Tấn công Hàn Quốc: Triều Tiên không dọa suông?

Tấn công Hàn Quốc: Triều Tiên không dọa suông? ảnh 1

Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận nhằm ứng phó nguy cơ bị Triều Tiên tấn công ở thành phố Paju hôm 11-3. Ảnh: AP
Mark Fitzpatrick, Giám đốc Chương trình Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London - Anh, cho biết các cường quốc đang ngày càng quan ngại về những đe dọa “chết chóc” từ phía Bình Nhưỡng.

“Những đe dọa mà Triều Tiên đưa ra ngày càng nghiêm trọng bởi các vũ khí đạn đạo của họ đã có thể vươn tới Nhật và Hàn Quốc. Chưa rõ các thiết bị của Bình Nhưỡng đã có thể đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hay chưa nhưng những tuyên bố gần đây cho thấy họ có xu hướng sẽ khai hỏa đầu tiên” - ông Fitzpatrick nói.

Nhà phân tích này nhận định nếu Triều Tiên quyết định tấn công trước trong vài tuần tới là khá nguy hiểm vì cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn đang tiếp tục. Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng cuộc tấn công sẽ diễn ra vào giai đoạn sau đó nhưng cũng trong năm nay. Một khi Triều Tiên nổ súng trước, Hàn Quốc nhất định sẽ đáp trả và theo tuyên bố của Seoul, đòn trả đũa lần này sẽ mạnh hơn.

Ông Bruce Klingner, giới chức Quỹ Heritage ở Washington, người từng có thời gian hoạt động tại cơ quan tình báo Mỹ, nhận định: Soi lại lịch sử các cuộc đụng độ trên bán đảo Triều Tiên cho thấy không thể loại bỏ khả năng Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc, bởi điều này đã có tiền lệ.

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng cũng không ít lần lên tiếng đe dọa vào Hàn Quốc và lần nào họ cũng không chỉ dừng lại ở lời nói. Chẳng hạn, sau các vụ đụng độ hải quân với Hàn Quốc năm 1999 và 2009, Triều Tiên đều tuyên bố sẽ trả đũa và thực tế sau đó đã có đổ máu xảy ra, đáng chú ý nhất là vụ tấn công làm 50 người Hàn Quốc thiệt mạng năm 2010 mà Seoul khẳng định là do Bình Nhưỡng gây ra.

Các chuyên gia còn nhận định kể từ khi mối quan hệ với Trung Quốc không còn được như trước, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh nhất trí lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vừa qua, những đe dọa từ Triều Tiên có phần khắc nghiệt hơn. Trong một chương trình trả lời phỏng vấn trên CBS News hôm 13-3, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng Trung Quốc đang tính toán lại chính sách với Triều Tiên vì sự thất vọng của Bắc Kinh đối với chính sách "bên miệng hố chiến tranh" hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tuy nhiên, động thái mới nhất từ phía Bình Nhưỡng lại cho thấy họ vẫn đang hướng về Bắc Kinh. Hôm qua, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-Un, đã chúc mừng Tổng Bí thư Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn khẳng định duy trì lập trường trước sau như một "coi trọng và củng cố" mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Mỹ lo ngại thỏa thuận khoa học Triều Tiên-Iran

Theo Nhật báo Phố Wall, giới chức Mỹ đang cảnh báo về một thỏa thuận hợp tác khoa học giữa Triều Tiên và Iran ký hồi tháng 9-2012 được cho là tương tự thỏa thuận mà Triều Tiên đã ký với Chính phủ Syria năm 2002 và sau đó, Triều Tiên bắt đầu bí mật xây dựng một lò phản ứng hạt nhân sản xuất pluton ở miền Đông Syria. Thỏa thuận này mới được giới chức Mỹ đưa vào tầm ngắm sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 3 hôm 12-2.


Theo Thu Hằng Tổng hợp (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm