Vào hang ổ cướp biển Somalia

Ngày 17-11 vừa qua, cướp biển Somalia đã phóng thích con tàu Alakrana của Tây Ban Nha và 36 thành viên thủy thủ đoàn để nhận 2,7 triệu euro tiền chuộc. Số tiền nói trên đã được hải tặc tiêu xài vào các đám cưới và các cuộc truy hoan.

Vào hang ổ cướp biển Somalia ảnh 1

Hải quân Pháp bắt giữ cướp biển ngoài khơi Somalia Ảnh: REUTERS

Làm đám cưới

Theo trang web Russia Today (Nga), sau khi tàu Alakrana được phóng thích, một phóng viên của báo Tây Ban Nha El Mundo đã đột nhập sào huyệt của cướp biển ở thị trấn Harardhere, thuộc tỉnh Mudug ở miền Trung Somalia. Nằm cách thủ đô Mogadishu khoảng 300 km về hướng Bắc, Harardhere là một trong những sào huyệt chính được cướp biển dùng làm nơi giam giữ các con tàu.


Dân số nơi đây chủ yếu là thành viên thị tộc Hawiye, thị tộc lớn nhất ở Somalia. Hầu hết cư dân thị trấn này đều có liên quan đến các hoạt động gắn liền với cướp biển. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, con số cướp biển Somalia không quá 1.200 tên.


Nhà báo Tây Ban Nha nói trên tá túc trong một khách sạn địa phương để quan sát hành vi của bọn cướp. Chủ khách sạn kể với anh: “Họ mới tổ chức tám đám cưới trong một ngày. Tất cả chú rể đều là cướp biển”.


Hầu hết cướp biển đều có ba hoặc bốn vợ. Số vợ phụ thuộc vào của cải của đương sự. Ở vùng đất này, mơ ước của hầu hết phụ nữ địa phương là lấy được một cướp biển làm chồng. 

Cô Khabibo Salad, 17 tuổi, vợ của một cướp biển gần đây đã bị hải quân Đức bắt giữ, giải thích: “Trước đây, chúng tôi không thể làm đám cưới bởi vì chúng tôi sống nghèo khổ.

Khi ấy, cuộc sống khó khăn và tình hình không an toàn. Phụ nữ chúng tôi lúc nào cũng cần sự yêu thương và tiền bạc. Trong khi đó, cướp biển có nhiều tiền và họ cũng thể hiện tình yêu của họ đối với chúng tôi”.


Thế nhưng, đám cưới ở Harardhere vẫn cứ diễn ra trước khi cướp biển nắm được tiền trong tay. Hầu hết các chú rể đều tổ chức tiệc vui bằng các khoản vay nợ vì họ trông chờ vào món tiền chuộc họ sẽ nhận được từ chủ các con tàu bị chiếm giữ.


Súng đạn và truy hoan


Theo quan sát của nhà báo nói trên, sau khi cướp biển phóng thích tàu Alakrana và nhận tiền chuộc, ngoài tám đám cưới diễn ra trong một ngày, thị trấn Harardhere còn diễn ra những cuộc truy hoan tưởng chừng như bất tận. 


Nếu như có phụ nữ nào không muốn gắn chặt với cướp biển bằng mối dây ràng buộc hôn nhân, họ còn có một lựa chọn khác. Cô Khabibo Salad bộc bạch: “Ngày nay, các cô gái có thể bước vào hôn nhân hoặc chấp nhận lối sống “ăn bánh trả tiền”, như nhiều cô vẫn làm”.

Theo Russia Today, cướp biển đồng ý chi một số tiền khá lớn, khoảng 2.500 euro, cho cô gái nào chịu tham gia vào cuộc truy hoan của họ.


Các cướp biển còn tận hưởng những tiện nghi mà các cư dân khác ở thị trấn Harardhere khó có thể có được. Chẳng hạn, chỉ những ngôi nhà ở của họ mới có điện bởi vì họ sử dụng máy phát điện lấy từ các con tàu bị chiếm giữ.


Bên cạnh đó, Harardhere luôn là một làng chài hoạt động nhộn nhịp và nổi tiếng về tình trạng vô luật pháp. Theo AFP, đây là nơi người ta sử dụng súng thay cho bất kỳ hình thức quyền lực nào khác. “Khi ở Mogadishu, anh phải kiếm ra tiền, còn khi ở Harardhere, anh chỉ dùng súng”. Câu nói nổi tiếng này của người Somalia đã chứng thực hình ảnh của Harardhere như một vùng đất sống của các băng đảng và các tay anh chị.

Theo NGÔ SINH (NLĐ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm