Vũ khí Mỹ và mạng người Yemen

Cuộc không kích của liên quân Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen sáng 9-8 làm 50 người chết, 77 người bị thương – phần lớn nạn nhân là trẻ em nhắc nhở cuộc nội chiến ở Yemen đang khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Nội chiến Yemen bắt đầu từ tháng 3-2015, với khoảng 10.000 người chết tính đến nay. Saudi Arabia cùng với Các Tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất đang dẫn đầu một chiến dịch quân sự có sự ủng hộ của chính phủ hợp pháp Yemen đánh lại nhóm phiến quân Houthi do Iran bảo trợ.

Chuyện liên quân Saudi Arabia dẫn đầu không kích nhầm trúng các khu dân cư là chuyện thường. Rất nhiều khu chợ, trường học, bệnh viện ở Yemen đã từng hứng không kích của liên quân này, theo Sputnik. Nhưng chuyện cùng lúc có hàng chục trẻ em chết thảm vì không kích là “quá mức” – theo sự lên án của Điều phối viên nhân đạo Liên Hiệp Quốc (LHQ) Lise Grande. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi LHQ và cả Mỹ phải lên tiếng đề nghị điều tra.

Hình ảnh chụp lại từ video của kênh truyền hình Al-Masirah TV của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen, cho thấy bệnh viện đầy trẻ em bị thương trong vụ không kích. Ảnh: CNN

Hình ảnh chụp lại từ video của kênh truyền hình Al-Masirah TV của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen, cho thấy bệnh viện đầy trẻ em bị thương trong vụ không kích. Ảnh: CNN

Chuyện liên quân Saudi Arabia dẫn đầu không kích vào khu vực dân cư ở Yemen không phải hiếm. Chỉ mới một tuần trước, một đợt không kích nhắm vào một khu chợ cá ở cảng Hodeidah đã làm thiệt mạng 55 dân thường, 170 người bị thương. Sau cuộc không kích này, một nhà báo Mỹ có tên Walker Bragman đã bắt tay thực hiện chiến dịch hướng truyền thông quốc tế chú ý hơn đến cuộc chiến Yemen. Sau vụ không kích mới nhất này làm hàng chục trẻ em chết, nhà báo Bragman viết trên Twitter rằng Mỹ đã trở thành “đồng lõa của tội phạm chiến tranh”.

Phần mình, bên cạnh kêu gọi điều tra, Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng tuyên bố quân đội Mỹ chủ trương ủng hộ các đối tác giảm nhẹ thương vong không liên quan cuộc chiến.

“Sự hỗ trợ của chúng tôi với liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu gồm hỗ trợ tiếp liệu trên không và tình báo, nhằm giúp các đối tác giữ an ninh biên giới trước các cuộc tấn công từ nhóm Houthi. Sự hỗ trợ phi chiến đấu của chúng tôi tập trung vào cải thiện tiến trình hoạt động của liên quân, đặc biệt để ý đến sự tuân thủ luật pháp trong xung đột vũ trang, và nỗ lực hết sức giảm rủi ro thương vong dân thường” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Revecca Rebarich nói.

Nạn nhân trẻ em trong trận không kích liên quân Saudi Arabia dẫn đầu thực hiện sáng 9-8 ở Yemen. Ảnh: GETTY IMAGES

Nạn nhân trẻ em trong trận không kích liên quân Saudi Arabia dẫn đầu thực hiện sáng 9-8 ở Yemen. Ảnh: GETTY IMAGES

Động thái này của Mỹ không thuyết phục được truyền thông Nga. Russia Today cho rằng việc các chính phủ và truyền thông phương Tây bỏ lơ nội chiến Yemen mà ưu tiên chú ý xung đột Syria là hữu ý.

Nói thẳng ra, theo Russia Today, sở dĩ Mỹ và các nước phương Tây làm lơ sự mất mát, thống khổ vô cùng lớn mà người dân Yemen đang phải chịu là vì các nước này có mối lợi rất lớn trong việc bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Nhà báo Brian Becker làm việc cho Sputnik dẫn ra sự im lặng, làm lơ của truyền thông Mỹ với “một vấn đề ẩn sâu, là Mỹ tiếp tục tài trợ và bán vũ khí cho Saudi”.

Tháng 3 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump duyệt bán 12,5 tỉ USD vũ khí cho Saudi Arabia – một bước đi mà tổ chức Ân xá Thế giới chỉ trích là “chuyển vũ khí một cách vô trách nhiệm” cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, đưa tới “hậu quả là gây tổn hại kinh khủng đến người dân Yemen”.

Nạn nhân trẻ em trong trận không kích sáng 9-8 ở Yemen đau đớn tại bệnh viện. Ảnh: AFP

Nạn nhân trẻ em trong trận không kích sáng 9-8 ở Yemen đau đớn tại bệnh viện. Ảnh: AFP

Sputnik dẫn lời nhà hoạt động chống chiến tranh Medea Benjamin (Mỹ) cho rằng các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang kiếm một khoản lợi rất lớn từ việc bán các loại vũ khí mà Saudi Arabia đang sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Yemen.

“Tất cả cũng vì hàng tỉ đô bán vũ khí. Là một người mẹ và một người bà, nhìn thấy những đứa trẻ - nhiều đứa còn mang cả ba lô trên lưng – mình đầy máu, mắt đầy vẻ kinh hoàng làm tôi xuống tinh thần, muốn phát bệnh” – bà Benjamin nói với Sputnik.

Bà Benjamin nhắc đến thái độ và cách hành xử thẳng tay của Saudi Arabia trong căng thẳng hiện tại với Canada, sau khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland chỉ trích và đề nghị Saudi Arabia thả các nhà hoạt động nhân quyền. Ngay sau lời chỉ trích của bà Freeland, Saudi Arabia đã có một loạt động thái mạnh tay: trục xuất đại sứ Canada, triệu hồi đại sứ tại Canada, lệnh 15.000 du học sinh rời khỏi Canada, ngưng mọi đầu tư mới với Canada…Thậm chí mới đây trên trang Twitter do chính phủ Saudi Arabia điều hành đăng một bức ảnh đe dọa khủng bố nhắm vào TP Toronto của Canada, giống cuộc khủng bố ngày 9-11-2001 ở Mỹ.

Phần lớn nạn nhân trong vụ không kích sáng 9-8 ở Yemen là trẻ em. Ảnh: CNN

Phần lớn nạn nhân trong vụ không kích sáng 9-8 ở Yemen là trẻ em. Ảnh: CNN

Giữa bối cảnh này, có quan chức Canada lên tiếng lo ngại không biết chuyện gì sẽ xảy ra với hợp đồng quốc phòng trị giá 13 tỉ USD bán xe bọc thép General Dynamics Corp của Canada sang Saudi Arabia. Canada đã có các thỏa thuận bán tổng cộng hơn 284 triệu USD vũ khí và thiết bị quân sự cho Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và một số nước khác tham gia liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu.

Về phía Mỹ, dù là đồng minh với Canada nhưng Mỹ nói thẳng không can thiệp vào tranh chấp giữa Canada với Saudi Arabia – vốn không chỉ là đối tác truyền thống có quan hệ kinh tế và an ninh thân thiết mà còn là khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ.

Theo bà Benjamin, nếu vụ không kích Yemen làm 50 người – chủ yếu là trẻ em thiệt mạng – không phải do liên quân Saudi Arabia dẫn đầu làm, mà do Iran làm, thì không nghi ngờ gì Mỹ sẽ ngay lập tức đánh Iran.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.