Chuyến thăm của bà Harris báo hiệu thách thức mới với TQ tại khu vực Mekong?

Tờ Nikkei Asia ngày 25-8 đăng bài phân tích của chuyên gia Kavi Chongkittavorn - thành viên cao cấp tại Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) - nhận định chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam báo hiệu một thách thức mới đối với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, bà Harris sẽ thúc đẩy kế hoạch lâu dài của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này ở tiểu vùng sông Mekong, cũng như tập trung vào các vấn đề như ngăn chặn đại dịch, thương mại kỹ thuật số, an ninh mạng và biến đổi khí hậu.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trong chuyến thăm Singapore, bà Harris nhấn mạnh: "Lý do tôi ở đây là vì Mỹ là một nhà lãnh đạo toàn cầu và chúng tôi coi trọng vai trò đó".

"Đó là lý do tại sao các mối quan hệ đối tác của chúng tôi ở Singapore, ở Đông Nam Á và trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Mỹ là một phần đáng tự hào của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và khu vực này cực kỳ quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của chúng tôi" – bà Harris nhấn mạnh.

Nối tiếp kế hoạch hành động toàn diện của Mỹ tại khu vực sông Mekong?

Theo Nikkei Asia, khi vạch ra một kế hoạch hành động toàn diện cho khu vực sông Mekong tại cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói rõ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden coi khu vực này là "trục xoay" chiến lược mới của Washington.

Kế hoạch Mekong ba năm báo hiệu một thách thức mới của Mỹ đối với Bắc Kinh trong khu vực và có thể giúp năm quốc gia ven sông Mekong - Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar – có thể gặt hái những lợi ích kinh tế lớn ở các thị trường lân cận ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Để thành công, Mỹ không chỉ cần gắn kết sự tương tác của mình với các quốc gia khác đang hoạt động trong khu vực, gồm Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, mà còn với khối ASEAN gồm 10 thành viên.

Ông Chongkittavorn nhận định động thái của Mỹ chứng tỏ có thể tồn tại một vấn đề khi Campuchia, vốn được cho là có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 vào tháng 11.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ hồi đầu tháng 8. Ảnh: TWITTER

Theo Nikkei Asia, một bước ngoặt trong nỗ lực của Washington ở khu vực tiểu vùng sông Mekong “sau nhiều năm phản ứng không hiệu quả trước hoạt động của Trung Quốc” sẽ đòi hỏi việc ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của khu vực, trong bối cảnh các quốc gia khu vực không muốn xem đây là nơi cạnh tranh quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh.

Bốn lĩnh vực hợp tác chính mà ông Blinken đã công bố - kết nối kinh tế, sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững, các vấn đề an ninh phi truyền thống và phát triển nguồn nhân lực - phản ánh kinh nghiệm mà Mỹ đúc kết được trong 11 năm dẫn dắt Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, đồng thời cho thấy Washington hiểu rằng việc gắn kết lợi ích của mình với các quốc gia khu vực sông Mekong là rất quan trọng.

'Ông Biden cần sớm sắp xếp một chuyến thăm khu vực Mekong'

Tuy nhiên, Washington đang cố gắng làm nhiều hơn nữa bằng cách nhấn mạnh các khía cạnh tổng thể trong các hướng tiếp cận của mình, thông qua các chương trình liên quan giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án cơ sở hạ tầng đến môi trường - đặc biệt liên quan khía cạnh giao thông và thủy điện - cũng như thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia khu vực Mekong và Mỹ.

Hơn nữa, một hội nghị thượng đỉnh Mekong tập trung vào các quốc gia ven sông Mekong giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy các dự án có thể mang lại lợi ích cho khu vực, chuyên gia Chongkittavorn nhận định.

Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước Mekong đã gặp nhau ba lần kể từ năm 2015 - và các bộ trưởng ngoại giao đã gặp nhau năm lần, ông Biden cần sớm sắp xếp một chuyến thăm khu vực này.

Một chiếc thuyền đánh cá đi dọc sông Mekong ở tỉnh Nong Khai, đông bắc Thái Lan. Ảnh: AFP

Tầm quan trọng chiến lược của khu vực Mekong giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã tăng lên nhờ việc Mỹ chú trọng nhiều đến thúc đẩy một “khu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, cũng như thúc đẩy nhóm “Bộ tứ an ninh” (QUAD) với Nhật, Úc và Ấn Độ.

Để có thể đạt hiệu quả cao nhất, Washington cũng cần thu hút sự hỗ trợ từ Những người bạn của Mekong (FOM) - khuôn khổ hợp tác đã cung cấp hơn 25 tỉ USD hỗ trợ phát triển cho khu vực kể từ năm 2015, gồm các thành viên Nhật, New Zealand, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ủy hội sông Mekong (MRC) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Hơn nữa, Mỹ cần tiếp cận trực tiếp với các nước Mekong thông qua việc hỗ trợ các chương trình và hoạt động, trong đó tập trung vào kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng.

Mỹ và các quốc gia thành viên FOM cần thúc đẩy các nỗ lực đang diễn ra ở Đông Nam Á nhằm tạo ra các quy tắc và tiêu chuẩn, trong đó lấy Mekong làm trung tâm.

Sau hai thập niên hợp tác, ý thức mạnh mẽ về một “Con đường Mekong (Mekong Way)” đã xuất hiện và điều này có thể đóng góp vào sự phát triển của một trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể hạ nhiệt trong tương lai gần, sự khởi động lại của chính quyền ông Biden sẽ cung cấp các lựa chọn mới đối với khu vực, nơi đóng vai trò là cho một cầu nối giữa Washington và Bắc Kinh.

Điều này cũng sẽ đúng đối với Campuchia cũng như bốn quốc gia ven sông Mekong khác, tạo cho Phnom Penh một lý do mạnh mẽ để điều chỉnh quan hệ hài hòa với các nước láng giềng và hình thành một mặt trận thống nhất nhằm được kết quả tốt nhất.

Theo đó, ông Chongkittavorn nhận định Campuchia nhiều khả năng sẽ sử dụng vai trò chủ tịch ASEAN của mình một cách xây dựng, bằng cách không vượt lên trên những lợi ích của mình mà làm ảnh hướng đến khu vực và sự "xoay trục" của chính quyền ông Biden đến khu vực Mekong.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm