Vì sao Thủ tướng Đức dè dặt về Ukraina?

Nga, Đức, Ukraina, Crưm, Angela Merkel, Putin, dè dặt, phản ứng
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp hồi tháng 11.

Đến nay, Merkel vẫn rất thận trọng trong những bình luận công khai của bà. "Những gì đang xảy ra ở Crưm khiến chúng tôi lo lắng", Thủ tướng Đức nói như vậy và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraina.

Bà cũng đã hai lần trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông điệp từ văn phòng của nữ chính trị gia này sau cuộc hội thoại đầu tiên rất rõ ràng và không đối đầu: "Họ nhấn mạnh lợi ích chung trong sự ổn định đất nước (Ukraina) về các phương diện chính trị và kinh tế".

Trong cuộc điện đàm thứ hai, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì một cuộc đối thoại.

Những người biết rõ về Merkel nói rằng cách thức làm việc của bà xuất phát từ nền tảng bà là một nhà khoa học.

Tiến sĩ Ewald Boehlke, Giám đốc Viện Chính sách Đối ngoại Đức, nhận xét: "Bà ấy nghĩ như một nhà khoa học, vì vậy bà ấy kiềm chế mọi cảm xúc. Bà ấy sẽ tiếp tục liên lạc để tìm ra cách xoa dịu tình hình từng bước một".

Những người khác ở phương Tây có thể leo thang ngôn từ nhưng Merkel lại tìm cách làm dịu tình hình. Cảm giác Đức đang cố gắng cho Nga các lựa chọn có thể chấp nhận được trước khi cả phương Tây nhất loạt can thiệp vào bằng các đòn cấm vận dường như càng được nhấn mạnh bởi những gì Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu sau cuộc gặp của ông với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov ở Geneva hôm qua (4/3).

Ông Steinmeier không nói thẳng rằng Nga phải lùi bước, mà thay vào đó, ông kêu gọi Moscow cần hành động nhiều hơn nữa để trấn an phương Tây về các ý định của mình - nếu không thì cấm vận sẽ có thể được đưa ra khi các nhà lãnh đạo EU gặp gỡ ngày 6/3.

"Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi không thấy có những bước đi quyết định trong ngày rưỡi tới đây tiến tới đạt được một thỏa thuận quốc tế, chẳng hạn về việc thành lập một nhóm tiếp xúc mà Nga sẵn sàng hợp tác, thì tôi nghĩ cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ở Hội đồng châu Âu sẽ dẫn tới những biện pháp được thực thi".

Và hai nhà lãnh đạo Nga - Đức dường như thực sự có mối quan hệ tôn trọng các đối thủ cũ. Và họ còn nói cùng thứ tiếng - theo đúng nghĩa đen. Tổng thống Putin rất thạo tiếng Đức, bởi ông từng có nhiều năm làm điệp vụ KGB ở Dresden. Còn Thủ tướng Merkel ít nhất cũng đã học tiếng Nga khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Đông Đức.

Với Merkel, ý nghĩ về chiến tranh ở Ukraina nhạy bén hơn so với các nhà lãnh đạo ở Washington hay London. Đất nước này cách Berlin 10 giờ lái xe. Đức, Ukraina và Nga tọa lạc ở cùng một khu vực của thế giới.

Thủ tướng Merkel cũng rất quan tâm đến chính trường khu vực. Bà duy trì quan hệ với nguyên thủ các nước, trong đó có ông Putin, và với cả những người chống đối ở Nga và Ukraina. Bà đã nêu vụ Yulia Tymoshenko bị ngồi tù với chính phủ ở Kiev nhưng khi chính trị gia này được trả tự do thì bà thận trọng chỉ "chúc mừng" mà không xác nhận "nữ hoàng tóc tết" là nhà lãnh đạo mới tiềm năng của Ukraina.

Sự thật là các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo Nga và Đức không phải lúc nào cũng vui vẻ. Khi ông Putin tới Đức năm ngoái, ông đã gặp phải những phụ nữ để ngực trần biểu tình. Còn khi Merkel đến St Peterburg, có một sự phật ý khi Tổng thống Putin phản đối một bài phát biểu mà bà định đưa ra tại một triển lãm nghệ thuật. Putin đã nói rằng "không đáng để bắt đầu một cuộc tranh cãi vào lúc này" và hai bên nên tìm "cách giải quyết vấn đề". Nhưng rồi bài phát biểu đã không được đưa ra.

Cả hai chính trị gia đều có những thực tế ở trong đầu, chủ yếu là họ cần nhau về mặt kinh tế. Có khoảng 100.000 người nói tiếng Nga ở Đức và có khoảng 6.000 công ty Đức đang hoạt động ở Nga.

Đức là đích đến của khoảng 1/4 lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga nhưng thặng dư thương mại của Đức với Nga rất lớn. Hàng hóa xuất khẩu từ Đức sang Nga nhiều hơn khoảng 2,1 tỷ Euro (3 tỷ USD) so với chiều ngược lại.

Như thể muốn nhấn mạnh chính sách đối thoại của chính phủ Đức nhằm tránh chiến tranh, Ngoại trưởng Steinmeier khẳng định: "Ngoại giao không có nghĩa là yếu đuối mà là cần thiết hơn bao giờ hết để ngăn chúng ta không bị lôi kéo vào vực thẳm leo thang quân sự".

Theo Thanh Hảo (VNN / BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm