Ủng hộ hàng nội hay bảo hộ?

Thông tư khuyến khích công sở mua sắm hàng công nghệ cao trong danh mục ưu đãi là hàng có chứng nhận ứng dụng công nghệ Trung Quốc hay được cải tiến tại Trung Quốc. Doanh nghiệp có hàng ngoài danh mục vẫn có thể tham gia đấu thầu nhưng không được ưu đãi khi thẩm định, xét duyệt thầu. Danh mục được chia ra các nhóm thiết bị vi tính, thông tin liên lạc, thiết bị văn phòng, phần mềm, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ trương trên thuộc chiến lược dài hạn phát triển công nghệ trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nghiên cứu-phát triển và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủng hộ hàng nội hay bảo hộ? ảnh 1

Thiết bị vi tính của hãng Lenovo được người dân thồ ra chợ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại châu Âu lo ngại nảy sinh môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hơn 1.000 công ty châu Âu tại Trung Quốc. Và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc nếu muốn tham gia các dự án mua sắm công.

Hồi đầu tháng 12, hơn 30 tổ chức doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã đồng ký tên vào thư phản đối Trung Quốc đang đi ngược lại cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và bảo đảm công khai trong mua sắm công. Đầu năm nay, do bị phản ứng, Trung Quốc đã từng hoãn thực hiện quy định buộc các nhà sản xuất phải cài phần mềm nội địa Đập Xanh (lọc các trang web đen) cho máy tính cá nhân bán tại Trung Quốc.

Nhiều nước vẫn chủ trương ưu tiên sử dụng hàng nội. Tuy nhiên, ưu đãi hàng hóa dựa vào nguồn gốc sở hữu trí tuệ trong nước như Trung Quốc đã làm là điều bất thường, thậm chí gây bất lợi cho công ty Trung Quốc đang ứng dụng công nghệ nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, trong năm 2008 chính phủ đã chi 88 tỉ USD cho mua sắm công. Chỉ tính riêng thiết bị tin học đã chiếm 14% trong 40 triệu máy vi tính cá nhân tiêu thụ hằng năm. Chính phủ Trung Quốc cũng là khách hàng chính đối với các phần mềm hợp pháp trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa ký thỏa thuận không phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài trong mua sắm công.

MINH NHỰT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm