Công bằng trong phân phối lần đầu

Trước đây, nguyên tắc chủ yếu trong phân phối thu nhập của Trung Quốc là phân phối lần đầu chú trọng hiệu suất, tái phân phối chú trọng công bằng.

Tiến sĩ Cố Hải Lương (Phó hội trưởng Hội Chủ nghĩa xã hội khoa học toàn quốc) nhận xét: Trong báo cáo chính trị của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào có hai điểm mới quan trọng. Một là từng bước nâng cao tỷ trọng thù lao lao động trong phân phối lần đầu và hai là sáng tạo điều kiện để nhiều quần chúng có thu nhập mang tính tài sản hơn. Hai điểm mới này có quan hệ biện chứng.

Thực trạng về chêch lệch thu nhập

Thời gian đầu mở cửa cải cách, Trung Quốc đã khích lệ một bộ phận quần chúng giàu lên trước và nhấn mạnh nguyên tắc: Ưu tiên cho hiệu quả, sau mới đến công bằng. Tuy nhiên, quá theo đuổi hiệu quả, xem nhẹ công bằng nên khoảng cách chênh lệch thu nhập ngày một lớn.

Chênh lệch giữa thành phố và nông thôn là nhân tố quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một lớn.
Chênh lệch giữa thành phố và nông thôn là nhân tố quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một lớn.

Tháng 12-2006, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho xuất bản cuốn sách Dự đoán và phân tích tình thế xã hội Trung Quốc năm 2007. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy tầng lớp thu nhập trung bình ở Trung Quốc chiếm 39,6%, thấp hơn cả các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ.

Theo giáo sư Ngô Trung Dân ở Trường Đảng Trung ương, chênh lệch thu nhập đã tạo ra nguy cơ tiềm ẩn đối với tương lai phát triển của Trung Quốc. Giáo sư Lý Bồi Lâm (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) nhận xét: Điều chỉnh kết quả phân phối sẽ giúp xóa bỏ sự bất mãn của người dân.

Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã phỏng vấn tại hai khu vực có khoảng cách chênh lệch thu nhập lớn nhất. Khi hỏi nhóm người nào dễ phát sinh xung đột quyền lợi nhất, mọi người đều cho rằng đó là nhóm người cán bộ.

Tỷ lệ chênh lệch: 5:1 hoặc 6:1

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc vẫn coi phát triển nông thôn và nông nghiệp làm nguồn tài nguyên tích lũy để duy trì phát triển thành phố. Từ đó, chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị tương đối gay gắt.

Tại thành phố cũng xuất hiện tình trạng phát triển không đồng đều do phân phối nguồn tài nguyên không công bằng. Nguồn tài nguyên được ưu tiên tập trung vào số ít thành phố lớn, còn các thành phố nhỏ chỉ là những đơn vị cung cấp cho thành phố lớn các nguồn tài nguyên giá thấp hoặc quý hiếm.

thực tế, tỷ lệ chênh lệch giữa nông thôn và thành phố là 5:1 hoặc 6:1. Vì vậy đến nay, phân nửa số nông dân vì nguyên nhân kinh tế đã không được khám bệnh đầy đủ.

Chênh lệch thu nhập của nhóm dân thành phố đã gần lên tới ranh giới cảnh báo của thế giới.

Nguyên nhân không công bằng

Giáo sư Lý Thật ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh phụ trách một tổ điều tra về phân phối thu nhập cư dân. Kết quả cho thấy chênh lệch giàu nghèo của Trung Quốc chủ yếu thuộc bốn phương diện: (1) Chênh lệch giữa thành phố và nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn; (2) Chênh lệch giữa các ngành nghề, chủ yếu giữa các ngành mang tính cạnh tranh với các ngành mang tính độc quyền; (3) Chênh lệch giữa các khu vực, chủ yếu là chênh lệch giữa các vùng ven biển và khu vực nội địa; (4) Giáo dục ngày một phát huy tác dụng trong phân phối thu nhập. Cơ hội tiếp thu giáo dục không công bằng, số người tiếp nhận giáo dục cao đẳng tương đối nhiều. Vì vậy, chênh lệch thu nhập giữa những người có trình độ cao đẳng trở lên với những người có trình độ văn hóa thấp ngày một nới rộng.

Đối với vấn đề không công bằng trong phân phối lần đầu, giáo sư Lý Thật cho rằng chủ yếu gồm bốn nguyên nhân:

Thứ nhất, cơ hội tham gia phân phối lần đầu không bình đẳng, tức không bình quân cơ hội việc làm, thất nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến thù lao lao động không cao. Ngoài ra, lao động chỗ thiếu, chỗ thừa đều dẫn đến không công bằng về mặt khởi điểm.

Thứ hai, sau khi lao động hòa nhập vào thị trường sức lao động, trong thị trường này tồn tại nhiều kỳ thị như kỳ thị giới tính, kỳ thị hộ khẩu... dẫn đến mức khác biệt về thù lao.

Thứ ba, trong quá trình sản xuất, thị trường sức lao động tồn tại trường kỳ hiện tượng cung vượt quá cầu, đặc biệt là sức lao động phổ thông, dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp sử dụng quá tải sức lao động, ép tiền lương.

Thứ tư, ngoài tiền lương, bảo hiểm xã hội cũng tồn tại nhiều vấn đề bất bình đẳng do xuất thân khác nhau. Tóm lại, những hiện tượng này đều là do mối quan hệ cung cầu của thị trường lao động và sự khiếm khuyết của một số chế độ tạo thành.

Công bằng trong phân phối lần đầu là gì?

Theo ông Triệu Chấn Hoa (Phó Chủ nhiệm bộ môn kinh tế học Trường Đảng Trung ương), phân phối thu nhập quốc dân bao gồm phân phối lần đầu và tái phân phối. Công bằng trong phân phối thu nhập là chỉ quán triệt chế độ lợi nhuận theo cống hiến của các yếu tố sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Cống hiến của mỗi yếu tố sản xuất bao nhiêu thì được thù lao bấy nhiêu. Nếu người cống hiến nhiều lại được trả thù lao ít, người cống hiến ít lại được hưởng nhiều hoặc có hiện tượng không phân chia cống hiến nhiều hay ít, tất cả đều có thù lao như nhau, đều là không công bằng.

Trong phân phối lần đầu, càng yêu cầu hiệu suất để cống hiến đi đôi với thu nhập thì càng có thể điều động tính tích cực của các chủ thể yếu tố sản xuất, càng sáng tạo giàu có hơn.

Trong quá trình tái phân phối càng phải chú trọng công bằng xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào cũng có người già yếu, người tàn tật; một bộ phận phát triển tương đối ổn định, một bộ phận cuộc sống khó khăn. Vì vậy cần phải thông qua chuyển giao, chi trả tài chính để công bằng trong tái phân phối.

Hiện vấn đề không công bằng trong phân phối lần đầu cần phải giải quyết của Trung Quốc là không phân phối theo cống hiến của các yếu tố sản xuất tham gia phân phối, thu nhập không xứng đáng với cống hiến. Những vấn đề này đã bẻ gãy mối quan hệ phân phối. Theo giáo sư Hoàng Quế Điền (Đại học Bắc Kinh), có nhiều biện pháp để bảo đảm công bằng trong phân phối lần đầu, ví dụ như từng bước điều chỉnh nâng mức lương cơ bản.

Ông Lâm Nghị Phu (Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh) phân tích: Những người thu nhập thấp thường chỉ kiếm tiền bằng sức lao động của bản thân, còn những người thu nhập cao ngoài sức lao động ra còn có tiền vốn. Nâng cao tỷ trọng tiền thù lao lao động trong phân phối lần đầu đồng nghĩa với tăng nhanh thu nhập cho những người có thu nhập thấp, ä có lợi trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Người lao động có thể bảo đảm được quyền lợi của mình ngay từ khâu phân phối lần đầu chứ không còn chờ đợi nhà nước trợ cấp.

HỒNG ANH (Theo Tân hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm