Cục diện sức mạnh hàng hải khu vực sẽ thế nào khi Úc có được tàu ngầm hạt nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ South China Morning Post ngày 3-10, việc Úc có được tàu ngầm hạt nhân từ việc ký thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh AUKUS với Mỹ và Anh khả năng sẽ làm thay đổi cục diện sức mạnh hàng hải tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.

Thỏa thuận AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) sẽ giúp Úc có được 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (còn gọi là SSN, theo cách phân loại thân tàu của Hải quân Mỹ). Điều này sẽ giúp tăng Úc sức mạnh hải quân và thu hẹp khoảng cách giữa lực lượng hải quân của mình và của Trung Quốc.

Úc sẽ trở thành quốc gia thứ hai được quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân của Mỹ, sau Anh vào năm 1958. Hiện đang có sáu quốc gia vận hành các tàu ngầm hạt nhân, vốn ít có nguy cơ bị kẻ thù phát hiện hơn các tàu khác.

Thông qua việc tham gia AUKUS, Úc sẽ có hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Ảnh: AFP

Nguy cơ va chạm

Theo ông Wu Riqiang, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), một khi Úc sở hữu tàu ngầm hạt nhân, cục diện sức mạnh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ thay đổi, và một rủi ro không thể không tính đến là nguy cơ va chạm có thể là ngẫu nhiên với tàu ngầm Trung Quốc.

"Các tàu ngầm mà Úc mua được tất nhiên sẽ tăng năng lực cho lực lượng hải quân của họ. Việc Úc mua các tàu ngầm hạt nhân chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ xung đột dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, chẳng hạn như ở Biển Đông" - theo ông Wu.

"Tôi cho rằng việc có thêm tàu ngầm của Úc và Mỹ sẽ làm tăng mối đe dọa đối với tàu ngầm Trung Quốc. Có thể sẽ có nhiều hoạt động trinh sát tình báo hơn, có thể làm tăng khả năng xảy ra va chạm trong khu vực" - chuyên gia này nói.

Văn phòng Tình báo Hải quân của Hải quân Mỹ dự đoán rằng hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ phát triển lên 76 chiếc vào năm 2030. Mỹ hiện đang vận hành 68 chiếc, tất cả đều là tàu ngầm hạt nhân.

"Nó hơi giống những sự cố xảy ra giữa Mỹ và Anh cùng với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Với nhiều tàu ngầm hạt nhân hơn và với hệ thống liên minh, Mỹ và Úc có thể thúc đẩy một chiến lược hải quân tấn công trong tương lai" - ông Wu nói.

Về dài hạn, cán cân quân sự sẽ thay đổi

Úc từ lâu đã tránh chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng thái độ của Úc đối với Bắc Kinh gần đây đã cứng rắn hơn. Căng thẳng gia tăng vào năm ngoái khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, và sau đó là một loạt biện pháp trừng phạt đáp trả của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Úc.

Các học giả Úc đã cảnh báo về các mối đe dọa quân sự sau khi Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội và sự mở rộng sức mạnh hàng hải của lực lượng này.

Dù viễn cảnh về Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Úc vẫn còn xa vời, nhưng điều này vẫn đáng lưu ý vì Bắc Kinh có tiềm lực quân sự và công nghiệp để triển khai bắn tên lửa tầm xa. Các mối đe dọa từ Trung Quốc có thể lớn hơn những gì Nhật đã làm với Úc trong Thế chiến thứ Hai.

Theo ông Michael Shoebridge - giám đốc quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, một khi Úc có được tàu ngầm hạt nhân, cán cân quân sự dài hạn ở khu vực sẽ thay đổi.

Theo nhận định của một chuyên gia quân sự thân cận với quân đội Trung Quốc, Úc đang bước ra tiền tuyến bằng cách trở thành một phần của các phương tiện quân sự mà Mỹ sử dụng để kiềm chế Bắc Kinh ở Biển Đông.

"Sau khi nâng cao sức mạnh quân sự của Úc, bước tiếp theo của Mỹ sẽ là phát huy mạnh mẽ vai trò của Úc ở Biển Đông" - người này nói thêm.

Cũng theo chuyên gia này, dù Úc là người mua các tàu ngầm, nhưng có thể Mỹ là mới người sử dụng chúng để nâng sức mạnh tổng thể của Washington ở Tây Thái Bình Dương. Điều này sẽ "đánh dấu sự khởi đầu của những thay đổi lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm