Công nghệ Deepfake có khả năng phá vỡ thị trường tài chính

Vào ngày 17-11, tờ South China Morning Post cho biết các chuyên gia lên tiếng cảnh báo các công ty tài chính về vấn đề bảo mật sinh trắc học khi công nghệ Deepfake ngày càng được sử dụng phổ biến.

Công nghệ Deepfake trước đó được sử dụng nhằm tạo ra các hình ảnh và video khiêu dâm của người nổi tiếng. Hiện tại, các chuyên gia cho biết công nghệ này có thể bị các tin tặc sử dụng để đánh lừa các hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Hiện tại có rất ít bằng chứng về việc sử dụng công nghệ Deepfake qua mặt hệ thống nhận diện, tuy nhiên, thông tin này cũng đủ làm xói mòn lòng tin của công chúng đến các tổ chức tiền tệ.

Một sản phẩm của công nghệ Deepfake. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Ông Jon Bateman, một thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Vấn đề không phải là công nghệ Deepfake có nguy cơ gây hại đến bảo mật, mà nó có thể dẫn tới sự ngờ vực và hoài nghi. Mọi người bắt đầu nghi ngờ mọi thứ vì hiện tại thật dễ dàng để làm giả với Deepfake”.

Sự lo lắng do Deepfake tạo ra có thể góp phần vào khủng hoảng kinh tế tại các nước kém phát triển. Nếu khách hàng tại ngân hàng các nước này bắt đầu nghi ngờ về vấn đề bảo mật thì sẽ có nguy cơ xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt. 

Trước đó, vào năm 2019, đã có một trường hợp kẻ lừa đảo sử dụng phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo đánh lừa Giám đốc điều hành của một công ty năng lượng có trụ sở tại Anh qua điện thoại. Kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ giả giọng nói và lừa vị Giám đốc điều hành này 242.000 USD.

Công nghệ này cũng đem đến mối lo ngại cho Trung Quốc, nơi thường xuyên vận dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong các giao dịch tiền tệ. Trước vấn đề này, nền tảng giao dịch trực tuyến Alipay đã tuyên bố trên Weibo: “Hiện tại có rất nhiều ứng dụng hoán đổi khuôn mặt trực tuyến, tuy nhiên việc qua mặt hàng rào bảo mật của chúng tôi là không thể”.

Trước đó vào năm 2018, ứng dụng Alipay đã chứng kiến một vụ lừa đảo sử dụng dữ liệu cá nhân và hình ảnh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo nhằm đánh cắp tiền qua Alipay. Tuy nhiên, phi vụ nhanh chóng thất bại.

Trước mối đe dọa về an ninh bảo mật, các doanh nghiệp và chuyên gia nhanh chóng phát triển các phương thức bảo mật mới nhằm chống lại sự phát triển của Deepfake cũng như các thuật toán nhằm phát hiện các hành vi giả mạo tinh vi.

Hiện các bằng chứng đều chỉ ra rằng tin tặc sử dụng Deepfake nhắm vào các giao dịch ngân hàng và tiền tệ. Theo cuộc khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ xác thực sinh trắc học Iproov cho biết, hai mối đe dọa được chú ý nhất hiện tại là ủy quyền thanh toán cho bên thứ ba và gian lận ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm