Vì sao Mỹ bảo trợ cho đàm phán Israel-Palestine?

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, với sự có mặt của Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni và nhà thương lượng kỳ cựu Palestine Saeb Erakat, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá hai bên đã hội đàm trong bầu không khí tích cực và xây dựng. Ông cho biết:

Hai bên đã nhất trí đàm phán về mọi vấn đề liên quan đến hiệp định hòa bình chung cuộc và các vấn đề cơ bản khác.

Hai bên nhất trí hai tuần nữa sẽ gặp lại ở Israel hoặc Palestine để bắt đầu đàm phán chính thức, đồng thời sẽ nỗ lực đạt đến hiệp định hòa bình toàn diện trong vòng chín tháng nữa.

Trong những ngày tới, Israel sẽ phải thông báo các biện pháp cải thiện tình hình ở bờ Tây và dải Gaza.

Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh: “Giải pháp hai quốc gia là con đường duy nhất giải quyết xung đột. Không còn nhiều thời gian để đạt đến điều đó và không còn giải pháp thay thế nào khác”.

Theo Reuters, nhóm bốn bên về Trung Đông (Mỹ, Nga, EU, LHQ) đã kêu gọi Israel và Palestine hãy làm hết sức để củng cố các điều kiện dẫn đến đàm phán thành công. Bằng một cử chỉ khích lệ, Tổng thống Obama đã chào đón hai phái đoàn Israel và Palestine tại Phòng bầu dục vào sáng 30-7. Từ Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhận định tìm giải pháp cho xung đột Israel-Palestine mang tính chất sống còn hiện nay khi tình hình bùng nổ đang gia tăng ở Trung Đông, đặc biệt ở Ai Cập và Iran.

Israel và Palestine ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp nhờ thái độ nhượng bộ của mỗi bên, tuy nhiên tại sao Mỹ lại đứng ra bảo trợ? Báo L’Humanitévà chuyên gia Frédéric Encel ở Học viện nghiên cứu chính trị Paris (Pháp) giải thích nguyên nhân chính xuất phát từ tình hình địa-chính trị:

Từ hơn 10 năm nay, chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã thất bại, Mỹ thực sự không còn ảnh hưởng ở Trung Đông. Chính sách ngoại giao Mỹ mang màu sắc chủ nghĩa thực dụng đã tới hạn trong khi phong trào nhân dân xuất hiện rõ nét. Khái niệm “chính trị Hồi giáo” phát triển ở Ai Cập, Tunisia và đang có nguy cơ lũng đoạn ở Syria. Chính trị Hồi giáo mang tính chất ôn hòa lại có nguy cơ củng cố các cấu trúc Hồi giáo thánh chiến. Trong khi đó, Mỹ không muốn bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh năng lượng.

Chính trị Hồi giáo đã củng cố phong trào Hamas về chính trị và vật chất. Sau khi Israel phong tỏa dải Gaza, Hamas nổi lên như lực lượng kháng chiến duy nhất chống lực lượng chiếm đóng Israel. Vai trò của Tổ chức Giải phóng Palestine ngày càng mờ nhạt. Do đó, Mỹ mong muốn củng cố uy tín của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong bối cảnh Hamas đang mất chỗ dựa tài chính quan trọng từ Syria và Iran. Tại Ai Cập, sau khi quân đội kiểm soát tình hình, Hamas cũng đã mất nguồn cung cấp vũ khí buôn lậu.

Tổng thống Obama thực sự mong muốn Israel và Palestine ký kết hiệp định hòa bình toàn diện. Năm 1993 và năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã dốc sức thúc đẩy đàm phán hòa bình Israel-Palestine. Thất bại sau đó đã dẫn đến cuộc chiến đầy máu và nước mắt. Lần này, Tổng thống Obama đã không muốn lịch sử lặp lại…

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm