vốn là đồng minh Ả Rập của Iran nhưng ngày 17-4-2008, quốc vương Abdullah của Saudi Arabia lại kêu gọi Mỹ tấn công Iran bởi lo ngại chương trình hạt nhân của Iran. Đáng lo ngại hơn, các nhà tài trợ Saudi Arabia là nguồn đầu tư chính cho các tổ chức cực đoan như tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

120 nhà báo nghiên cứu tài liệu mật

Trang web Wikileaks giải thích: “Các bức điện ngoại giao đã chứng minh quy mô công tác gián điệp của Mỹ đối với các nước đồng minh và LHQ; thái độ nhắm mắt trước tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở các quốc gia đối tác; dàn xếp ngầm với các quốc gia tự xem là trung lập; vận động hành lang cho các công ty Mỹ...”. Wikileaks cho biết tài liệu mật sẽ được công bố nhỏ giọt trong nhiều tháng tới.

Ngoại giao rúng động vì Wikileaks ảnh 3

Chân dung Julian Assange, người sáng lập Wikileaks. Ảnh: Biếm họa của TAYLOR JONES (Mỹ)

Vào thời điểm năm báo công bố tài liệu mật của Wikileaks, Mỹ và Anh khẳng định tài liệu mật sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người. Ý đã gọi ngày công bố là “ngày 11-9 về ngoại giao”.

Trước khi tài liệu mật được công bố, 120 nhà báo của năm tờ báo đã nghiên cứu các bức điện ngoại giao, chia sẻ cho nhau thông tin và kết quả thẩm định. Họ quyết định bỏ các chủ đề mà nguồn trích dẫn không đáng tin cậy. Tên những người cần bảo vệ cũng như những người sống trong các nước có chiến tranh hay chính quyền độc tài đều được che. Báo Le Monde (Pháp) nhận định đây là thái độ hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí.

Tài liệu mật còn công bố điều gì?

- Tổng thống PhápNicolas Sarkozy là người dễ tự ái và độc đoán. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi là người vô trách nhiệm, tự cao, yếu ớt về thể lực và chính trị, khó hồi phục do vui chơi đến tận đêm. Thủ tướng Đức Angela Merkellà người sợ rủi ro, thiếu tưởng tượng. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cực kỳ yếu đuối, có xu hướng nghe theo các học thuyết âm mưu. Tổng thống Nga Medvedev là Robin mà Người Dơi là Poutine (ám chỉ Thủ tướng Poutine mới là người nắm quyền). Nhà lãnh đạo Gaddafi của Libya sợ độ cao, không đi đâu nếu không có một nữ y tá Ukraine có bộ ngực phì nhiêu đi theo.

- Trong một chuyến viếng thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Phó Tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đã mang theo 52 triệu USD tiền mặt mà nguồn gốc và địa chỉ số tiền này chưa được xác định.

- Một bức điện của Đại sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv (Israel) báo cáo năm 2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ehud Barak của Israel có thông báo với các nghị sĩ rằng trước khi quân đội Israel mở chiến dịch tấn công dải Gaza (Hamas kiểm soát) vào cuối năm 2008, Israel đã tiếp xúc với Ai Cập và phong trào Fatah của Palestine để đề nghị sẵn sàng tiếp quản dải Gaza sau khi Hamas thất trận. Tuy nhiên, Ehud Barak đã nhận được câu trả lời từ chối.

HOÀNG DUY (Theo Le Monde, AFP, AP, Europe 1, Radio-Canada)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm