Trung Quốc phản bác G7, Nhật bắt tay liên minh

Trong phần “Duy trì một hệ thống đặt nền tảng trên các quy định và bảo đảm an ninh trong khu vực hàng hải”, Tuyên bố chung G7 có một đoạn toàn văn như sau:

“Chúng tôi khẳng định duy trì một hệ thống đặt nền tảng trên các quy định trong lĩnh vực hàng hải dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc đã được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển.

Chúng tôi quan ngại các căng thẳng đang gia tăng trên biển Hoa Đông và biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như việc sử dụng hợp pháp, tự do và không cản trở đối với các đại dương trên thế giới.

Chúng tôi kiên quyết phản đối sử dụng dọa nạt, cưỡng ép hoặc vũ lực, đơn phương áp đặt biện pháp nhằm tìm cách đảo ngược nguyên trạng cũng như tôn tạo đất đai trên quy mô lớn. Chúng tôi ủng hộ Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao G7 về an ninh hàng hải (ngày 15-4) đã công bố tại Lubeck”.

Người phát ngôn Hồng Lỗi cho rằng Tuyên bố chung G7 không nêu cụ thể nước nào nhưng các nước phương Tây đã chỉ đích danh Trung Quốc là nước liên quan phần lớn đến vấn đề biển Đông. Người phát ngôn khăng khăng cho rằng Trung Quốc duy trì tự do hàng hải và tự do bay qua trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Rốt cuộc người phát ngôn vẫn bám lấy luận điệu cũ rích rằng hoạt động tôn tạo các đảo nhân tạo trên biển Đông chủ yếu nhằm mục đích dân sự, thế nhưng lại thừa nhận các chức năng quân sự của các cấu trúc trên các đảo này có bản chất phòng thủ. Người phát ngôn kết luận cộng đồng quốc tế sẽ bình luận côngminh. Vậy các nước nhận xét thế nào?

Đài truyền hình New Delhi ở Ấn Độ đưa tin ngày 9-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki thông báo hành vi hung hăng của Trung Quốc đã được thảo luận rất lâu tại diễn đàn ba bên Ấn Độ-Úc-Nhật ở New Delhi và ba bên đều lo ngại hành động của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông cho rằng Tokyo cần xem xét lập liên minh chiến lược để đối phó với một Trung Quốc đầy hiếu chiến. Cùng ngày tại Ấn Độ, trong cuộc gặp song phương với Bí thư Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar, Thứ trưởng Akitaka Saiki nhận định Trung Quốc đang tỏ ra rất hung hăng và muốn tự khẳng định là cường quốc. Ông nhấn mạnh an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và biển Đông phải được liên kết với an ninh của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như một tổng thể thống nhất.

Câu trả lời đã rõ, liệu trên thế giới có mấy nước ủng hộ Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên biển Đông để uy hiếp tự do hàng hải?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm