CHẤT NỔ LỎNG, VŨ KHÍ KHỦNG BỐ MỚI:

Vụ án bom lỏng

Nguồn tin Scotland Yard (Sở Cảnh sát London) cho biết vụ việc bắt đầu từ tháng 6-2006. Khi Ahmed Ali, một tín đồ Hồi giáo Anh gốc Nam Á đang trong tầm ngắm của cảnh sát Anh, trở về London từ Pakistan, hành lý của y đã bị các trinh sát lén mở coi.

Họ phát hiện bột nước giải khát Tang và rất nhiều pin. Hai món hàng có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng nếu biết cách thì trở thành vũ khí giết người.


Bom lỏng


Vài tuần sau, Scotland Yard và MI5 (Cơ quan phản gián Anh) mở một chiến dịch theo dõi lớn chưa từng thấy ở Anh với 220 người thuộc nhiều lực lượng an ninh Anh. Trong khi đó, Ahmed Ali và “phó tướng” của y là Assad Sarwar liên tục gửi thư điện tử (e-mail) về các địa chỉ đáng nghi ở Pakistan.


Trong một lần theo dõi, cảnh sát nhận thấy đối tượng Assad Sarwar mua nhiều vật dụng rất xa lạ với cuộc sống hằng ngày của y. Ví dụ y mua nhiều vỏ chai hydrogen peroxide (dùng để tẩy và khử trùng nhẹ) ở một trung tâm tái chế.

Khi nhân viên MI5 bí mật đột nhập nhà Ali, họ tìm thấy một nơi giống như xưởng chế tạo bom. Ngoài ra, người ta cũng thấy Ali vào các tiệm cà phê internet để nghiên cứu hàng giờ lịch bay của các hãng máy bay Mỹ và Canada.


Hai tháng sau, một mật vụ Anh trà trộn trong nhóm khủng bố mật báo cho Scotland Yard biết “những kẻ âm mưu đã nhận được mật khẩu “Làm ngay đi”. Thế là Scotland Yard tung mẻ lưới lớn bắt được 25 kẻ tình nghi nói trên ở London và nhiều địa điểm khác vì sợ chậm chân thì thảm họa có thể xảy ra. Bảy kẻ tình nghi khác liên quan đến âm mưu vừa kể - trong đó có Rashid Rauf, một thành viên Al-Qaeda mang hai quốc tịch Anh và Pakistan - bị bắt ở Pakistan.


Đây là lần đầu tiên người ta nghe nói đến bom lỏng. Theo chính quyền Mỹ, có hai loại chất nổ ở dạng lỏng: TATP (Acetone peroxide) và HMTD (Hexamethylene triperoxide diamine). Hai thứ này rất nhạy với nhiệt, xóc và ma sát. Chỉ cần một tia lửa hoặc điện tích là có thể phát nổ. Không rõ nhóm khủng bố dự tính dùng loại nào. Theo nhật báo Anh The Guardian, cảnh sát Anh nói là TATP nhưng theo nhật báo Mỹ The New York Times, là HMTD.


Các nghi can khai trước tòa rằng việc chế tạo bom lỏng từ hai loại chất nổ sẽ được tiến hành khi máy bay đang bay. Chất nổ chính là hỗn hợp hydrogene peroxide và các chất hữu cơ được bơm vào chai nhựa nước tăng lực thể thao Lucozade và Oasis loại 500 ml bằng ống tiêm.

Vụ án bom lỏng ảnh 1

Từ trái sang phải: Ahmed Ali, Assad Sarwar và Tanwir Hussain. Ảnh: AFP


Nắp chai vẫn còn nguyên xi và lỗ kim tiêm được vá lại một cách khéo léo. Vào thời điểm đó, các chai nước giải khát không có cồn như nước tăng lực được phép mang trong hành lý xách tay khi lên máy bay.


Chất nổ thứ hai được chèn trong ruột pin đũa loại AA dùng để kích hoạt chất nổ lỏng nói trên. Ngày 28-8-2006, tờ New York Times đưa tin 7 cuộn băng video quay những tên đánh bom liều chết trước khi ra trận đã bị tịch thu, cho thấy đây là một âm mưu đích thực, nếu không bị ngăn chặn từ đầu thì sẽ có một vụ khủng bố trên máy bay khủng khiếp nhất.


Lạ lùng Pakistan


Lúc đầu, Pakistan được khen ngợi trong việc hỗ trợ Anh ngăn chặn được một âm mưu lớn mà nếu thực hiện thành công sẽ có cả ngàn người chết oan. Tuy vậy, sau đó báo chí Anh, Mỹ tỏ ra nghi ngờ cam kết của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng.


Theo báo chí Anh, Mỹ, nguồn tiền tài trợ cho bọn khủng bố thực hiện âm mưu kể trên là các quỹ từ thiện được thiết lập để cứu trợ nạn nhân động đất ở Kashmir năm 2005.

Thái độ của Pakistan đối với Rashid Rauf, một thành viên Al-Qaeda mang hai quốc tịch Anh và Pakistan, có quan hệ với tổ chức vũ trang Jaish-e-Mohammed ở Kashmir, đồng thời cũng là người tình nghi đóng vai trò chủ chốt trong âm mưu đánh bom lỏng kể trên, là tiền hậu bất nhất.


Khi Bộ Ngoại giao Anh đòi dẫn độ Rauf về Anh để xét xử, Pakistan nói sẽ đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, giữa tháng 12-2006, một thẩm phán Pakistan bác bỏ tội danh khủng bố đối với Rauf vì “thiếu chứng cứ”.

Từ tòa án xử vụ khủng bố, hồ sơ của Rauf được chuyển sang tòa án thông thường và hắn chỉ bị cáo buộc tội làm giả giấy tờ, chữ ký... Nhưng sau đó, cáo buộc này cũng bị hủy bỏ luôn. Tháng 11-2008, có tin Rauf đã bị máy bay không người lái của Mỹ bắn chết tại Pakistan.


Bịa chuyện?


Vụ án bom lỏng không nhận được sự đồng tình hoàn toàn của giới chính khách Anh. Ông Craig Murray, cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan, tỏ ra nghi ngờ: “Không có tên khủng bố nào có bom lỏng. Không tên nào mua vé máy bay. Nhiều tên thậm chí còn không có hộ chiếu”. Ông cho rằng có thể Rashid Rauf, được cho là trưởng nhóm khủng bố, đã bịa ra âm mưu dùng bom lỏng làm nổ tung máy bay Mỹ vì chịu không nổi những đòn tra tấn của điều tra viên Pakistan.


Trong số 25 người bị bắt nói trên, chỉ có 8 người bị đưa ra tòa án Woolwich Crouwn ở London xét xử hồi tháng 9-2008. Trong số này chỉ có 3 nghi can Ahmed Ali, Assad Sarwar và Tanwir Hussain bị khép tội “âm mưu giết người bằng bom tự tạo trên các máy bay xuyên Đại Tây Dương”.


Năm nghi can còn lại không bị khép tội trên. Và trong số này, chỉ có Umar Islam bị cáo buộc âm mưu giết người nhưng không liên quan gì đến máy bay. Bốn người còn lại bị xét xử với các tội danh khác, nhẹ hơn.


Ahmed Ali bị kết án tù chung thân, phải ở tù ít nhất 40 năm mới được xét ân giảm. Sarwar và Hussain bị kết án lần lượt 36 và 32 năm tù. Islam cũng bị tù chung thân, có thể được tha sau khi ở ít nhất 22 năm tù.

Theo Văn Anh (NLĐ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm