Ông Kim thăm Trung Quốc, chuyện gì tiếp theo?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa có chuyến thăm Trung Quốc (TQ) thứ ba trong vòng ba tháng. Chuyến thăm kéo dài hai ngày, theo nguồn tin của CNN.

Tiếp ông Kim ngày 19-6, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hoan nghênh kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore, rằng đây là “một bước quan trọng tiến đến đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên”.

Trong ngày 20-6, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA nói ông Kim và ông Tập đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về giải trừ hạt nhân và các vấn đề khác đề cập trong thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: THX

KCNA không nói chi tiết quan điểm của hai lãnh đạo về phương thức giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, điều này cũng không lạ vì truyền thông Triều Tiên thường chờ đến khi ông Kim về nước mới đưa tin chi tiết hơn về sự việc.

Muốn được Trung Quốc hỗ trợ chính trị, kinh tế

Chuyến thăm TQ lần này của ông Kim đến đúng một tuần sau khi ông gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12-6, và chỉ một ngày sau khi Mỹ xác nhận đã hủy cuộc tập trận chung Người bảo vệ tự do Ulchi với Hàn Quốc vào tháng 8 tới.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ và TQ hết sức căng thẳng khi hai bên thi nhau tuyên bố đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau.

Với một Triều Tiên còn đang vật lộn với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thì “sự hỗ trợ chính trị và kinh tế của TQ đặc biệt quan trọng”, theo chuyên gia về Triều Tiên Zhao Tong tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa (Bắc Kinh).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: AFP

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: AFP

Thời điểm chuyến thăm của ông Kim là thông điệp rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của TQ với Triều Tiên, cũng như vị trí trung tâm của TQ trong ngoại giao Đông Á.

“Dù quan hệ với ông Trump có thân mật nhưng ông Kim vẫn hiểu ông Tập có ảnh hưởng lớn ở châu Á. Ông Kim đang tính toán thực dụng rằng TQ có thể hỗ trợ để giúp Triều Tiên gắn kết về ngoại giao và kinh tế với Đông Bắc Á” - nhà phân tích chính trị Yanmei Xie, tại Công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics (TQ), nhận định.

Chuyến thăm TQ thứ ba của ông Kim làm dấy lên câu hỏi điều gì sẽ xảy ra sau thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore. Theo Washington Post, trong chuyến thăm này khả năng lớn ông Kim đề nghị ông Tập dỡ bỏ trừng phạt. Với tình hình hiện tại Triều Tiên ngưng thử hạt nhân, Mỹ-Hàn ngưng tập trận, TQ có thể nghĩ đến khả năng này dù Mỹ luôn phản đối.

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp vợ chồng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: THX

Vợ chồng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tiếp vợ chồng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: THX

Theo nhà phân tích cấp cao về châu Á Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), ông Kim muốn được dỡ bỏ trừng phạt và muốn chắc chắn về sự ủng hộ của TQ khi Triều Tiên chuẩn bị thương lượng giải trừ hạt nhân với Mỹ. Phần mình, ông Tập muốn được chính ông Kim nói về kết quả thượng đỉnh với Mỹ.

Chưa biết TQ sẽ quyết định thế nào. Thăm TQ tuần trước, họp báo cùng Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói TQ “hiểu các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được duy trì đến khi nào giải trừ hạt nhân hoàn tất”.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong bữa tiệc tối 19-6. Ảnh: THX

Tuy nhiên, vấn đề giờ là chưa có sự thống nhất về định nghĩa “giải trừ”. Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân mà nước này đã mất rất nhiều năm xây dựng - điều mà nhiều chuyên gia cho rằng không có khả năng xảy ra.

Trong khi đó TQ không đặt nặng chuyện buộc ông Kim từ bỏ hạt nhân bằng chuyện đưa Triều Tiên vào được quỹ đạo của mình. Theo nhiều chuyên gia, cuối cùng có thể TQ sẽ dùng thương mại và đầu tư để kìm giữ ông Kim.

Chuyến thăm này khác gì hai chuyến thăm trước?

Thêm nữa, theo chuyên gia Zhao, TQ còn có khả năng giúp ông Kim bình thường hóa vị trí ngoại giao của Triều Tiên, bắt đầu bằng việc đối đãi với ông Kim như các nguyên thủ các nước khác.

Chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 3, ông Kim sang TQ bằng tàu lửa. TQ giữ kín tin tức, hình ảnh và chỉ công bố khi ông Kim đã rời đi.

Đoàn xe chở ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: CNN

Đoàn xe chở ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 19-6. Ảnh: CNN

Chuyến thăm thứ hai hồi tháng 5, hình ảnh hai ông Kim và Tập đi dạo, trò chuyện bên bờ biển TP Đại Liên không được công bố đến khi ông Kim rời TQ.

Tuy nhiên, đến chuyến thăm thứ ba này, từ tối 19-6, truyền thông nhà nước TQ đã công bố các bức ảnh của ông Kim được ông Tập tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi ông Tập thường tiếp đón các nguyên thủ khác. Đây là lần đầu tiên TQ công bố hình ảnh ông Kim và ông Tập giữa lúc chuyến thăm đang diễn ra.

Chuyện truyền thông nhà nước hai bên thông báo về chuyến thăm của ông Kim trước và trong chuyến thăm cho thấy hai bên đang cố tạo dựng một hình ảnh bình thường cho ông Kim trước cộng đồng quốc tế, theo ông Evans Revere - cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.