Thẩm An Na - Điệp viên xuất sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Thẩm An Na - Điệp viên xuất sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc ảnh 1

Vợ chồng Thẩm An Na chụp tại Nam Kinh, năm 1946. 
 
 Một quyết định thay đổi cuộc đời

Thẩm An Na sinh năm 1915 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại tỉnh Giang Tô. Năm 1932, cô thi đậu vào Trường cao đẳng Thương mại Nam Dương, Thượng Hải. Như là định mệnh, Thẩm An Na đã gặp và kết bạn với Hoa Minh Chi, trải qua một thời gian quen biết, anh mới tiết lộ anh là điệp viên nằm vùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và rất muốn Thẩm An Na tham gia tổ chức tình báo. Không cần phải đắn đo suy nghĩ nhiều, Thẩm An Na lập tức nhận lời.

Năm 1934, do không có đủ tiền đóng học phí nên Thẩm An Na quyết định thôi học ở Trường cao đẳng thương mại Nam Dương để chuyển sang theo học môn tốc ký có mức học phí thấp. Chính quyết định này đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời hoạt động tình báo của cô sau này.

Cuối năm đó, Chính phủ Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu có nhu cầu tuyển gấp một tốc ký viên. Nhờ có khả năng ghi nhanh siêu việt và chữ viết tuyệt đẹp nên Thẩm An Na đã vượt qua hàng trăm ứng viên khác để được tuyển vào làm việc tại Phòng Thư ký.

Thời gian sau, nhờ được Hoa Minh Chi huấn luyện, Thẩm An Na bắt đầu dùng một loại thuốc nước đặc biệt để ghi phía sau các trang thư gửi về nhà, toàn bộ các báo cáo, kế hoạch, vũ khí trang bị, quân số, bản đồ quân sự của Quốc dân đảng. Ngoài việc gửi thư, Thẩm An Na còn lấy lý do về quê thăm gia đình để gặp Hoa Minh Chi nhận chỉ thị. Cuối năm 1935, được sự chấp thuận của Vương Học Văn, người trực tiếp chỉ đạo hoạt động tình báo, Thẩm An Na và Hoa Minh Chi  bí mật tổ chức kết hôn ở Thượng Hải.

Gia nhập Quốc Dân đảng để thu tin tình báo chiến lược

Từ 1935 đến 1936, đế quốc Nhật đẩy mạnh hoạt động xâm lược Trung Quốc. Do phải đi sơ tán nên vợ chồng Thẩm An Na mất liên lạc với tổ chức. Tuy nhiên, cả hai không vì thế mà sao nhãng việc thu thập tin tình báo.

Đặc biệt, để có thể thu thập được các tin tình báo có giá trị chiến lược, Thẩm An Na đã trực tiếp gặp Chu Gia Hóa, Tổng thư ký Đảng bộ trung ương Quốc dân đảng bày tỏ “nguyện vọng gia nhập và cống hiến cho Quốc dân đảng”. Vì Đảng bộ trung ương Quốc dân đảng đang thiếu một tốc ký viên nên ngày hôm sau, mọi thủ tục gia nhập Quốc dân đảng của Thẩm An Na được nhanh chóng hoàn tất.

Tháng 8/1938, Tưởng Giới Thạch đưa Chính phủ Quốc dân đảng về đóng tại Trùng Khánh (Tứ Xuyên). Vợ chồng Thẩm An Na cũng vì thế mà xuôi thuyền về Trùng Khánh. 

Tốc ký viên thân cận của vợ chồng Tưởng Giới Thạch

Ngày 21/1/1939, Đại hội khóa 5 Quốc dân đảng khai mạc tại Trùng Khánh. Thẩm An Na được bố trí ngồi cạnh bàn của Chủ tịch đại hội Tưởng Giới Thạch. Sau lần đó, có vẻ như Tưởng Giới Thạch rất có cảm tình với người tốc ký viên nên đã tiến cử Thẩm An Na tham dự hàng loạt các cuộc họp quan trọng của Quốc dân đảng Qua mỗi lần tham dự, Thẩm An Na lại có thêm cơ hội để thu thập các tin tình báo giá trị.  

Năm 1942, Từ Trọng Hàng, người chỉ đạo thứ 2 của vợ chồng Thẩm An Na không may bị Quốc dân đảng bắt nên vợ chồng cô bị mất liên lạc với tổ chức. Gần một năm sau, Thẩm An Na được giao phụ trách thêm công việc tốc ký tại Ủy ban chỉ đạo phụ nữ vận động cuộc sống mới nên cô thường xuyên có cơ hội tốc ký các bài phát biểu của Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch).

Sau mỗi bài phát biểu, Thẩm An Na lại tỉ mỉ chau chuốt từng câu chữ, tiêu đề bài phát biểu nên rất được lòng Tống Mỹ Linh. Thậm chí bà Tống Mỹ Linh còn nhiều lần mời Thẩm An Na đến tư dinh chơi hoặc cho cô những món quà giá trị.

Tháng 3/1946, Tưởng Giới Thạch liên tiếp tổ chức 2 hội nghị quân sự tối cao nhằm bàn biện pháp tấn công lực lượng chủ lực của Bát lộ quân và Tân tứ quân. Ngoài ra, hội nghị cũng xác định lại cách bố trí quân sự, điều phối binh lực của Quốc dân đảng. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề nên Thẩm An Na tìm cách nhanh chóng gửi tin tình báo về đại bản doanh của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An.

Tháng 6/1946, trong một hội nghị cao cấp của Quốc dân đảng, khi đề cập đến một số vấn đề hết sức tuyệt mật, Tưởng Giới Thạch đề nghị tất cả mọi người không được nghi chép, Thẩm An Na cũng không phải là ngoại lệ. Thẩm An Na chỉ còn cách tranh thủ giờ giải lao, cô lẻn vào nhà vệ sinh để ghi lại toàn bộ những thông tin cơ mật vừa được Tưởng Giới Thạch nói ra.

Đêm hôm ấy, cô lại nhanh chóng gửi tin về Diên An. Những thông tin vô cùng giá trị này tiết lộ toàn bộ kế hoạch phát động cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Quốc dân đảng vào hầu hết các khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Tháng 4/1949, vợ chồng Thẩm An Na nhận được chỉ thị của tổ chức yêu cầu không được cùng Quốc dân đảng rút chạy về phía Nam mà phải nhanh chóng rời Nam Kinh về Thượng Hải. Đúng một tháng sau, Thượng Hải được giải phóng.

Thẩm An Na chính thức kết thúc hoạt động thu thập tin tình báo trong lòng địch suốt 15 năm. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, vợ chồng Thẩm An Na được Đảng và Bộ Tình báo Trung ương Trung Quốc khen thưởng đặc biệt về những chiến công xuất sắc, đồng thời điều cô về công tác tại Cục An ninh Quốc gia.

Năm 2003, ông Hoa Minh Chi qua đời. Định cư ở ngoại ô phía tây thủ đô Bắc Kinh, năm nay mặc dù đã ở tuổi 94, mái tóc đã bạc phơ nhưng đầu óc Thẩm An Na vẫn rất minh mẫn. Bà vẫn thường xuyên đọc báo, xem bản tin thời sự và vui đùa cùng các cháu ngoại

Theo Thái Dũng ( ANTG, Tân Hoa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm