Nguyên do Trung Quốc muốn Hàn Quốc ‘đoạn tuyệt’ THAAD

Đầu tháng 6 vừa qua, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố rằng việc triển khai các bộ phận còn lại của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tới Hàn Quốc sẽ bị tạm dừng cho đến khi có các kết quả về đánh giá ảnh hưởng của hệ thống này đối với môi trường. Đây là lá chắn tên lửa mà quân đội Mỹ nhiều năm qua mong muốn lắp đặt tại Hàn Quốc nhưng cho đến nay chỉ có hai trong số sáu bệ phóng của hệ thống THAAD được triển khai tới huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, phía Đông Hàn Quốc, theo Yonhap.

Số phận của THAAD về đâu?

National Interest nhận định Seoul đã có những bước đi từ tốn nhằm tránh làm Bắc Kinh giận dữ trong quá trình triển khai hệ thống này. Trong khi đó, Trung Quốc lại dùng mọi sức ép để buộc Hàn Quốc dẹp bỏ hệ thống này. Tình cảnh này khiến Seoul đứng trước hai lựa chọn: Một là vẫn trung thành với THAAD của Mỹ, hai là phải vì Bắc Kinh mà gác lại.

Trên phương diện lời nói, Trung Quốc cho rằng hệ thống THAAD sẽ làm suy yếu an ninh của nước này và cũng chẳng ngăn chặn được mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Trên phương diện hành động, Trung Quốc cho đóng cửa một loạt cửa hàng Lotte cũng như tẩy chay hàng hóa, du lịch… của Hàn Quốc, buộc Seoul tìm đến con đường kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Một cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc hồi đầu tháng 3 năm nay. Ảnh: CNN

Tương tự Bắc Kinh, giới chính trị cánh tả tại Hàn Quốc cũng cho rằng việc triển khai THAAD là không cần thiết vì chương trình tên lửa của Triều Tiên không quá mạnh để phải dùng tới THAAD. Họ cho rằng người Triều Tiên cùng tổ tiên với người Hàn Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân để đẩy Hàn Quốc đến con đường diệt vong.

Do đó, khi ứng viên theo khuynh hướng cánh tả Moon Jae-in (đảng Dân chủ Tự do) lên nắm quyền, lực đẩy dẫn tới việc dừng hay làm chậm quá trình triển khai THAAD ngày càng mạnh dần. Và ông Moon cũng là người chỉ trích quyết định ký kết triển khai THAAD được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, người bị phế truất hồi tháng 3 vừa qua sau bê bối chính trị. Và đến thời điểm hiện tại, ông Moon đã dựng lên hai “rào chắn” khiến việc triển khai ngày càng chông gai hơn, đó là lý do luật pháp hiện hành của nước này và một cuộc đánh giá về tác động đối với môi trường.

National Interest nhận định đây gần như là “chiến thuật trì hoãn” mà Trung Quốc là người đứng sau dàn dựng. Bắc Kinh tận dụng sự trì hoãn của ông Moon để tìm ra các lý do buộc Seoul “khai trừ” THAAD nếu vị tân tổng thống Hàn Quốc thật sự muốn dừng kế hoạch này. Tuy nhiên, việc ông Moon dừng THAAD là gần như bất khả thi. Nếu ông Moon “khai tử” THAAD, ông sẽ đối mặt với những chỉ trích cho rằng ông phục tùng Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh vị tân tổng thống chỉ giành gần 41% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.

Tuy nhiên, thế tiến thoái lưỡng nan của ông Moon trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc mới hiện là thách thức lớn nhất đối với chính sách ngoại giao của Hàn Quốc trong tương lai. Seoul không thể nào có một lựa chọn tổng bằng không khi thực hiện chính sách với Washington và Bắc Kinh.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AFP       

Trung Quốc chỉ đang "nói quá"

Theo Robert Kelly, GS khoa học chính trị tại ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc đối với hệ thống THAAD gần như không mang tính chuyên môn. Bởi lẽ, THAAD không ảnh hưởng tới các vũ khí ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc chuyên được sản xuất để đối phó Mỹ. Các tên lửa được sử dụng bên trong THAAD không có tầm hoạt động như Trung Quốc nói. Hệ thống này cũng không thể cung cấp cho Mỹ bất kỳ năng lực tình báo, theo dõi, trinh sát (ISR) nào mới để có thể “giám sát, kìm kẹp” Trung Quốc.

Hơn nữa, Mỹ hiện đã sở hữu hệ thống vệ tinh tiên tiến hoàn toàn có khả quan sát các động tĩnh của Trung Quốc và sẽ nhanh chóng phát hiện nếu Bắc Kinh tiến hành một vụ phóng tên lửa nên không cần dùng tới THAAD. Ngoài ra, theo ông Kelly, không như radar I-band (loại radar tại các sân bay hay trong phim ảnh), radar X-band của THAAD không thể quay 360 độ để mà quan sát toàn diện một khu vực nào đó của Trung Quốc.

Đồng thời, việc Trung Quốc biện giải rằng THAAD có thể xâm nhập vùng đông bắc nước này cũng chỉ có lý một phần. Bởi lẽ việc chụp ảnh theo hình cong Trái đất đồng nghĩa với việc radar X-band, đặt tại Hàn Quốc, chỉ quét khu vực phía của Triều Tiên thì đã giới hạn. Như tên gọi, THAAD ngụ ý là một hệ thống được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đối phương khi chúng tiếp cận mục tiêu. Ông Kelly nhấn mạnh Trung Quốc cũng như Nga “nếu không có ý định tấn công Hàn Quốc hay các TP của Nhật Bản thì sẽ không có mối đe dọa nào đối với họ”.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tướng Lee Sun-jin cùng tướng Vincent K. Brooks, Tư lệnh liên quân Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), thăm địa điểm triển khai THAAD. Ảnh: DVIDSHUB

Tuy nhiên, việc lặp lại những lý giải này gần như không còn quan trọng vào thời điểm này bởi Trung Quốc biết rõ được điều đó. Bắc Kinh thật sự đã có nhiều thời gian cân nhắc và đi trước nhiều bước trước khi quyết định triển khai THAAD của bà Park gây ra các lo ngại. Và các lý do mà ông Moon viện ra cũng chỉ củng cố thêm thực tế rằng sự phản đối của Trung Quốc chỉ mang động cơ chính trị.

Tiến thoái lưỡng nan

Do đó, một lần nữa THAAD chỉ là “nạn nhân” trong thế cờ tiến thoái lưỡng nan của Hàn Quốc khi thực hiện chính sách với một bên là Mỹ và một bên là Trung Quốc. National Interest nhận định khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, nước này gây áp lực lên các quốc gia láng giềng, tương tự các nước lớn trong quá trình bành trướng ảnh hưởng của mình. Trung Quốc đã che đậy các chính sách gây áp lực này bằng chiếc vỏ bọc của những lý do vô lý – đó là THAAD ảnh hưởng tới an ninh Trung Quốc hay hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc phải chịu các biện pháp kiểm tra mới về an toàn và sức khỏe. Thật sự, Bắc Kinh muốn giới tinh hoa Hàn Quốc phải thấy được “nắm đấm thép” bên trong “chiếc găng tay mềm mỏng” của Bắc Kinh.

Khi khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xích gần, áp lực sẽ ngày càng đặt nặng lên các láng giềng Trung Quốc. Và khả năng của Hàn Quốc trong việc tìm ra một chính sách đối ngoại làm chiều lòng cả Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ngày càng khó hơn. THAAD và quyết định của chính quyền ông Moon Jae-in chỉ là màn dạo đầu trên con đường ngoại giao đầy trắc trở của Hàn Quốc. Sự lưỡng nan như thế này là một đặc điểm định hình chính sách ngoại giao của Hàn Quốc trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm