COVID-19: 'Mồi lửa' cho sự trỗi dậy của IS tại Phlippines

Tờ Military Times hôm 14-8 dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Philippines lợi dụng biện pháp giãn cách xã hội phòng ngừa COVID-19 để truyền bá tư tưởng cực đoan.

Theo đó, báo cáo của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng được công bố hôm 11-8 cho biết một số tài khoản mạng xã hội có quan hệ với tổ chức IS ở Đông Á đe dọa sử dụng bạo lực nếu các nhà thờ Hồi giáo không được mở cửa trở lại, đồng thời cáo buộc chính phủ Philippines không đủ năng lực.

Ông Colin Clarke - chuyên gia về chống khủng bố tại Trung tâm Soufan – cho biết: “COVID-19 khiến chính phủ Philippines có vẻ kém hiệu quả hơn bình thường. Cùng với đó, đại dịch khiến phe nổi dậy và các nhóm khủng bố có cơ hội đạt được một số lợi thế chính trị”.

Ông Clarke cảnh báo khủng bố sẽ tiếp tục hoành hành nếu nỗi bất bình của người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tại Philippines không được giải quyết, tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan như IS tại Đông Á tuyển mộ thành viên.

Một binh sĩ Mỹ huấn luyện cho một binh sĩ thuộc Lực lượng vũ trang Philippines cách vận hành phóng lựu M320 tháng 3-2019 tại tỉnh Nueva Ecija, Philippines. Ảnh: US MILITARY

Mặc dù Mỹ đã hỗ trợ quân sự và tài chính cho Philippines, nước này vẫn chưa thể bắt đầu các chương trình xã hội hỗ trợ các nhóm thiểu số.

Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ Sean O’Donnell cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rất ít sự tiến bộ của Philippines trong cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị ở các khu vực đó”.

Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố trong Chiến dịch Đại bàng Thái Bình Dương – Philippines từ năm 2017. Tuy nhiên, sức mạnh và ảnh hưởng của các nhóm cực đoan trong khu vực không thay đổi, bất chấp Mỹ đổ hàng triệu USD cho chiến dịch. Ngoài ra, chính phủ Philippines đã chuyển hướng nguồn lực trong nước từ chống khủng bố sang đối phó với COVID-19.

COVID-19 cũng cản trở Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines, khiến hoạt động sơ tán thương binh khó khăn hơn và hạn chế sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên thực địa. Trong khi Mỹ sử dụng quy trình cách ly và cô lập trong vận chuyển thương binh, quân đội Philippines vẫn sử dụng phương pháp như trước khi có đại dịch.

“Khi Mỹ xoay trục từ chống khủng bố sang cạnh tranh giữa các siêu cường và tái phân bổ nguồn lực cho các khu vực khác trên thế giới, chúng ta sẽ thấy nhiều quốc gia yếu thế ở Đông Nam Á phải chịu gánh nặng từ đó. Mọi thứ thật rắc rối. Một bước tiến, hai bước lùi” - ông Clarke nhận định.

Hiên Philippines là vùng dịch lớn thứ 22 thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, đến nay đã ghi nhận gần 154.000 ca nhiễm và hơn 2.400 ca tử vong, theo thông báo của Bộ Y tế Philippines.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm