Củng cố liên minh Ấn Độ - Nhật - Úc

Ấn Độ, Nhật và Úc đã trấn an khối ASEAN rằng bộ tứ gồm ba nước này và Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc chính trị và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định như trên trong thông cáo báo chí công bố sau cuộc đối thoại ba bên Ấn - Nhật - Úc lần thứ tư tại New Delhi (Ấn Độ) hôm 13-12.

Hội tụ lợi ích ba bên

Tham dự đối thoại ba bên có Bí thư đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke J. Sugiyama và Bí thư Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Frances Adamson.

Ba bên ghi nhận “mức độ hội tụ về lợi ích” ngày càng gia tăng của ba quốc gia. Ba bên cam kết tiếp tục ủng hộ hòa bình, dân chủ, tăng trưởng kinh tế và một trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực.

Ba bên nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác hơn nữa về an ninh hàng hải, tăng cường năng lực ứng phó thảm họa và nhận thức khu vực. Ba bên khẳng định quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.

Đối thoại ba bên lần tới dự kiến sẽ được tổ chức tại Tokyo. Cuộc đối thoại ba bên này được tổ chức chỉ một tháng sau khi ba nước này cùng Mỹ khởi động lại bộ tứ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ tứ ra đời vào năm 2007. Lúc bấy giờ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nêu lên tầm quan trọng của chiến lược kim cương gồm bốn nước. Song sau đó bộ tứ không tiếp tục phát triển. Phải đến Hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila (Philippines) hôm 13-11 vừa qua, các nước gặp nhau bên lề hội nghị và nhất trí hoạt động trở lại.

Bộ tứ Ấn Độ, Nhật, Úc, Mỹ hồi sinh sau hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 13-11 tại Manila. Ảnh: REUTERS

Yếu tố Trung Quốc

Báo chí Ấn Độ nhận định bộ tứ Ấn Độ, Nhật, Úc, Mỹ hồi sinh nhằm mục đích xây dựng liên minh ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đây Ấn Độ, Nhật và Úc đã từng tham gia nhiều sáng kiến chung để khẳng định sự hiện diện ở Ấn Độ Dương như các dự án hàng hải, hợp tác hải quân và tập trận ba bên.

Đối thoại ba bên lần này mang ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do:

Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương. Do đó, ba nước cần phải tiếp tục khẳng định về tự do hàng hải. Đặc biệt cần nhấn mạnh đến quan điểm này trong bối cảnh Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa các đảo trên biển Đông.

Trong thời gian qua, Nhật và Trung Quốc đã đối đầu trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nhật đã cực lực phản ứng sau khi Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân gần Senkaku.

Đối thoại ba bên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên cho rằng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và tuyên bố đã đạt được tiêu chuẩn quốc gia hạt nhân. Do đó chương trình nghị sự của ba nước Ấn Độ, Nhật và Úc không thể bỏ qua vấn đề này.

Tại cuộc đối thoại ngoại giao và quốc phòng 2 + 2 đầu tiên giữa Úc và Ấn Độ hôm 12-12 ở New Delhi, Bí thư Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Frances Adamson tuyên bố Úc sẵn sàng tham gia cuộc tập trận Malabar nếu được Ấn Độ, Mỹ, Nhật gửi lời mời. Tại đối thoại 2 + 2, Úc và Ấn Độ đã thảo luận về các vấn đề hợp tác hàng hải. Bà Adamson nhấn mạnh Úc xem Ấn Độ là đối tác tiềm năng về an ninh và ổn định khu vực.

________________________________

Triều Tiên là mối đe dọa trước mắt không thể bỏ qua, còn Trung Quốc là vấn đề quan tâm nghiêm trọng hơn về trung hạn và dài hạn.

JAMES E. AUERnguyên giáo sư ĐH Vanderbilt (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm