Thăm Saudi Arabia sau 12 năm, ông Putin muốn gì?

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Saudi Arabia hôm nay 14-10 (giờ địa phương). Đây là lần thứ hai ông Putin đến Saudi Arabia kể từ sau chuyến thăm đầu tiên năm 2007.

Có thể hình dung thái độ của Nga với Trung Đông hiện là bảo vệ Iran, ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chỉ trích Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen. Trong bối cảnh này, chuyến thăm của ông Putin tới Saudi Arabia bề ngoài có thể xem là một động thái nhằm cân bằng rủi ro nhưng thực tế đây là một bước đi thực dụng căn cứ vào quyền lợi đôi bên, đài RT nhận định.

Nhiều khác biệt

Quan hệ giữa Nga với Saudi Arabia có vẻ luôn giậm chân tại chỗ, chưa thấy có dấu hiệu tốt hơn, dù ông Putin từng được nhìn thấy trò chuyện thân mật với thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tại các cuộc họp quốc tế, từng công khai nói về sự hòa hợp của mình với ông Salman và cả với quốc vương Saudi Arabia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tại hội nghị G20 ở Osaka (Nhật) ngày 29-6. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tại hội nghị G20 ở Osaka (Nhật) ngày 29-6. Ảnh: REUTERS

Quan hệ lỏng lẻo giữa Nga và Saudi Arabia có thể nhìn thấy rõ qua kinh tế, con số trao đổi thương mại hai bên vẫn tương đối thấp. Dù thời gian gần đây con số này có phần tăng lên - tăng 15% trong năm 2018 và 38% từ đầu năm 2019 đến nay. Hai bên cũng bàn về chuyện hợp tác mở một cơ sở khai thác dầu chung trị giá 1 tỉ USD, cũng như một số thỏa thuận đầu tư.

Một điểm chú ý nữa, Nga là một đồng minh của Iran - đối thủ chính của Saudi Arabia trong khu vực và là kẻ thù số một của đồng minh chính của Saudi Arabia - Mỹ. Saudi Arabia quy trách nhiệm cho Iran trong vụ hai nhà máy lọc dầu của mình bị tấn công tháng trước và đồng ý cho Mỹ đưa quân vào lãnh thổ mình để ngăn chặn hành động khiêu khích của Iran.

Saudi Arabia là nước dẫn đầu liên quân Ả Rập đưa quân can dự nội chiến Yemen theo yêu cầu của chính phủ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, đánh nhóm phiến quân Houthi - đồng minh của Iran.

Saudi Arabia cũng đứng về phía đối ngược với Nga trong nội chiến Syria. Trong khi Nga ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad thì Saudi Arabia ủng hộ và vũ trang cho các nhóm dân quân nổi dậy chống chính phủ.

Trong khi đó dễ dàng nhận thấy dấu hiệu rõ ràng Saudi Arabia vẫn chịu ảnh hưởng của Mỹ, ít nhất trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Chỉ vài ngày trước Saudi Arabia bác đề xuất của ông Putin (dù về hình thức là nói đùa) rằng nước này nên mua hệ thống phòng không của Nga. Và mới đây Saudi Arabia đồng ý để Mỹ triển khai thêm 3.000 quân và một lượng lớn vũ khí, khí tài đến nước mình.

Đến lúc phá băng?

Thời gian gần đây Nga có vẻ quan tâm cải thiện quan hệ với Saudi Arabia, điều không nhìn thấy trong hơn hai thập niên qua, thời điểm ông Putin bắt đầu điều hành một nước Nga khủng hoảng kinh tế nặng nề và ưu tiên giải quyết các vấn đề của mình để chiếm lại vị thế trên trường quốc tế.

Năm 2017 Nga từng tiếp Quốc vương Salman của Saudi Arabia sang thăm để bàn giải pháp chính trị cho nội chiến Syria, dù hai nước đứng về hai phía đối đầu nhau trong cuộc xung đột này. Theo nhiều nhà quan sát thì có thể Saudi Arabia không muốn bỏ qua cơ hội làm thân với một sức mạnh lớn, đặc biệt khi ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông ngày càng tăng.

“Điều thay đổi trong vài năm qua là ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông. Nó tăng lên rất nhiều và rất nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đã tìm kiếm quan hệ với Nga trong những năm qua và nhìn nhận Nga như một sức mạnh ở khu vực” - theo chuyên gia Ammar Waqqaf, nhà sáng lập và Giám đốc tổ chức Gnoso chuyên nghiên cứu về Syria và Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Quốc vương Salman của Saudi Arabia đến thăm Nga năm 2017. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp quốc vương Salman của Saudi Arabia đến thăm Nga năm 2017. Ảnh: REUTERS

Trong trường hợp cụ thể Saudi Arabia, quan hệ giữa nước này và Nga còn có thêm một kênh nữa để phát triển, đó là trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong cuộc trả lời phỏng vấn một số đài truyền hình Ả Rập gần đây ông Putin có nhắc đến cam kết phát triển quan hệ với Saudi Arabia trong khuôn khổ OPEC.

Ngoài ra, theo chuyên gia Waddaf, bên cạnh hợp tác về dầu khí thì “rất nhiều nước cũng đang cân nhắc chuyện mua bán vũ khí với Nga”.

Tuy nhiên, với trường hợp Saudi Arabia, theo nhà báo Ali Rizk chuyên viết về Trung Đông thì còn còn quá sớm để nói nghiêm túc đến chuyện Saudi Arabia mua hệ thống phòng không như S-400 của Nga.

Theo nhà báo Rizk, quan hệ giữa Saudi Arabia với Mỹ và đặc biệt với Quốc hội Mỹ đã rất xấu, từ sau vụ công dân Jamal Khashoggi của Saudi Arabia - cây viết của tờ Washington Post (Mỹ) bị giết trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà báo Rizk nói ông không nghĩ phía Saudi Arabia sẽ liều lĩnh khiến quan hệ tệ hơn nữa với việc mua vũ khí Nga.

Hơn nữa, theo chuyên gia Nga Grigory Lukyanov, một khi mua hệ thống phòng không của Nga, Saudi Arabia sẽ buộc phải thay hệ thống phòng không của Mỹ mà mình đã mua.

“Đó không chỉ là rất đắt mà còn là một quyết định địa chính trị quyết liệt, tôi không nghĩ Saudi Arabia có thể quyết định như vậy ở thời điểm này” - theo chuyên gia Lukyanov, dù hệ thống phòng không của Mỹ có không hoàn hảo đi nữa.

Saudi Arabia sở hữu gần cả trăm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mua của Mỹ nhưng vẫn không ngăn được vụ hai nhà máy lọc dầu của mình bị tấn công.

Ông Putin thực sự muốn gì?

Nhiều chuyên gia đồng ý Nga - đang chủ trương làm bạn với tất cả các nước ở Trung Đông - có vị thế hoàn hảo để làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran. Tuy nhiên, ông Putin đã bác bỏ vai trò này và theo các chuyên gia thì rõ ràng ông Putin không muốn tích cực can dự vào chính trị khu vực, điều không ảnh hưởng trực tiếp đến Nga và các cơ hội của Nga.

“Vì có quan hệ rất hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, kể cả Iran và các nước Ả Rập như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, chúng tôi chắc chắn có khả năng giúp chuyển tiếp các thông điệp của các bên và họ có thể nghe được quan điểm của nhau. Nhưng vì tôi có quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước này, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng họ không cần bất kỳ lời khuyên hay sự trung gian nào” - ông Putin khẳng định lại quan điểm của Nga trong cuộc phỏng vấn với một nhóm đài truyền hình Ả Rập cuối tuần rồi.

Hành động đập tay gây chú ý giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia (đứng quay lưng), vừa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) vừa bước vào phòng, tại hội nghị G20 ở Buenos Aires năm 2018. Ảnh: AFP

Hành động đập tay gây chú ý giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia (đứng quay lưng) vừa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) bước vào phòng, tại hội nghị G20 ở Buenos Aires năm 2018. Ảnh: AFP

Ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn rằng điều ông muốn làm nhất là “đưa ra một số ý tưởng từ quan điểm của một người bạn”.

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu hàng đầu của Nga là tìm bạn bè để có sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, chứ không phải lôi kéo đồng minh để chống lại các đối thủ khác trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.