Nước cờ 'nóng tên lửa, lạnh đàm phán' của Triều Tiên

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA trong một bài viết ngày 17-8 khẳng định phát triển vũ khí là giải pháp đúng đắn để loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp đối với an ninh nước này và sẽ được triển khai khi "một cuộc chiến thực sự" nổ ra. 

Một ngày trước đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết CHDCND Triều Tiên đã phóng hai vật thể không xác định từ tỉnh Kangwon về phía biển Nhật Bản. JCS thông báo quân đội Hàn Quốc (HQ) đang theo dõi tình hình phòng trường hợp có thêm các vụ phóng khác trong tư thế sẵn sàng. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó lên tiếng khẳng định họ không thấy bất cứ "mối đe dọa an ninh nào" từ vụ phóng nêu trên. Được biết đây là vụ thử tên lửa thứ sáu của Binh Nhưỡng trong ba tuần gần đây. Bình Nhưỡng gọi những vụ thử này là "lời cảnh báo mạnh mẽ" tới cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, bắt đầu từ hôm 11-8 vừa qua.

Cũng trong ngày 16-8, nước này ra tuyên bố sẽ không bao giờ ngồi lại đàm phán với HQ cũng như từ chối lời mời nối lại đối thoại nhằm đưa hai miền thống nhất trước năm 2045 được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra một ngày trước đó. 

Lỗi ở ông Trump?

“Thay vì lên án những vụ thử tên lửa này đã vi phạm các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra đồng thời đe dọa các đồng minh của Mỹ, Tổng thống Trump lại có những phát ngôn như thể ông ấy không quan tâm gì lắm khi cho rằng chúng không thể tấn công đến Mỹ được” - TS Kim Sung-han, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại HQ, phát biểu với tờ The New York Times.

Ông Kim khẳng định những động thái của chủ nhân Nhà Trắng đang đẩy “các nước đồng minh và lực lượng Mỹ trong khu vực vào thế yếu trước những tên lửa của Triều Tiên”.

Hôm 9-8, trả lời phỏng vấn về các vụ phóng tên lửa gần đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông “không có vấn đề gì”. “Chưa có vụ thử nào là tên lửa hạt nhân. Tất cả vụ phóng cũng đều là những tên lửa tầm ngắn, không có tên lửa đạn đạo hay tên lửa tầm xa” - ông Trump cho biết. Tổng thống Mỹ cũng đã từng đưa ra các phát biểu tương tự vào tháng trước, khi Triều Tiên mới bắt đầu chuỗi thử tên lửa.

Bên cạnh những lo ngại về thái độ của ông Trump sẽ khiến Bình Nhưỡng xem đây là một sự “đồng ý ngầm” từ phía Mỹ để tiếp tục các động thái của mình, nhiều chuyên gia còn cảnh báo đây có thể là một cơ hội để Triều Tiên phát triển các loại vũ khí tối tân hơn gây khó khăn cho liên quân Mỹ-Hàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử ngày 30-6. Ảnh: AP


“Bình Nhưỡng muốn cải thiện công nghệ tên lửa càng hiện đại càng tốt để chiếm lợi thế trước khi nối lại đàm phán với Mỹ” - chuyên gia về Triều Tiên Lee Byong-chul thuộc ĐH Kyungnam (HQ) nhận xét. Theo thông tin tình báo của Seoul về các vụ phóng tên lửa những gần đây, Triều Tiên đã công bố hai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới và một hệ thống phóng tên lửa dẫn đường đa nòng thế hệ mới, đánh dấu một cột mốc mới trong việc phát triển công nghệ quân sự của nước này.

Dù vậy, một số nhà phân tích đánh giá cao khi cho rằng ông Trump đã làm đúng khi không phản ứng thái quá trước các diễn biến ở bán đảo Triều Tiên. Những chuyên gia này nhấn mạnh cần hết sức thận trọng để không làm hỏng các kết quả và cơ hội đàm phán đạt được trong những lần đối thoại trước bất kể sức ép từ Triều Tiên.

“Có thể họ đang lựa chọn tập trung nỗ lực để khôi phục đối thoại” - ThS quan hệ quốc tế Duyeon Kim chia sẻ với trang tin Vox. Tuy vậy, bà cũng cảnh báo Washington nên có thái độ cứng rắn hơn trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.

Cánh cửa đối thoại

“Theo quan điểm của tôi, ông Kim không thật sự muốn gây hấn với Mỹ, bản thân ông ấy cũng không muốn phá bỏ những kết quả đạt được. Do đó, Triều Tiên đã chuyển đối tượng nhắm đến sang HQ, họ giống như một con tin mỗi khi Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ” - chuyên gia Choi Jin-wook tại ĐH Hankook (HQ) trả lời tờ Asia Times.

The New York Times nhận định HQ trong mắt Triều Tiên đã không còn là một quốc gia lý tưởng để đàm phán về vấn đề giải trừ hạt nhân mà nhiều khả năng là do Triều Tiên cho rằng HQ đã không thật sự có thiện ý.

Một trong số đó là việc Bình Nhưỡng cho rằng Seoul cố tình trì hoãn không triển khai các dự án kinh tế mà lãnh đạo hai miền đã đề ra vào năm 2018, bên cạnh những chỉ trích về tập trận chung Mỹ-Hàn gần đây.  

“Bình Nhưỡng có vẻ đang muốn tuyên bố rằng những thiện chí của họ không phải là hàng miễn phí mà cần phải được đền đáp bằng các động thái kinh tế hay quân sự tương xứng. Nếu họ đối thoại với HQ vào lúc này thì như thế sẽ giống như báo hiệu cho Mỹ biết rằng tình hình trên bán đảo vẫn ổn. Bình Nhưỡng không muốn như thế, họ muốn Washington phải liên tục lo lắng” - TS Go Myong-hyun thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á (HQ), cho biết theo trang tin NK News.

Dù vậy, ông cũng lưu ý không nên xem việc Triều Tiên lạnh nhạt với HQ là một sự kiện quá ngạc nhiên, mà đã từng có nhiều tiền lệ trong quan hệ hai miền.

Trong khi đó, cựu chuyên gia phân tích dữ liệu về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Minyoung Lee nhận định hiện tại chính quyền Seoul không có nhiều giải pháp khi đối mặt với tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên. Bà cho rằng HQ đã tự đi vào ngõ cụt khi chọn đứng ngoài trong khi ông Trump và ông Kim đàm phán ở cả hai kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều. Điều duy nhất mà Seoul có thể làm là tái khởi động dự án kinh tế liên Triều nhưng điều này chắc chắn sẽ làm phật ý Mỹ. 

Ngoài ra, theo GS Yang Moo-jin thuộc ĐH Kyungnam, Mỹ và HQ cũng không thể loại trừ trường hợp đây là một thông điệp gián tiếp của Triều Tiên nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ của Mỹ trong bất kỳ các cuộc đối thoại tương lai nào về chương trình hạt nhân của nước này, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.