Thử thách ngoại giao đối với Myanmar

Báo Wall Street Journalcủa Mỹ ngày 10-5 (giờ địa phương) đã nhận định như trên.

Báo dẫn lời TS Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) ghi nhận Myanmar bị đặt vào tình thế cực kỳ khó khăn vì với tư cách là nước chủ tịch ASEAN, Myanmar vừa phải duy trì đoàn kết trong các nước thành viên ASEAN vừa phải để cho các nước thành viên này mà đặc biệt là Philippines và Việt Nam vận động phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc vừa mới xảy ra trên biển Đông.

Trong khi đó, Myanmar lại không muốn chọc giận Bắc Kinh bởi lẽ Trung Quốc đang là nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar. Nếu Myanmar làm phật ý Trung Quốc, Bắc Kinh có thể trừng phạt Myanmar bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho các nhóm sắc tộc thiểu số phản đối chính phủ Myanmar hoặc có thể cắt giảm đầu tư và viện trợ kinh tế cho Myanmar.

Chuyên gia Tôn Vân ở Trung tâm Stimson (tổ chức tư vấn an ninh toàn cầu ở Mỹ) nhận định Myanmar sẽ kiên quyết không trở thành một Campuchia thứ hai (ám chỉ vai trò chủ tịch của Campuchia thất bại trong hội nghị ASEAN năm 2012) nhưng Myanmar cũng không để ASEAN trở thành diễn đàn chống Trung Quốc mạnh mẽ.

Chuyên gia Maung Zarni ở ĐH Kinh tế London (Anh) nhận định trong thời gian Myanmar giữ cương vị nước chủ tịch ASEAN, Trung Quốc sẽ tiếp tục đề cập đến Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông và xem đây như chiến thuật ngắn hạn nhằm kiểm soát tổn hại trong quan hệ với ASEAN.

Ông dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục không cam kết bất cứ điều gì ràng buộc hoặc hạn chế khả năng của Trung Quốc trong khai thác thương mại ở biển Đông, hạn chế xây dựng các căn cứ ở biển Đông cũng như hạn chế cản trở hoạt động kinh tế và quân sự của các bên tranh chấp khác trong khu vực.

Ông ghi nhận: “Myanmar có thể độc lập hơn Campuchia nhưng vẫn chưa đủ độc lập để Myanmar hành xử theo cách làm phật lòng hay chọc tức Bắc Kinh về vấn đề biển Đông”.

Trong khi đó, PGS Sean Turnell ở ĐH Macquarie (Úc) nhận định Myanmar sẽ chịu được sức ép của Trung Quốc hiệu quả hơn Campuchia. Lý do giải thích là một phần người dân Myanmar oán ghét nhiều khía cạnh trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở Myanmar, phần khác họ cũng tin rằng chính phủ Myanmar trước đây đã mặc cả thua thiệt trong những lần đàm phán thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm