Tại sao TQ gửi đoàn cấp thấp đến Đối thoại Shangri-La?

Không như mọi năm, năm nay Trung Quốc (TQ) gửi một phái đoàn cấp thấp đến dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore. Đây là một trong những diễn đàn an ninh quan trọng thuộc hàng bậc nhất thế giới với sự tham gia của khoảng 50 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phái đoàn TQ tham dự hai Đối thoại Shangri-La trước được Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương TQ, dẫn đầu. Phái đoàn năm nay chỉ bao gồm khoảng hơn 10 học giả quân sự - phái đoàn khiêm tốn nhất của TQ trong bốn năm trở lại đây. Dẫn đầu phái đoàn là một chuẩn tướng đang là phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự quân đội TQ.

Năm ngoái, phái đoàn của ông Tôn đã có tới 17 cuộc gặp bên lề. Năm nay phái đoàn TQ chỉ có một cuộc gặp với đại diện Singapore và không có bài phát biểu quan trọng nào tại diễn đàn.

Trong khi đó, phái đoàn của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La lần này do chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dẫn đầu. Bộ trưởng Mattis có bài phát biểu tại phiên làm việc hôm nay (3-6) và dự kiến ông sẽ làm rõ chính sách của chính phủ Trump với khu vực. Không chỉ Mỹ, các nước Úc, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật, Malaysia, New Zealand, Philippines... cũng gửi bộ trưởng Quốc phòng.

Đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: SCMP

Đại diện TQ tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: SCMP

Việc TQ đưa phái đoàn cấp thấp sang dự diễn đàn lần này dẫn tới nhiều đồn đoán. Truyền thông nước ngoài cho rằng lý do là vì mâu thuẫn ngoại giao giữa TQ với Singapore cuối năm ngoái. Tháng 11-2016, chín xe bọc thép của Singapore đã bị giữ tại Hong Kong sau khi tập trận ở Đài Loan. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh ngày 2-6 bác bỏ, nói rằng do sắp xếp khối lượng công việc.

South China Morning Post (SCMP) dẫn một số nguồn tin từ quân đội TQ rằng sở dĩ vậy là vì TQ phải dồn lực cho đối nội và chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới, các lãnh đạo quân đội quá bận rộn với áp lực công việc trong nước.

“Năm nay có quá nhiều sự kiện lớn, như kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội, trong khi đó quá trình cải cách quân đội lại đang gấp rút khiến các lãnh đạo càng bận hơn” - theo một nguồn tin. SCMP cho biết quân đội TQ hứa năm sau sẽ gửi phái đoàn cấp cao hơn.

Nhiều nhà phân tích quân sự TQ cũng đồng tình khả năng này.

“Quá trình cải cách quân đội đang ở thời điểm then chốt. Các quan chức quân đội đang bận rộn để đảm bảo hiệu quả hoạt động của quân đội sau khi cải cách. Vì thế không ngạc nhiên khi không có quan chức cấp cao tham dự Đối thoại Shangri-La” - SCMP dẫn nhận định một nhà phân tích.

Theo một nguồn tin khác thì sự kiện đại hội đảng mùa thu này cũng là một lý do khiến TQ không gửi quan chức cấp cao đến Singapore. Đại hội đảng lần này rất quan trọng khi sẽ diễn ra sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo TQ.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Chen Gang tại ĐH Quốc gia Singapore, có vẻ TQ đang quay lại thói quen đã có trước thời điểm 2007, chỉ phái các nhà nghiên cứu quân sự đến Đối thoại Shangri-La. Và lý do của điều này là vì chuyện biển Đông.

“Một lý do có thể là vì các vấn đề khu vực như biển Đông đã lắng xuống, TQ không cảm thấy áp lực phải bảo vệ quan điểm và vị thế của mình tại sự kiện” - theo chuyên gia Chen Gang.

Đối thoại Shangri-La từng là một diễn đàn để quân đội TQ tiếp xúc với quân đội các nước Đông Nam Á, đặc biệt trong các thời điểm căng thẳng quanh tranh chấp biển Đông gia tăng. Tại diễn đàn hai năm qua ông Tôn luôn phát biểu với giọng điệu hòa giải với các láng giềng châu Á, trong nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Điểm nóng tại diễn đàn lần này đã chuyển từ biển Đông sang Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates bên lề Đối thoại Shangri-La năm 2011. Ảnh: DIPLOMAT

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates bên lề Đối thoại Shangri-La năm 2011. Ảnh: DIPLOMAT

Một lý do nữa, theo Diplomat là vì TQ đã có kinh nghiệm không tốt đẹp khi đưa phái đoàn cấp cao sang Đối thoại Shangri-La. Năm 2011 là năm TQ đưa phái đoàn cấp cao nhất đến diễn đàn với sự dẫn đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt.

Thời điểm đó có suy nghĩ TQ đã có chủ trương sẽ gửi phái đoàn cấp cao đến Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên, đến năm 2012 phái đoàn đại diện TQ lại không có bộ trưởng Quốc phòng.

Về điều này, theo Diplomat, lý do là vì phái đoàn ông Lương đã gặp không ít khó khăn tại diễn đàn năm 2011. Phái đoàn ông Lương đã gặp chỉ trích vì đã có những bài phát biểu mờ nhạt tránh kích thích các vấn đề gây tranh cãi và rời khỏi sân khấu mà không trả lời câu hỏi nào từ bên dưới. Bản thân ông Lương đã bị đưa vào thế phải tự vệ khi chịu chỉ trích từ các nước cùng tranh chấp biển Đông. Chưa hết, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Robert Gates đã nhân diễn đàn để nhấn mạnh chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ, khẳng định với các nước rằng sẽ không bỏ qua quyền lợi của Mỹ - một quốc gia Thái Bình Dương. Rõ ràng TQ không thoải mái với trải nghiệm này và quyết định hạ cấp phái đoàn tham gia lần sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm