Tham nhũng đất đai đang gia tăng

Báo cáo lấy số liệu điều tra từ 69 nước, chủ yếu là các nước đang phát triển. Tại 61/69 nước, tham nhũng đất đai đang tăng. Cứ hỏi 10 người thì một người thú nhận có hối lộ khi gặp các quan chức để giao dịch đất đai.

Tại Ấn Độ, tiền hối lộ trong lĩnh vực đất đai mỗi năm lên tới 700 triệu USD. Ở Kenya, Bộ Đất đai là một trong bốn bộ nhận hối lộ nhiều nhất. Gần 58% người dân đến giao dịch đất đai bị yêu cầu đưa hối lộ và 1/3 đã làm theo.

Báo cáo nhận định tham nhũng đất đai đang diễn ra trên quy mô rộng và ở nhiều cấp. Tham nhũng đất đai thường gắn với tham nhũng trong hành chính công và cơ quan nhà nước, từ hối lộ để đăng ký quyền sở hữu đất đến thu thập thông tin về quy hoạch.

Tại Mexico, hối lộ trong lĩnh vực đất đai thuộc nhóm 10 hành vi hối lộ được thực hiện nhiều nhất. Tại Bangladesh, quản lý đất đai là một trong ba lĩnh vực có tỉ lệ nhận hối lộ cao nhất. Báo cáo ghi nhận:

- Tham nhũng đất đai đã làm tăng chi phí giao dịch đăng ký, chuyển quyền sở hữu đất.

- Nước nào có bộ máy cầm quyền tham nhũng sẽ trở thành nước thu hút đầu tư phát triển nhiên liệu sinh học nhiều nhất.

- Nước nào có chất lượng cầm quyền càng tệ thì tham nhũng cấp cao càng nhiều và chắc chắn tham nhũng đất đai.

- Tham nhũng đất đai sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.

Báo cáo cho rằng quản lý đất đai hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn tham nhũng đất đai, hỗ trợ an ninh lương thực và bảo đảm sinh kế bền vững cho dân, đặc biệt là dân sống phụ thuộc vào đất đai và nông nghiệp.

Theo báo cáo, về bản chất, muốn xử lý tham nhũng đất đai cần phát triển chất lượng cầm quyền. Và các nước phải cải cách chính sách đất đai vì đó là giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng quản lý đất đai.

Bước cải cách chính sách đất đai đầu tiên cần có là công nhận về pháp lý quyền sở hữu đất đai của dân để bảo vệ đất khỏi bị xâm chiếm bất hợp pháp. Bước thứ hai là phát triển hệ thống đăng ký và chứng nhận quyền sở hữu đất theo xu hướng minh bạch và hiệu quả hơn.

Báo cáo đề nghị các nước cần thiết lập một hệ thống quản lý đất đai minh bạch, dễ tiếp cận và có trách nhiệm. Các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Phòng chống tham nhũng và các cơ quan thi hành luật pháp cần tôn trọng và giám sát hệ thống này.

Theo báo cáo, xoay chuyển tình trạng quản lý kém trong lĩnh vực đất đai là quá trình dài hạn, liên tục, cần có thiện chí và cam kết chính trị. Công dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông phải chung tay với chính phủ tìm ra giải pháp thích hợp.

ĐĂNG KHOA (Theo FAO.org, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm