Triều Tiên ‘chớp thời cơ’ phóng tên lửa

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo vào sáng 14-5 từ Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Vụ phóng tên lửa mới nhất này đã phủ bóng đêm lên sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của Trung Quốc và làm gián đoạn các nỗ lực hướng tới nối lại đối thoại về chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Các nhà quan sát nhận định rằng vụ phóng lần này cho thấy Bình Nhưỡng đang cố câu thêm thời gian để phát triển thêm nữa công nghệ tên lửa và củng cố quyền lực của nước này trước mọi cuộc đàm phán.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa hôm 14-5. Ảnh: SCMP

Triều Tiên phóng tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung loại mới vào 5 giờ 27 phút sáng (giờ Seoul) ngày 14-5. Tên lửa bay được khoảng 30 phút và đạt đến độ cao 2.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, cách biên giới Nga chừng 500 km.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ trước khi Trung Quốc khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường”. Đây là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tầm nhìn của ông về toàn cầu hóa trước các nhà lãnh đạo và phái đoàn đến từ hàng chục quốc gia. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị, ông Tập đã nói rằng Trung Quốc và Nga cam kết tiến hành giải pháp chính trị đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh phản đối vụ phóng tên lửa và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh làm căng thẳng trong khu vực tồi tệ.

Vài giờ sau vụ phóng tên lửa, chính quyền Mỹ nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông cáo cũng kêu gọi Nga chú ý vấn đề này.

“Hàn Quốc và Nhật Bản đang theo dõi sát sao tình hình cùng với chúng tôi. Mỹ vẫn duy trì cam kết vững chắc đứng bên cạnh các đồng minh của chúng tôi để đối mặt với các đe dọa nghiêm trọng đến từ Triều Tiên. Với việc tên lửa tác động quá gần đất Nga, gần lãnh thổ Nga hơn lãnh thổ Nhật, tổng thống Mỹ không thể hình dung ra được Nga có thể hài lòng” - thông cáo của Nhà Trắng cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi vụ phóng tên lửa là “mối đe dọa nghiêm trọng cho Nhật”, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo cuộc đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng chỉ có thể diễn ra nếu Triều Tiên thay đổi thái độ.

Sun Xingjie, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại ĐH Cát Lâm, Trung Quốc, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chớp lấy thời gian tạm lắng trong căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để thúc đẩy chương trình vũ khí nước này.

“Đó thực sự là thời điểm hoàn hảo. Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình những ngày này là tổ chức hội nghị thượng đỉnh nói trên, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vướng vào vụ lùm xùm sa thải Giám đốc FBI James Comey… không ai để ý đến ông Kim. Nếu các quốc gia khác không phối hợp hành động, Triều Tiên có lẽ sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này, giả vờ như muốn đối thoại trong khi thực hiện thêm nhiều vụ phóng tên lửa” - chuyên gia Sun nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (từ trái sang) tham dự bữa tiệc tại hội nghị thượng đỉnh "Một vành đai, một con đường" hôm 14-5. Ảnh: TASS

Tuy nhiên, theo Cai Jian, chuyên gia về nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Fudan, vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng không có khả năng kích động một cuộc đối đầu quân sự.

“Trung Quốc đã tuyên bố rõ rằng giải pháp quân sự là bất khả thi” - ông Cai nói thêm rằng đối với hiện nay, Bình Nhưỡng còn lâu mới có thể trở thành mối đe dọa thực sự cho lãnh thổ Mỹ.

“Về cơ bản, Bình Nhưỡng muốn nắm lấy lá bài mặc cả càng nhiều càng tốt trước khi ngồi xuống bàn đàm phán” - ông Cai khẳng định.

Mặc dù Nhà Trắng kêu gọi áp lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, song Trung Quốc dường như không thể thúc đẩy các biện pháp hiện tại mà nước này đang  sử dụng chống lại Triều Tiên, theo chuyên gia Cai. “Phóng thử tên lửa về cơ bản khác với một vụ thử hạt nhân và Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận nghị quyết của Liên Hiệp Quốc” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm