Thụy Điển bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Thụy Điển là một quốc gia được xếp hạng thấp vì có ít vấn đề liên quan đến tham nhũng. Mặc dù không có nhiều điều luật quy định trực tiếp về bảo vệ người tố cáo tham nhũng song những kinh nghiệm của Thụy Điển trong công tác này rất đáng để học hỏi.

Từ vụ Bofors…

Vào năm 1984, để hiện đại hóa quân đội, Chính phủ Ấn Độ chấp thuận một dự án trang bị đại bác tầm xa cho quân đội. Có hai công ty sản xuất vũ khí của châu Âu đã được Bộ Quốc phòng Ấn Độ cân nhắc để ký hợp đồng mua đại bác tầm xa loại 155mm trị giá đến 650 triệu rupee, đó là Công ty Sofma của Pháp và Công ty Bofors của Thụy Điển.

Lúc đầu ưu thế giành được hợp đồng nghiêng về Công ty Sofma do loại đại bác của công ty này sản xuất có tầm bắn xa đến 29,2km, trong khi đại bác cùng loại do Công ty Bofors sản xuất chỉ có tầm bắn xa tối đa là 21,5km. Yêu cầu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ là trang bị loại đại bác có tầm bắn xa tối đa 30km. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, đến năm 1986, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng S.K Bhatnagar lại quyết định chọn Công ty Bofors để ký hợp đồng...

Vụ việc sẽ không bị vỡ lở nếu như không có lời tiết lộ của một kỹ sư làm việc tại công ty Bofors vào năm 1984 về việc Công ty Bofor đã buôn bán vũ khí bất hợp pháp sang Ấn Độ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, sau những tiết lộ về vụ làm ăn bê bối này, người kỹ sư lại bị dư luận lên án. Dư luận đã lên án và đổ lỗi cho người làm việc tốt.

Đến năm 1987, vụ tai tiếng về việc mua đại bác của Công ty Bofors, còn gọi là vụ tai tiếng Bofors hay vụ án Bofors mới bắt đầu bùng nổ khi các báo The Hindu và India Express mở các cuộc điều tra và đã phát hiện việc Công ty Bofors đã đưa hối lộ cho một số quan chức của Bộ Quốc phòng để đạt hợp đồng bán vũ khí cho Bộ Quốc phòng là có cơ sở. Và lúc này, nhà nước Thụy Điển đã phải sửa đổi Luật Bí mật thương mại cho phù hợp hơn với tình hình mới.

Điều luật ít, vẫn hiệu quả

Thụy Điển không có luật nào cụ thể về bảo vệ người tố cáo nhưng so với nhiều nước, Thụy Điển có cơ chế bảo vệ và mạng lưới an toàn tốt cho người tố cáo. Cơ chế này được xây dựng bằng 2 yếu tố cơ bản là điều kiện chính thức (tổng trạng của rất nhiều điều luật, quy định, chính sách) và điều kiện không chính thức (xã hội dân chủ công khai và sự bôi bác của xã hội với hành vi tham nhũng).

Các điều kiện chính thức và không chính thức cho phép hệ thống tố cáo hoạt động tại Thụy Điển và mạng lưới an toàn là những phần tạo nên môi trường thân thiện với người tố cáo. Bà Hồ Mỹ Dung (Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam) cho biết, khi điều tra tham nhũng ở một xã hội như Thụy Điển - nơi nhận thức về tham nhũng gần như không có - điều quan trọng là phải dựa vào những công cụ điều tra không chính thức như tố cáo chẳng hạn.

Về điều kiện chính thức, có 3 điều luật chính thức để bảo vệ người muốn công bố những sai trái ở nơi làm việc của mình. Đầu tiên là Luật Tự do báo chí và Luật cơ bản về Tự do biểu đạt. Thứ hai là Luật Bảo vệ lao động.

Theo Luật Tự do báo chí, Thụy Điển có những quy định đặc biệt được gọi là “quyền tự do giao thiệp”. Quy định này áp dụng với mọi người song có vai trò quan trọng với công chức và những người liên quan đến bộ máy công quyền. “Tự do báo chí” nghĩa là mọi người được tự do biểu đạt bằng những văn bản viết như sách, báo. Nếu có vi phạm hình sự trong những ấn phẩm này, chỉ có một người phải chịu sự trừng phạt và đó thường là tác giả của ấn phẩm. Tất cả những người khác tham gia vào ấn phẩm có vi phạm hình sự kia về nguyên tắc không phải chịu trách nhiệm.

Quy định này cũng áp dụng với người cung cấp thông tin đã được công bố trên các ấn phẩm và liên quan đến quyền truyền đạt thông tin về phía người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ trong quyền truyền đạt thông tin, bao gồm không được phép cung cấp thông tin cho công chúng bằng sách báo nếu người cung cấp thông tin phạm tội hình sự nghiêm trọng chống lại an ninh quốc gia (ví dụ, làm gián điệp); không được phép cố tình công bố tài liệu mật; không được phép cố tình vi phạm những nghĩa vụ liên quan đến giữ bí mật (không thay thế quyền trao đổi thông tin). Nghĩa vụ giữ bí mật có thể thế chỗ quyền trao đổi thông tin được liệt kê trong Luật Giữ bí mật. Các ngoại lệ khác đối với quyền này được ghi trực tiếp trong Luật Tự do báo chí.

Bảo vệ quyền tự do biểu đạt trên các phương tiện như cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình), phim ảnh, bản ghi âm, ghi hình… được quy định trong Luật cơ bản về Tự do biểu đạt từ ngày 1-1-1992. Đạo luật này dựa trên những nguyên tắc cơ bản như Luật Tự do báo chí.

Luật Bảo vệ lao động thì bảo vệ người tố cáo không bị mất việc vì sử dụng quyền tự do thông báo của mình. Trong Luật quy định rõ không ai được cho người lao động thôi việc trừ phi có bằng chứng rõ ràng rằng hết việc cho họ làm hoặc người bị đuổi việc do không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, nếu người lao động tố cáo thì hành động đó không phải lý do thích đáng để bị đuổi việc. Trong vụ Bofors, người tố cáo đã được nhận vào làm sau khi quyết định cho anh nghỉ việc bị bãi bỏ vì không có lý do thích đáng.

Phát triển mạnh các tổ chức xã hội

Các điều kiện bảo vệ không chính thức là một thể mạng lưới an toàn được xây dựng không phụ thuộc vào các cấu trúc chính thức mà phụ thuộc vào các lực lượng xã hội để pháp luật được thực thi đúng mức. Thụy Điển có tổ chức công đoàn mạnh, đấu tranh để bảo vệ quyền lao động của các đoàn viên, các cơ quan báo chí mạnh, sự liên quan ràng buộc với các giá trị dân chủ (như công dân hoàn toàn có thể dùng quyền tự do và các quyền khác). Ngoài ra là sự miệt thị của cả khu vực công lẫn khu vực tư với hành vi tham nhũng.

Một phần quan trọng khác của bảo vệ không chính thức là khả năng thành lập tổ chức phi chính phủ của bất kỳ cá nhân nào. Nói cách khác, một xã hội dân chủ mạnh cũng là nhân tố vô cùng cần thiết để bảo vệ người tố cáo. Gần như không có quy định hay thủ tục rắc rối nào hạn chế người tố cáo trong việc thành lập tổ chức phi chính phủ làm việc trực tiếp hay gián tiếp với những hoạt động này.

Vài điểm cần cải cách

Tuy nhiên, mỗi người đều phải nhận thức được vị trí nhiều xung đột của một công chức nhà nước hay một người làm cho doanh nghiệp tư nhân khi có tố cáo một hành vi sai trái. Khi đó, họ bị mắc kẹt giữa sự trung thành với nhân dân và tuân thủ pháp luật cũng như phải trung thành với cấp trên trong công việc.

Về mặt này, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đều phải có quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức rõ ràng để có thể bảo vệ hành động tố cáo trong mọi trường hợp. Mặc dù vậy, theo những giá trị dân chủ, trong những trường hợp xảy ra xung đột như vậy thì lợi ích công phải được ưu tiên chứ không cần phải trung thành với công ty, bộ hay bất kỳ cơ quan hành chính công nào nơi người đó làm việc.

Hiến pháp Thụy Điển đã quy định rõ các quyền dân chủ và tự do cơ bản của công dân. Điều đó có nghĩa là công dân phải được đòi hỏi xem chính quyền quản lý như thế nào. Đối với nhà nước, để đáp ứng những yêu cầu về quản trị tốt, điều quan trọng nhất là bảo đảm tính cởi mở, công khai trong xã hội. Trong xã hội công khai và cởi mở, công chức thường được coi là “người gác cổng cho nền dân chủ” vì họ đóng vai trò then chốt trong việc thông báo những sai trái trong bộ máy hành chính công.

Thụy Điển phải mượn từ “whistleblower” (người tố cáo) trong tiếng Anh. Điều đó cho thấy tố cáo đúng là một khái niệm mới ở Thụy Điển. Có rất nhiều cách định nghĩa về tố cáo và cách định nghĩa thông thường hiện nay ở quốc gia này: “Người tố cáo là người thấy lỗi, vi phạm pháp luật hay hành động thiếu minh bạch trong cơ quan, tổ chức của người đó và công bố điều này trên diễn đàn công cộng như trên báo chí”.

Theo Cẩm Vân (website Bộ Tư pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm