Cuộc chiến tuyên truyền giữa phiến quân - chính phủ Ukraine do vụ MH17

Các cập nhật trên mạng xã hội do các chiến binh thân Nga đưa lên rồi xóa đi vội vàng. Thực tế này gợi nhắc về khả năng các chiến binh này ngỡ họ đã bắn rơi một chiếc máy bay của quân đội Ukraine trước khi nhận ra một sự thật khủng khiếp: Chiếc máy bay đó trên thực tế là một máy bay Malaysia đông hành khách.

Cuộc chiến tuyên truyền giữa phiến quân - chính phủ Ukraine do vụ MH17 ảnh 1Thủ tướng "Cộng hòa Nhân dân Donets" (ở giữa) (ảnh: AFP)

Các quan chức Kiev lập tức công bố những đoạn Twitter và blog này nhằm tiến hành cuộc chiến tranh thông tin với điện Kremlin.

Trong khi đó truyền thông nhà nước Nga tránh đề cập đến các đoạn tin nhắn và cập nhật trên mạng xã hội. Thay vào đó họ phản ánh các cáo buộc sau đó của lãnh đạo dân quân nổi dậy ở Ukraine cho rằng không quân Ukraine đã bắn rơi chiếc phi cơ chở khách Boeing 777.

Theo AFP, các phiến quân ban đầu tuyên bố đã bắn hạ ít nhất một chiếc máy bay của lục quân Ukraine. Trang mạng xã hội VK của Igor Strelkov – “bộ trưởng quốc phòng” của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong – lúc đầu tuyên bố: “Chúng tôi mới bắn rơi một chiếc An-26 gần thị trấn Torez”. Đoạn nhắn nhủ ghi thêm: “Và đây là một đoạn video xác nhận việc “một chú chim bị rơi”.”

Đoạn thông báo trên VK này đã bị gỡ bỏ. Nhưng trước đó, bộ tự lệnh chiến dịch quân sự ở Đông Ukraine chụp màn hình và phổ biến thông báo này qua một thông cáo báo chí bằng tiếng Anh.

Vài tiếng đồng hồ trước đó, một thông điệp trên một tài khoản Twitter chính thức của Cộng hòa Nhân dân Donetsk thông báo, quân nổi dậy đã giành được một loạt thiết bị phòng không Buk do Nga sản xuất có khả năng đánh các mục tiêu ở rất cao.

Tổng thống Ukraine Poroshenko thân phương Tây đã nhanh chóng gọi vụ việc xảy ra với phi cơ MH17 là một “hành vi khủng bố”.

Tuy nhiên Tổng thống Putin lập luận rằng sự cố có lẽ đã không xảy ra nếu ông Poroshenko không xé bỏ một thỏa thuận ngừng bắn vắn tắt và nối lại các hoạt động quân sự ở đông nam Ukraine.

Thủ tướng Donetsk tự phong Oleksandr Boroda nói với truyền thông Nga rằng các đơn vị của ông ta  không có các trang bị có khả năng bắn tới độ cao hành trình của một chiếc Boeing.

Còn Bộ Quốc phòng Nga thì lập luận rằng chính quân đội Ukraine có nhiều khả năng đã bắn tên lửa Buk.

Một thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn: “Các tuyên bố của quan chức Kiev cho rằng các hệ thống như thế không được sử dụng trong tấn công đường không chỉ làm cho người ta thêm nghi ngờ”./.

Trung Hiếu/VOV.VN 

Theo AFP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm