Nhà báo nhận “phí bịt miệng”

Nhà báo nhận “phí bịt miệng” ảnh 1

Hai phóng viên Trung Quốc choảng nhau để giành “bao lì xì” trong một cuộc họp báo - Ảnh:huanqiu.com

Ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông được xem như những thầy thuốc để giữ cho xã hội có sức khỏe tốt. Nhiệm vụ chính của truyền thông là giúp xã hội phát hiện và giải quyết những vấn đề. Thế nhưng, để hoàn thành được nhiệm vụ này, truyền thông cần có điều kiện tiên quyết, nghĩa là truyền thông cần phải luôn tỉnh táo. Đáng buồn thay, sức khỏe của các phương tiện truyền thông lại không được tốt lắm.

Thời báo Hoàn Cầu mô tả hiện nay có hàng ngàn nhà báo đang hoạt động ở khu vực nông thôn chỉ chuyên nghề nhận bao lì xì, thậm chí tống tiền các doanh nghiệp dưới mọi hình thức.

Nhà báo ăn tiền!

Chẳng cần phải tìm kiếm đâu cho xa xôi. Chuyện vụ án sữa nhiễm độc ở Trung Quốc đủ cho thấy những triệu chứng bệnh đang lây lan trong truyền thông. Năm 2004, nổ ra vụ “trẻ đầu to” sau khi uống sữa bột. 45 doanh nghiệp sản xuất sữa bị cơ quan chức năng và truyền thông đưa vào danh sách đen, trong đó nổi cộm nhất có Tập đoàn Tam Lộc. Song chỉ 17 ngày sau, tên của tập đoàn này đã được rút khỏi danh sách vụ bê bối này một cách khó hiểu.

Đến năm 2008, sự kiện sữa có melamine nổ ra làm sáu trẻ chết và hơn 300.000 trẻ nhiễm bệnh. Tập đoàn sữa Tam Lộc một lần nữa lại dính vào vụ bê bối này. Song, ngay sau đó có tin đồn doanh nghiệp này lại chi 3 triệu nhân dân tệ (471.255 USD) cho một số báo đài nhằm hoãn đăng tin đến một tháng để Tam Lộc có đủ thời gian “chạy thuốc” và giảm thiểu làn sóng bất bình trong dư luận!

“Một trong những người bạn của tôi nhận 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) từ một công ty bất động sản”- phóng viên một tờ báo ở Bắc Kinh cho biết. Người này kể đồng nghiệp của anh ta viết về những khuất tất trong việc xây dựng một khu dân cư, sau đó anh ta đã bắn tin cho chủ đầu tư biết vụ việc sẽ được đăng báo. Chủ đầu tư lập tức chuyển 10.000 nhân dân tệ cho đương sự và mọi việc được bỏ qua.

Báo cuối tuần Phương Nam cho rằng chính “phí bịt miệng” đã giúp vụ bê bối sữa của Tam Lộc chìm xuồng! “Phí bịt miệng” là loại phí phổ biến dùng bôi trơn mối quan hệ có qua có lại giữa doanh nghiệp và nhà báo, và nó có sức mạnh lũng đoạn khôn lường. Rõ ràng là trong “cuộc chơi” này, người tiêu dùng luôn ở thế yếu trước các doanh nghiệp làm ăn bất chính. Đáng sợ nhất là các doanh nghiệp này không chỉ có thể làm sai lệch sự thật, mà họ còn có thể huy động mọi ảnh hưởng có thể có được để vượt qua những hàng rào bảo vệ mà xã hội đã đặt ra.

Và không chỉ có chuyện sữa. Các tỉnh giàu tài nguyên như Sơn Tây, Thiểm Tây được mệnh danh là “mỏ vàng” của các nhà báo địa phương. Họ ngang nhiên tống tiền và nhận “phí bịt miệng” từ các doanh nghiệp khai thác than khi phát hiện những tiêu cực, nhất là khi có tai nạn hầm mỏ xảy ra. Thậm chí lan truyền tin đồn rằng có những nhà báo chỉ chờ đợi tai nạn xảy ra và chạy đến tống tiền các chủ hầm khai thác để đổi lấy sự im lặng hay sự châm chước.

Vương Quý Viễn, phóng viên tạp chí Năng Lượng thuộc Nhật báo Sơn Tây, cho biết “phí bịt miệng” gọi là “trà nước” giao tế mà cánh nhà báo ở tỉnh Sơn Tây đưa ra với các chủ hầm khai thác là khoảng 1.000 nhân dân tệ (157 USD).

Cục An toàn lao động Trung Quốc ghi nhận từ tháng 9-2010, các chủ hầm mỏ đã bưng bít được chín vụ tai nạn hầm mỏ làm 29 người chết bằng “phí bịt miệng” cho cánh nhà báo địa phương.

Nhà báo dỏm!

Thời báo Hoàn Cầu cho biết chỉ có 80 tờ báo lập văn phòng đại diện ở địa phương, nhưng có đến 1.000 người tự xưng là nhà báo, trong số này có không ít nhà báo dỏm. Họ vòi vĩnh tiền của doanh nghiệp khiến hình ảnh những nhà báo thực thụ trở nên xấu đi trong mắt người dân vùng nông thôn. Tháng 4-2010, cảnh sát Thiểm Tây đã bắt một phóng viên dỏm đang tống tiền một chủ hầm khai thác than 100.000 nhân dân tệ (15.708 USD). Theo báo Bưu Điện Buổi Sáng Bắc Kinh, do biết được điểm yếu của các chủ mỏ than rất sợ nộp phạt đến 2 triệu nhân dân tệ (314.170 USD) nếu để thất thoát ngòi nổ trong khai thác than, nhà báo dỏm này tuyên bố đã phát hiện nhiều kíp mìn của mỏ than này mà nếu không đưa tiền thì anh ta sẽ tung lên báo.

Tổng cục Báo chí và phát hành Trung Quốc (GAPP) trong năm 2010 đã phát hiện 160 bài báo viết bịa đặt và không chính xác từ các nhà báo dỏm. Vấn nạn này vẫn đang lan rộng bất chấp GAPP ra quy định rút thẻ nhà báo, thậm chí phạt tù đối với người vi phạm.

“Ăn đạo đức” để sống?

Trong lúc cơ quan chức năng cứ khăng khăng quy định, lên án đạo đức báo chí đang xuống cấp thì nhiều nhà báo thẳng thừng nói họ không thể nuôi gia đình bằng đạo đức khi mức lương hiện nay của họ quá thấp. “Chúng tôi không thể ăn đạo đức để sống” - một phóng viên ở Bắc Kinh nói.

Tại Bắc Kinh, phần lớn phóng viên có mức lương từ 3.000-5.000 nhân dân tệ/tháng (471-785 USD), số khác chỉ nhận chưa tới 2.000 nhân dân tệ (314 USD). Tiền lương quá thấp mà chi phí cuộc sống ở Bắc Kinh quá cao khiến nạn “bao lì xì” trao tay dưới bàn trở thành nguồn thu phụ mà thành chính của nhiều phóng viên.

“Nhiều phóng viên đang mất niềm tin vào ngành truyền thông. Phóng viên thường không biết họ làm gì sau này và việc thiếu đạo đức nghề nghiệp là không giới hạn”- giáo sư Trương Ngọc Cường, Trường đại học Viễn thông Trung Quốc, nhận xét.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một phóng viên giấu tên của một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc tiết lộ nhiều đồng nghiệp của anh còn làm ông kẹ, bà kẹ khi đến vùng nông thôn tác nghiệp. “Họ hành xử giống như các quan chức chính quyền trung ương về địa phương công tác và người dân phải đối đãi, cung phụng họ để được báo cáo tốt về địa phương mình. Đầu óc họ bận suy nghĩ việc kiếm tiền hơn là viết tin bài” - phóng viên này nói.

Theo Mỹ Loan (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm