Nỗi sợ bay như nỗi sợ sau vụ khủng bố 11-9-2001?

Đến ngày 24-7, máy bay AH5017 của Algeria rơi ở Mali. Một cú sốc lớn đối với ngành hàng không quốc tế.

Mạng lưới An toàn hàng không của Mỹ dự báo năm 2014 sẽ là một trong những năm chết chóc nhất của ngành hàng không từ sau vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn số liệu từ Công ty Tư vấn hàng không Ascend Worldwide (Mỹ) cho thấy nếu tính tai nạn máy bay AH5017 thì tổng số nạn nhân chết trong tai nạn hàng không từ đầu năm đến nay đã tăng lên 763 người trong khi năm 2013 chỉ 265 người và số người thiệt mạng bình quân 10 năm gần đây là 376 người.

Giám đốc Paul Hayes của Công ty Ascend Worldwide dự báo sắp tới nhiều khả năng ngành hàng không sẽ có thêm thảm họa và số người chết cả năm 2014 có thể vượt trên con số cao nhất trong gần một thập niên nay là 916 người năm 2005.

GS Joseph D’Cruz ở ĐH Toronto (Canada) nhận định thảm họa hàng không có thể khiến mọi người sợ bay giống như nỗi sợ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Tuy nhiên, báo USA Today (Mỹ) dẫn lời Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế của Canada (IATA) Tony Tyler cho rằng độ an toàn của máy bay thương mại vẫn ở mức cao.

Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 100.000 chuyến bay thương mại. Trong năm 2013 đã có hơn 3 tỉ lượt người bay trên 36,4 triệu chuyến. Số liệu của IATA cho thấy năm 2013 đã xảy ra 81 vụ tai nạn máy bay thương mại, cao hơn 75 vụ trong năm 2012 (năm an toàn nhất trong lịch sử ngành hàng không) nhưng con số này vẫn thấp hơn số vụ bình quân năm năm gần đây là 86 vụ/năm.

GS William Morrison tại ĐH Wilfrid Laurier (Canada) nhận xét dí dỏm rằng với ông, đi xe đến sân bay mới là đoạn đường nguy hiểm nhất chứ không phải đi máy bay.

Nhà phân tích hàng không và di chuyển Henry Harteveldt thuộc Công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghiệp di chuyển Atmosphere Research Group (Mỹ) nhận định chuyện ba máy bay gặp nạn trong một tuần chỉ là ngẫu nhiên.

Theo ông, mọi người nên an tâm nếu tỉnh táo nhận ra các thảm họa máy bay vừa rồi không liên quan nhiều đến kỹ thuật. Máy bay MH17 rơi do trúng tên lửa. Máy bay của Đài Loan rơi trong thời tiết bão lớn.

Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về nghiên cứu, giáo dục hàng không FSF (Mỹ) Jon Beatty cho biết ông cảm thấy lạc quan là các thảm họa không xảy ra vì cùng một nguyên nhân, do đó không nên kết luận thảm họa mang tính hệ thống. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tỉ lệ máy bay có thể sẽ tăng vì ngành hàng không đang mở rộng phát triển, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tuần tới, lãnh đạo ngành hàng không toàn cầu sẽ họp ở Canada để thảo luận kế hoạch an toàn và an ninh từ tai nạn máy bay MH17 bị bắn.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm