Tổng thống đắc cử Indonesia sẵn sàng đương đầu Trung Quốc

Quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một trong những thách thức ngoại giao lớn nhất của ông Joko Widodo. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 5-8 ghi nhận như trên.

Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng ông Joko Widodo đắc cử tổng thống. Dù vậy, lần giao thiệp tới giữa hai bên có thể sẽ không nồng ấm như thế nữa sau khi ông Joko Widodo nhậm chức vào ngày 20-10 tới.

Trong hộ chiếu mới cấp năm 2012, Trung Quốc đã in đường chín đoạn xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở quần đảo Natuna. Đến nay Indonesia vẫn không công nhận đường chín đoạn và đã đề nghị LHQ làm rõ tính pháp lý của đường chín đoạn này.

Tập đoàn PT Pertamina của Indonesia đang cùng các đối tác gồm Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và Tập đoàn Total (Pháp) chuẩn bị kế hoạch phát triển các lô khí đốt ở Đông Natuna với trữ lượng ước tính 1,6 tỉ m3.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Với tư cách là nhà lãnh đạo của nước lớn nhất ASEAN, tân Tổng thống Joko Widodo có thể sẽ bị Trung Quốc gây áp lực lớn để buộc phải thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa theo bản đồ đường chín đoạn.

Bloomberg dự đoán Tổng thống Joko Widodo cũng có thể sớm gặp phải thách thức như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong tháng Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lần đưa tàu xâm nhập vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

TS Scott Harold thuộc tổ chức tư vấn Rand Corp (Mỹ) nhận định: “Họ (Trung Quốc) sẽ sớm thúc ép để xem có thể ép buộc các nước khác nhượng bộ điều gì không”. Ông lưu ý Trung Quốc có xu hướng thúc ép với hầu hết các nhà lãnh đạo mới để mong đạt được điều mong muốn.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 21-7, ông Joko Widodo đã từng nói Trung Quốc có vấn đề không chỉ với Indonesia mà còn với một số nước thành viên ASEAN.

Trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Tổng thống Prabowo Subianto, ông khẳng định ông sẽ bảo vệ chủ quyền Indonesia và ông xem toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của quốc gia không thể thỏa hiệp.

PGS Bilveer Singh ở Đại học quốc gia Singapore nhận định: “Ông Joko Widodo muốn chứng tỏ ông là người tự chủ. Ông cũng muốn chứng tỏ chủ nghĩa quốc gia và thể hiện rằng ông sẵn sàng đương đầu Trung Quốc”. PGS Bilveer Singh dự báo ông Joko Widodo sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm Yudhoyono, người luôn hòa giải về vấn đề biển Đông và thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.

GS Jean-Pierre Cabestan ở Đại học Tẩm Hội (Hong Kong) cho rằng Tổng thống Joko Widodo sẽ tích cực hơn trong nỗ lực thống nhất chiến lược của ASEAN nhằm cân bằng tham vọng của Trung Quốc.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm